"Bố mẹ tôi choáng váng khi đọc “Nỗi đau của bướm đêm”

(PLVN) - “Nỗi đau của bướm đêm” - truyện gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua với tên cũ là “Ai lấy cave”, đã được xuất bản thành sách in. Tác giả Thu Hằng đã có những chia sẻ thú vị về tiểu thuyết đầu tay của mình.

- “Ai lấy cave” đã được in thành truyện với tên mới là “Nỗi đau của bướm đêm”, là tác giả, chắc chị có nhiều điều muốn tâm sự với độc giả?

Thật sự, viết một truyện “nặng đô” như “Nỗi đau của bướm đêm”, tôi không dám mong có thể in thành sách. Truyện của tôi, chính bố mẹ tôi cũng không đọc hết. Bố mẹ tôi choáng váng không ngờ con gái mình viết truyện dằn vặt tới vậy và mô tả cảnh nóng táo bạo tới vậy.

Khi độc giả nhận xét khen chê truyện của tôi trên mạng, tôi suy nghĩ khá nhiều, nhiều lúc hoang mang không biết mình có viết có quá lố không nhưng truyện đã đăng lên rồi, giống như bát nước đã hất đi, tôi không thể lấy lại được.

Những cảnh nóng trong bản truyện online đã được sửa khéo léo, dịu dàng khi in thành sách. Tôi hy vọng độc giả mua truyện để đọc sẽ cảm thấy dễ chịu.

- Tôi và nhiều độc giả đều bất ngờ khi biết chị chính là người mẫu cho bìa cuốn tiểu thuyết của chị. Liệu chị có quá tự tin khi chụp ảnh bìa tiểu thuyết của chính mình?

Lên bìa truyện của chính mình không phải kế hoạch của tôi. Tôi và anh Đỗ Kim Cơ - Giám đốc Tri Thức Trẻ Books và ê kíp họa sĩ của công ty đã có buổi làm việc hơn nửa ngày để tìm ra một bìa sách như ý. Chúng tôi xem hàng trăm bức ảnh và bức vẽ nhưng chưa thật sự hài lòng vì các bức ảnh, bức tranh đó dù đẹp vẫn chưa lột tả được cái tên truyện là “Nỗi đau của bướm đêm”.

Sau khi xem nhiều ảnh tới chóng mặt, tôi nói với anh Cơ: “Em nghĩ anh tìm một vài bức ảnh tối tối kiểu ảnh này của em sẽ hợp hơn” đồng thời mở điện thoại cho anh Cơ xem mấy bức ảnh tôi chụp cho vui tại nhà trong dịp giáng sinh. Không ngờ anh Cơ và họa sĩ thiết kế bìa sách đều ưng ý và hài lòng. Tuy nhiên một loạt ảnh tôi chụp đã bị “tuýt còi” vì quá “nóng”. Cuối cùng công ty sách phải vẽ tranh bìa dựa trên một bức ảnh của tôi. Lên bìa tiểu thuyết của chính mình, với tôi là điều đáng tự hào nhưng ngoài kế hoạch.

- Đọc “Nỗi đau của bướm đêm”, độc giả thắc mắc sao tác giả có thể thấy hiểu về “gái ngành” đến thế, liệu chị có phải là người rất từng trải? Trong khi ngoài đời, trông chị khá trẻ trung, trong sáng…

Tôi làm báo nhiều năm chứ không phải "cave" giải nghệ về viết tự truyện đâu (cười)… Đúng là cuộc đời tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Bao nhiêu hỷ nộ ái ố của đời người, về cơ bản, tôi trải qua hết rồi. Tuy nhiên cuộc sống này làm gì có gì là hoàn hảo, trọn vẹn. Khi nhìn lại quãng thời gian qua, tôi biết ơn những thăng trầm trong cuộc sống vì chính nó giúp tôi có nhiều tư liệu, cảm xúc để viết truyện như hiện tại.

Tôi rất biết ơn một độc giả là giảng viên đại học đã khen tôi rằng: “Cô gái này đọc được nỗi đau của nhân tình thế thái”. Thực ra, đơn giản chỉ là tôi đã trải qua quá nhiều.

- Có người nói, người viết lách cũng như các nghệ sĩ khác, phải “điên” mới tạo ra tác phẩm nhiều dấu ấn, chị có nghĩ như vậy?

Chắc là bạn nói đúng… Tôi viết “Nỗi đau của bướm đêm” khi “điên” nhất. Những mệt mỏi, kiệt quệ của cô cave Thơm chính là của tôi, cơn ác mộng của Thơm là của tôi. Những lời bác sĩ nói với Thơm cũng chính là những lời bác sĩ nói với tôi.

Thời gian qua tôi phải nghỉ việc để điều trị stress, trầm cảm và rối loạn lo âu. Uống thuốc nhiều tác dụng phụ, tôi thường phàn nàn với bác sĩ theo kiểu: “Uống thuốc này hại quá, anh giảm cho em loại này…”. Khi đó bác sĩ nói với tôi: “Em nghĩ ít thôi. Trước tiên phải sống đã”. Tôi thật sự ngộ ra nhiều điều khi nói chuyện với bác sĩ của mình.

Tôi mong mọi người rung cảm khi đọc “Nỗi đau của bướm đêm” và mong mấy nghìn cuốn truyện in ra bán hết thật nhanh để tôi có hứng thú viết truyện mới (cười).

- Truyện của chị ngập tràn cảnh nóng nhưng lại được khen bởi tính nhân văn. Chị chủ đích gây sốc bằng cảnh nóng hay hướng tới sự nhân văn trong tác phẩm?

Tôi chỉ viết theo cảm xúc, muốn người đọc cảm thấy rung động chứ không có chủ đích gây sốc gì cả. Độc giả yêu câu chuyện của tôi, với tôi, đó là hạnh phúc lớn lao. Mọi người thích truyện vì cảnh nóng hay vì sự nhân văn, chân thật, tôi đều cảm thấy mãn nguyện. Tuy nhiên, tính nhân văn và giáo dục là điều mà tôi muốn truyền tải qua tác phẩm này.

Thời gian qua tôi chỉ viết truyện để giải khuây chứ không thực sự nắm bắt được gu độc giả. Khi đăng truyện lên Facebook nhận bão like, tôi bất ngờ vô cùng. Tôi trân trọng cảm ơn tình cảm quý độc giả đã dành cho tôi và câu chuyện “Nỗi đau của bướm đêm”.

- Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!