Biển Mũi Né bị “phân lô”, tư nhân hóa

Mũi Né – Phan Thiết là một điểm đến du lịch  nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, “trả giá” cho danh hiệu “thủ đô resort”,  hiện nơi đây  chỉ có bãi biển Đồi Dương là “bãi biển tập thể” duy nhất  còn sót lại.

 Mũi Né – Phan Thiết là một điểm đến du lịch  nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, “trả giá” cho danh hiệu “thủ đô resort”,  hiện nơi đây  chỉ có bãi biển Đồi Dương là “bãi biển tập thể” duy nhất  còn sót lại.

Chiều dài hàng chục km bờ biển TP. Phan Thiết đều đã có chủ là những nhà đầu tư đến từ khắp nơi. Người dân không dễ gì vào được các bãi biển này.

“Phân lô” bãi biển

Một phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận với báo giới rằng:  “Không phải không có những sai lầm trong vấn đề qui hoạch bãi biển Mũi Né trước đây”. Nhưng, điều quan trọng là hiện nay những sai lầm trong qui hoạch ở Mũi Né khó có thể điều chỉnh được.

 

Hàm Tiến- Mũi Né hiện nay có hàng trăm resort (khu nghỉ mát), hằng năm thu hút hàng triệu du khách. Riêng phường Hàm Tiến có trên 40 resort, nếu tính cả Mũi Né và phía nam TP.Phan Thiết thì có đến hơn 100 resort. Resort ken dày nhau, khóa kín mặt biển. Có những resort chỉ có mặt tiền chưa đầy hai chục mét với chưa đầy hai chục phòng. Chạy xe dọc ven biển Phan Thiết hiện nay, không thể nhìn thấy  một thước đất trống nào.

Giải thích vì sao có quá nhiều resort nhỏ nằm chen nhau, ông Lương Văn Hải- Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận nói: Do luật trước đây qui định rõ, dự án trên 2 ha phải trình Chính phủ phê duyệt. Và thời điểm đó (trước năm 1995) thủ tục cấp phép đầu tư cho những dự án lớn rất phức tạp. Do vậy tỉnh đã cấp nhiều dự án dưới 2 ha. Đây là “yếu tố lịch sử”.

Sống bên biển mà từ lâu nhớ thương biển

“Không có chủ trương khóa mặt tiền biển bao giờ cả. Chúng tôi qui hoạch phải chừa ra 100 mét ven biển cho du khách và dân cùng được xuống biển. Nhưng bây giờ nhiều doanh nghiệp du lịch tự bảo vệ và làm sạch bãi biển, dân ít đến tắm, nên nhiều người cứ tưởng biển là của riêng họ” - ông Trần Thinh- nguyên giám đốc Sở Thương mại- Du lịch Bình Thuận từ năm 1997- 2002.

Anh Nguyễn Đăng Trung, một người chạy xe thồ ở phường Hàm Tiến (TP.Phan Thiết) cho biết: “Nhà tôi cả ba đời sinh ra và lớn lên ở đây. Nhưng bây giờ mỗi khi tôi muốn xuống biển đều phải “xin” ông bảo vệ resort cho tắm nhờ một chút; không có sự đồng ý thì dễ bị đuổi khỏi bãi biển ngay”. Một sự thật đau đớn với người con của biển quê nhà.


Tuy nhiên, ông Lê Ngọc T, chủ đầu tư một resort  nổi tiếng ở Mũi Né - TP.Phan Thiết lại phân tích khác: “Dù bãi biển không phải của riêng tôi. Nhưng tôi bỏ hàng tỉ đồng ra xây kè biển, hằng ngày thu gom hàng tấn rác từ bãi biển do chính người dân địa phương xả ra. Tôi chăm chút cho bãi biển đẹp thêm mỗi ngày để làm gì? Rõ ràng, ngoài việc phục vụ cho du khách, tôi còn làm cho hình ảnh Mũi Né đẹp hơn trong mắt hàng nghìn du khách quốc tế đến resort của tôi nghỉ dưỡng. Như vậy “anh” cũng phải để tôi được hưởng lợi nhuận từ bãi biển này chứ!”.


Ông Lương Văn Hải giải thích: “Trên thực tế biển không phải của nhà đầu tư. Nhưng họ là người duy nhất quản lí và chăm sóc bãi biển ấy. Họ cũng phải bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức để  làm sạch môi trường, thậm chí là bỏ tiền tỉ để xây kè giữ bờ biển mới có được bãi biển sạch đẹp như thế”.

Theo ông  Hải, cho biết thêm thì ở các huyện, thành phố có biển của Bình Thuận đều có qui hoạch bãi biển cho cộng đồng; nhưng mô hình thực hiện chưa rõ ràng, dịch vụ kém và rất thiếu kinh phí đầu tư từ phía nhà nước.

Đối nghịch với những bãi biển cộng đồng thường hay ô nhiễm môi trường do thiếu vắng sự quản lí và dĩ nhiên là không được phát huy tiềm năng, các bãi biển giao cho tư nhân được khai thác thì rất hiệu quả. Có lẽ, thực tế này là một trong những yếu tố để chính quyền giao hết bờ biển cho tư nhân!

Hiện nay, suốt chiều dài 192 km bờ biển của Bình Thuận chỗ nào cũng đã được giao cho các nhà đầu tư, tức là đất đã có chủ. Hay nói theo cách đơn giản của một số người dân Phan Thiết là “đã bán hết” đất ven biển rồi.

Vì sao dân không còn đường ra biển ?

Ở Mũi Né hiện nay do các resort ken dày nhau nên gần như không còn lối đi cho người dân mỗi khi muốn xuống biển (hiện chỉ có một, hai con đường nhỏ). Điều này gây bức xúc không chỉ cho dân, mà còn là nỗi bức xúc của chính những người làm qui hoạch. Ông Hải thừa nhận: “Trước đây làm qui hoạch không lường hết được qui mô phát triển lớn mạnh như bây giờ. Mũi Né của những năm 1995 trở về trước chỉ là những bãi dừa ven biển; trên bờ là những bụi gai xương rồng, dân ở thưa thớt, đường sá đi lại chưa có. Lúc đó có nhà đầu tư đến khai phá vùng đất này làm du lịch là quí lắm rồi. Bây giờ phải nhìn Mũi Né như một bài học quí giá để làm qui hoạch cho những vùng khác. Hiện nay những dự án có qui mô dưới 5 ha sẽ không được cấp phép”.

Tuy nhiên, ông Trần Thinh – nguyên Giám đốc Sở Thương mại- Du lịch Bình Thuận từ năm 1997 đến năm 2002 lại cho rằng, việc qui hoạch Mũi Né- Phan Thiết trước đây có đường xương cá xuống biển, lấy đường ĐT706 là trục chính. “Nhưng tôi không hiểu sao cho đến bây giờ lại không có con đường nào xuống biển”, vị cựu giám đốc sở thắc mắc mà không có câu trả lời.

Ông Hải cho biết, tỉnh đã qui hoạch lại ba con đường xuống biển trong khu vực “thủ đô resort”. Dù vậy, do thiếu vốn nên mới làm được một con đường, đang tìm cách giả tỏa đền bù cho hai con đường còn lại.

Tuấn Ngọc - Bảo Thanh

Đọc thêm