Bộ “né bóng”, Sở “ghi bàn”

Câu chuyện căn hộ siêu nhỏ một lần nữa lại thu hút sự chú ý của dư luận, với sự tham gia “diện rộng” hơn của các doanh nghiệp bất động sản…

Câu chuyện căn hộ siêu nhỏ một lần nữa lại thu hút sự chú ý của dư luận, với sự tham gia “diện rộng” hơn của các DN BĐS…

canhosieunho
Căn hộ siêu nhỏ: lợi ích cụ bộ, hậu quả lâu dài

Căn hộ siêu nhỏ thu hút sự quan tâm lớn

Mô hình căn hộ siêu nhỏ 20-30 m2 được Công ty địa ốc Đất Lành đề xuất thực hiện thí điểm từ tháng 4 với việc xây căn hộ mẫu 20 m2 để lấy ý kiến khách hàng và người dân có nhu cầu.

Trong khi việc cho phép Đất Lành thí điểm mô hình căn hộ siêu nhỏ còn đang được cơ quan chức năng xem xét, bàn cãi thì Bộ Xây dựng nhận được công văn kiến nghị cho phép đầu tư xây dựng loại căn hộ có diện tích nhỏ 30 - 50 m2 trong khu chung cư thương mại của Công ty TNHH đầu tư phát triển Hưng Gia Phúc.

Dù việc xây căn hộ dưới 45m2 không được Luật Nhà ở cho phép, nhưng nhiều DN cho rằng đây sẽ là giải pháp tốt để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đối tượng độc thân có thu nhập thấp. Động thái này cho thấy các DN ngày càng quan tâm tới căn hộ siêu nhỏ. Việc cùng lúc có nhiều DN xin phép được xây dựng loại căn hộ này đang gây sức ép không nhỏ cho cơ quan hữu trách.

Bộ “né bóng”, Sở “ghi bàn”

Trong một lần trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã chia sẻ rằng mô hình căn hộ siêu nhỏ mà Đất Lành đưa ra cũng “đáng để quan tâm” vì “có vẻ hợp lý với nhu cầu của nhiều người”. Có thể, cũng từ quan điểm đó, Bộ Xây dựng chấp thuận đề xuất của Đất Lành và giao cho UBND TP HCM khảo sát thực tế và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Tiếp theo khi nhận được công văn của Công ty Hưng Gia Phúc, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị xem xét, đánh giá nhu cầu thực tế của loại căn hộ này trên địa bàn để từ đó sớm đề xuất hướng giải quyết. Bộ Xây dựng sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế để trình cấp có thẩm quyền quyết định và trả lời cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mới đây, Sở Xây dựng TP đã có văn bản chỉ ra hàng loạt hệ lụy nếu triển khai mô hình căn hộ siêu nhỏ.   Thứ nhất,  tăng dân số ảnh hưởng đến quy mô dân số của thành phố;Thứ hai, tạo áp lực đối với hạ tầng kỹ thuật giao thông và hạ tầng xã hội trên địa bàn; Thứ ba, tạo ra những khu dân cư có sức nén cao không đảm bảo điều kiện sống và mức sống của cư dân đô thị, và cuối cùng,  ảnh hưởng xấu đến tình hình nhập cư và an ninh trật tự của TP.

Sở Xây dựng quan niệm, căn cứ theo Luật Nhà ở, không có trường hợp nào được pháp luật thừa nhận căn hộ dưới 45 m2. Riêng nhà ở xã hội cũng không được thấp hơn 30 m2 sàn. Vì vậy, nếu chiếu theo Luật Nhà ở, căn hộ thương mại 20 - 30 m2 không phù hợp với các tiêu chuẩn thiết kế được quy định. Chưa kể, Thành ủy, UBND TP HCM có chủ trương hướng tới mục tiêu xây dựng chương trình nhà ở đến năm 2015 phải nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người từ 25,7 lên 26,9 m2.

Lợi ích cục bộ, hậu quả lâu dài

Trao đổi với phóng viên, dưới góc nhìn quy hoạch, ông Nguyễn Thành Hưng (Cty BĐS Thế kỷ) và ông Đặng Quốc Hùng (Cty kinh doanh BĐS TKV) đều không tán thành việc xây căn hộ siêu nhỏ, vì việc này có thể giải quyết nhu cầu trước mắt về chỗ ở của một số người, nhưng có thể nhìn thấy nhãn tiền những hậu quả phải giải quyết về sau, nhất là khi cơ chế quản lý và thực tế quản lý của chúng ta còn hạn chế.
Tuy nhiên, dưới góc độ lợi ích của DN, với mục tiêu lợi nhuận, hai ông đều thừa nhận rằng nếu nhà nước cho phép xây dựng loại căn hộ này, DN của các ông sẽ tích cực tham gia, bởi căn hộ giá thấp sẽ có tính thanh khoản cao, nhu cầu thiết kế cũng không quá cầu kỳ.

Rõ ràng, nhu cầu về chỗ ở của những người có thu nhập hạn chế là có thật. Tuy nhiên, tìm biện pháp hiệu quả để đáp ứng quyền có chỗ ở hợp pháp của người dân là bài toán khó, cần biện pháp đồng bộ. Kinh nghiệm từ việc thực hiện chủ trương nhà ở xã hội sẽ cho thấy, không thể đơn giản là chọn việc dễ để làm, mà phải tính toán tới quy hoạch và quản lý trong cả một quá trình dài.

Bách Nguyễn

Đọc thêm