|
Biểu tượng chữ V thường được các bạn trẻ Châu Á lý giải rằng đó là biểu tượng của chiến thắng (Victory). |
Hình ảnh ngón tay trỏ và ngón tay giữa chụm thành hình chữ V, lòng bàn tay hướng ra ngoài là một biểu tượng rất thường thấy trong phong cách chụp hình lưu niệm hay chụp hình “tự sướng” của người Châu Á, đặc biệt là những người trẻ, giống như người phương Tây thường nói từ “cheese” khi chụp hình vậy.
Dù rằng biểu tượng chữ V mang đậm chất phương Tây nhưng thực tế chính người phương Tây cũng thấy xa lạ khi biểu tượng chữ V xuất hiện nhiều trong những bức ảnh của người phương Đông. Trong thế giới phương Tây, biểu tượng chữ V thực tế không quá nổi tiếng như vậy.
Biểu tượng chữ V dường như đã đi sâu vào văn hóa đại chúng ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thực tế, biểu tượng này mới xuất hiện từ cuối thập niên 1960 và bắt đầu được biết tới rộng rãi hơn tại Châu Á hồi cuối thập niên 1980.
Nhiều người cho rằng biểu tượng chữ V bắt đầu nổi tiếng tại Châu Á bởi một vận động viên trượt băng người Mỹ có tên Janet Lynn.
Khi đến với kỳ Thế vận hội Olympic 1972 tổ chức tại Nhật, cô gái 18 tuổi được kỳ vọng sẽ mang về huy chương vàng cho nước Mỹ nhưng giấc mơ đó đã không thành hiện thực khi Janet Lynn bị trượt ngã trong bài thi của mình. Cơ hội giành huy chương vàng vuột mất ngay lập tức.
|
Janet Lynn |
Tuy vậy, thay vì thể hiện sự thất vọng, buồn bã trên gương mặt, cô gái đã mỉm cười. Cách thể hiện thái độ của Janet Lynn trái ngược hoàn toàn với cách thể hiện thái độ thường thấy của người dân Nhật khi phải đối diện với thất bại.
Họ thấy kỳ lạ khi cô gái đó dù biết mình đã mất đi cơ hội giành chiến thắng nhưng vẫn mỉm cười. Sự kỳ lạ đó đã khiến Janet Lynn dù không phải là người chiến thắng nhưng vẫn nhận được sự cổ vũ, ngưỡng mộ từ người dân của nước chủ nhà.
Janet Lynn sau đó đã nhận được huy chương đồng, trong một bài phỏng vấn, cô từng chia sẻ: “Những ngày sau kỳ thế vận hội, tôi đi đâu tại Nhật Bản cũng luôn có những nhóm người đi theo, như thể tôi là một ngôi sao ca nhạc vậy. Mọi người tiến tới, tặng tôi quà lưu niệm và ngỏ lời muốn bắt tay tôi”.
Khi đó, Janet Lynn đã trở thành một hiện tượng đối với người Nhật, cô nhận được hàng ngàn lá thư của người hâm mộ. Trong những cuộc họp báo được tổ chức sau đó tại Nhật, Janet Lynn thường sử dụng biểu tượng chữ V. Có lẽ kể từ đây, một hiện tượng văn hóa đã bắt đầu sinh ra ở Nhật và sau đó sẽ lan rộng sang các nước khác.
Còn một giả thuyết khác cho rằng biểu tượng chữ V đã đi vào đời sống văn hóa Nhật thông qua truyện tranh.
Năm 1968, cuốn truyện tranh viết về các cầu thủ bóng chày - “Kyojin no Hoshi” (Ngôi sao của những người khổng lồ) - có nhân vật chính thường phải đương đầu với những thử thách, khó khăn và luôn nhận được sự động viên, cổ vũ của cha, thể hiện qua biểu tượng chữ V mỗi khi cậu chuẩn bị bước vào một trận đấu quan trọng.
Một cuốn truyện tranh khác về các cầu thủ bóng rổ có tên “Sain wa V!” (Biểu tượng chữ V) cũng sử dụng biểu tượng này với ý nghĩa “Victory” (Chiến thắng), về sau bộ truyện này còn được chuyển thể thành phim truyền hình.
Những nghệ sĩ nổi tiếng tại Nhật cũng đã nhanh chóng tiếp thu, sử dụng biểu tượng này. Đặc biệt, nam ca sĩ Jun Inoue từng là đại sứ hình ảnh của một hãng máy ảnh nổi tiếng tại Nhật, thường sử dụng biểu tượng chữ V khi quay quảng cáo và tham gia các sự kiện…
Đến thập niên 1980, ở Nhật cũng như nhiều nước Châu Á khác, máy ảnh bắt đầu được sử dụng rộng rãi, cùng với đó là sự gia tăng số lượng của những tờ tạp chí dành cho phụ nữ, ở Nhật bắt đầu xuất hiện một khái niệm về thẩm mỹ có tên “kawaii”, nghĩa là dễ thương.
Kể từ đây, phụ nữ bắt đầu chụp ảnh nhiều hơn để lưu giữ vẻ “kawaii” của mình. Đến thời đại công nghệ, họ thậm chí còn chia sẻ sự dễ thương đó trên mạng. Biểu tượng chữ V lúc này đã được sử dụng rất rộng rãi, trở thành động tác quen thuộc mỗi khi chụp hình, tựa như động tác “chu môi” quen thuộc của nhiều bạn trẻ ngày nay.
Biểu tượng chữ V cho tới hôm nay vẫn được coi là một động tác “hot” mỗi khi chụp ảnh bởi nó khiến khuôn mặt của người chụp, đặc biệt là nữ giới, trở nên nhỏ gọn và dễ thương hơn.
|
Khi văn hóa Nhật bắt đầu có tầm ảnh hưởng tới những nước Đông Á khác hồi thập niên 1980 (trước khi có làn sóng văn hóa Hàn Quốc), biểu tượng chữ V đã được “xuất khẩu” sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Ngày nay, biểu tượng chữ V vẫn rất phổ biến ở nhiều nước Châu Á, nhiều người thực hiện động tác này như một thói quen giúp làm giảm đi sự ngượng nghịu, lúng túng lúc chụp hình, để chân tay khỏi bị “thừa”.