Tại các chùa lớn như chùa Quán Sứ và một số chùa khác quanh Hà Nội, lúc cao điểm, có những lễ cầu siêu lên tới vài ngàn người đăng ký. Rải rác hơn, có những nhóm khoảng vài chục đến vài trăm người tập hợp nhau lên chùa nhờ thầy làm lễ.
Nghĩa trang thai nhi online
Trên nghĩa trang online dành cho các thai nhi bị bỏ rơi, danh sách những vong linh dài như vô tận. Có những người lập bia mộ cho con với một cái tên đầy đủ, vẹn toàn; có những bia mộ mang tên Mèo Con, Rắn Con, Bé Na, Bé Mít, Bé Su…; và cái tên “Vô Danh” cũng được nhiều ông bố bà mẹ chọn đặt cho con mình như Nguyễn Vô Danh, Phạm Vô Danh, Trần Vô Danh….
Nhiều bào thai bị bỏ rơi do “bố mẹ còn đi học”, “mẹ mới chỉ là một cô bé 16 tuổi, mẹ còn chưa lo được cho mình, làm sao chăm sóc được cho con”… Có những thai nhi bị chối bỏ từ khi chỉ là một giọt máu, nhưng cũng có những thai nhi đã được 7, 8 tháng tuổi.
Nghĩa trang online ảo nhưng nỗi niềm lại là đời thực, những người trẻ đều giãi bày những hối lỗi và mong cầu sự tha thứ. “Bố xin lỗi vì đã không bảo vệ được con, bố yêu con...”, “Mẹ biết mẹ không xứng đáng làm mẹ của các con nhưng cũng mong các con cho mẹ gọi các con là con và xưng mẹ”, “Mẹ xin lỗi con nhiều lắm... Ba mẹ chưa đủ can đảm, chưa đủ chín chắn để đón nhận một sinh linh chào đời. Mẹ biết con đã đau đớn, đã gọi mẹ, đã hận mẹ nhiều lắm. Cả đời này mẹ không thể quên được hình ảnh trái tim bé nhỏ của con đang đập từng nhịp sống, và hình ảnh cuối cùng của con chỉ còn là một ống máu... Ba mẹ xin lỗi, ngàn lần xin lỗi con...
Và đây là tâm sự của một cô gái 19 tuổi phải tự mình vào bệnh viện chối bỏ giọt máu lầm lỡ của mình: “Mẹ là một đứa con gái hư thân mất nết, có học hành, nhưng mẹ đã sống đời sống của đua đòi, của cám dỗ, và của những đam mê. Những cuộc vui vô độ đã cuốn hút mẹ. Mẹ không trách ba con, dù trước đó mẹ rất hận, nhưng bây giờ mẹ hiểu, ba con cũng rất cô đơn cái niềm cô đơn chung của đa phần tuổi trẻ…Ở thế giới bên kia, mẹ mong con sẽ được sống hạnh phúc, thiên thần nhỏ của mẹ sẽ được tươi cười mãi mãi. Và cầu xin con hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà mẹ đã gây ra, mẹ đã không đủ sức để bảo vệ con”...
Nước mắt ở đời thực
Chùa Sủi (Thuận Thành, Bắc Ninh) nằm giữa một vùng quê êm đềm, nhưng vào dịp này, có rất nhiều cô gái ở thế hệ 8X, 9X chưa từng lên xe hoa nhưng đã tới cầu siêu cho cả chục thai nhi bị phá bỏ. Chia sẻ với phóng viên, một người trong ban nghi lễ của chùa cho biết: “Trong cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau có nhiều bậc cha mẹ đã chối bỏ thai nhi và như thế đồng nghĩa với việc họ đã tước đoạt đi sinh mạng của chính con mình. Cửa Phật là nơi con người ta có thể giãi bày hết những tâm tư sâu kín nhất và mong được tha thứ, vì thế những cô gái trẻ đến đây để nhờ cầu siêu cho con, cũng một phần làm cho tâm hồn mình thanh thản.... Họ không muốn công khai tên tuổi của mình”.
Khi đăng ký tại chùa, người đến cầu siêu sẽ được các sư cô hướng dẫn rất kỹ lưỡng từ cách ghi tên vào bài vị cho đến nghi thức cúng tế. Trước đây, một số người đặt tên cho những đứa con chưa chào đời theo cảm tính hoặc những cái tên xuất phát từ thực tế đau lòng: “Rơi, Rớt, Bỏ”,... nhưng hiện tại, chùa có hẳn một bảng gợi ý cách đặt tên, thường là lấy họ của cha và mẹ ghép lại hay những cái tên dựa theo pháp danh của người xuất gia như Diệu Ngọc, Diệu Hiền... Như thế, những người từng vứt bỏ thai nhi cũng thấy an ủi và phần nào nguôi ngoai nỗi đau.
Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi chia sẻ: Khi một bào thai hình thành và bắt đầu nhen sự sống, nhưng vì lý do nào đó mà các bậc làm cha, làm mẹ không để chúng cất tiếng khóc chào đời, tức là họ đã hủy đi một mầm sống. Hơn thế nữa, họ đã phạm vào tội sát sinh. Họ thường bị tổn thương về nhiều mặt, cảm thấy mình gây ra tội nghiệt quá nặng và muốn làm một điều gì đó cho con của họ để xóa bớt ám ảnh trong lòng.
Do đó, 4 năm nay chùa sáng lập đại lễ cầu siêu cho vong hồn thai nhi vào tháng 6 hằng năm, hướng về thế giới của những sinh linh bị khước từ sự sống. Tuy nhiên, điều đáng buồn là con số tới đăng kí tăng lên khoảng 20% mỗi năm. Năm nay, số lượng lên tới trên 2000 người. Có cô cầu siêu cho 10 thai nhi, có cô mười mấy thai nhi. Đa số họ còn trẻ.
Ngoài ra, trong lễ Vu Lan tưởng nhớ ông bà cha mẹ cũng có phần cầu siêu cho những hài nhi chưa được sinh ra. Động lực của nhà chùa nhằm giáo dục lối sống cho các bạn trẻ, ý thức được trong cuộc sống, là một con người ở trong bào thai cũng mong muốn được sinh ra. Thế nhưng, các bạn trẻ với lối sống gấp đã chối bỏ thai nhi, họ không lường trước hậu quả nên sa đà gây lầm lỗi. Giáo lý nhà phật phân tích về tham-sân-si, về sự vô minh của con người, nhà chùa cầu siêu để nhằm con người phải hiểu được đạo lý này.
Ý nghĩa sâu xa hơn, tại sao thế giới có lối sống “tích gió thành bão”, nguyên nhân nào gây nên sự oán hận của con người, môi trường sống nhiều khi bất ổn…? Bởi một khi đã tước bỏ mầm sống là chúng ta đang phạm vào luật nhân - quả. Triết lý nhà phật nói: Có làm điều thiện thì mới gặp được những điều tốt lành. Làm lễ cầu siêu cho những linh hồn thai nhi bơ vơ cũng là sự thức tỉnh về nhân cách, đạo đức cho những người trẻ. Tuy nhiên, Đại đức cũng mong rằng con số hài nhi được đăng kí này sẽ giảm dần qua từng năm chứ không phải dài mãi như một tiếng thở dài xót xa, đau đớn…
Đại đức cũng chia sẻ, mỗi lần tổ chức lễ cầu siêu, hàng ngàn người từ khắp nơi tìm đến vây kín cả sân chùa. Trong số họ có người là dân lao động nghèo, có người thuộc tầng lớp trí thức, có người từng nạo phá thai nhiều lần, nhưng cũng có người sơ suất bị sảy thai cũng tìm đến. Mỗi người một cảnh ngộ nhưng mục đích cuối cùng vẫn là hy vọng tìm lại chút thanh thản trong lòng.
Sau mỗi lần tổ chức lễ cầu siêu như vậy, nhiều người có chia sẻ với nhà chùa rằng, họ thấy lòng thanh thản hơn trước. Nhiều người từng gặp ác mộng thì giờ ít hoặc không còn gặp nữa. Yêu thương luôn được đền đáp bởi yêu thương, hiểu được điều đó, sẽ không còn những điều ác trong cuộc đời.
Đại đức Thích Thanh Phương cho biết: Với lễ cầu siêu cho những hài nhi chưa được sinh ra, động lực của nhà chùa nhằm giáo dục lối sống cho các bạn trẻ, sống có ý thức hơn. Bởi khi con người vô tình bỏ đi một sinh linh của mình, thai nhi sẽ có rất nhiều cảm xúc khi bị bỏ.
Một trong những cảm xúc ấy là tủi thân tủi phận về số kiếp của mình đã không may mắn được làm người. Dù cảm xúc thế nào đi nữa cũng khiến các bé khó siêu thoát khỏi thế giới đầy khổ đau.
Việc cầu siêu cho các bé như là sự chuộc lỗi của cha mẹ. Các bé có cảm giác như cha mẹ mình đã hối lỗi, đang ăn năn, cầu xin sự tha thứ của các bé.