Bộ luật Hàng hải phát sinh nhiều “điểm nghẽn”

Cục Hàng hải vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (BLHH), chỉ ra những điểm “lỗi thời” cần sửa trong thời gian tới…

Cục Hàng hải vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (BLHH), chỉ ra những điểm “lỗi thời” cần sửa trong thời gian tới…

Theo nhiều ý kiến, sau 5 năm đi vào cuộc sống, BLHH giờ đây đã nảy sinh nhiều bất cập.  Đặc biệt, vì các chủ thể liên quan trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và mối quan hệ của các bên đối với hợp đồng vận chuyển chưa được thể hiện rõ ràng (Điều 70, Điều 72) nên khi tranh chấp xảy ra, rất khó giải quyết.

Hay liên quan đến số tiền bảo hiểm được quy định tại Điều 233: “Trường hợp số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm thấp hơn giá trị bảo hiểm thì người bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm, kể cả chi phí khác thuộc phạm vi bảo hiểm”. Việc xác định giá trị bảo hiểm là vấn đề gây tranh cãi. Vì, giá trị bảo hiểm là giá trị thực tế của đối tượng bảo hiểm, theo quy định tại Điều 232 - giá trị bảo hiểm được xác định tại thời điểm bảo hiểm. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của tàu biển tại thời điểm giao kết hợp đồng không mang lại nhiều ý nghĩa cho việc giải quyết bồi thường tại thời điểm tổn thất mà đôi khi lại phát sinh nhiều tranh chấp. Bởi lẽ: rất ít các công ty thừa nhận việc tham gia bảo hiểm thấp hơn giá trị tại thời điểm giao kết. Hơn nữa, giả sử người mua bảo hiểm đúng giá trị tại thời điểm giao kết nhưng trong thời gian thực hiện hợp đồng bảo hiểm thì giá trị của tài sản có thể biến động lớn. Một mặt, có thể người được bảo hiểm mua bảo hiểm cao hơn giá trị thực tế của tài sản nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp cơ quan tài phán có thể cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận bảo hiểm theo số tiền bảo hiểm (mà người được bảo hiểm đã kê khai), có nghĩa là đã chấp nhận giá trị của tài sản và buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường theo số tiền bảo hiểm mà người mua đưa ra… 

Ngoài ra, một trong những vướng mắc thường gặp thực tiễn là vấn đề thẩm quyền và thời hiệu xử lý tranh chấp. Mặc dù, theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng Dân sự thì Toà án Việt Nam có toàn quyền xét xử “tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam”. Tuy nhiên, Điều 100 BLHH 2005 quy định: “Trường hợp vận đơn được ký phát theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến và người giữ vận đơn không phải là người thuê vận chuyển thì các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển và người giữ vận đơn sẽ được điều chỉnh bằng các điều khoản của vận đơn, nếu các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến đã được đưa vào vận đơn thì các điều khoản này được áp dụng”. Mà, trong hầu hết các vận đơn đường biển đều quy định: “Thẩm quyền tài phán, tất cả những tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến vận đơn đường biển này sẽ được giải quyết tại nước tàu mang kỳ hiệu hoặc nếu có quy định khác là tại nơi thoả thuận chung bởi người vận chuyển và thương nhân”.

Do đó, trên thực tế Toà án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này, gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Vịêt Nam nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng…

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ cơ sở, Cục Hàng hải và Bộ Giao thông Vận tải sẽ cân nhắc, xem xét về việc kiến nghị sửa đổi luật hay xây dựng một nghị định hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong “thời gian ngắn nhất”.

 Mai Hoa

Đọc thêm