Hầu hết các vấn đề nóng nhất của tất cả các lĩnh vực xã hội đều được đề cập bởi câu hỏi của các đại biểu. Từ xử phạt hành chính bị cho bất hợp lý đến đạo đức xuống cấp, từ quản lý đất đai cụ thể đến quản lý không gian mạng trừu tượng, từ nhập rác thải đến ô nhiễm môi trường, từ tình trạng tội phạm đến việc điều tra, truy tố và xét xử, từ ban hành văn bản đến thực thi pháp luật,... đều được nhắc tới. Rất đáng chú ý là khi đề cập đến các lĩnh vực này, các đại biểu đều dẫn ra những việc cụ thể, địa chỉ rõ ràng, người thật, việc thật và có mong muốn một sự trả lời dứt khoát.
Tuy nhiên, không ít những vấn đề nóng bỏng, cử tri rất muốn được biết việc giải quyết ra sao đã chưa nhận được sự trả lời thích đáng. Dẫn ra vụ xây dựng các công trình trái phép hoặc tình trạng rắc rối ở các dự án BOT giao thông, vụ đổi 100 đô la bị phạt 90 triệu đồng hoặc việc “nâng đỡ không trong sáng”, vụ xây nhà hát Thủ Thiêm hoặc vụ bác sỹ Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh liên tục, vụ thuế xe ô tô nhập về 0% mà sao giá xe vẫn cao, vụ sản xuất và tiêu thụ phân bón giả đã 2 nhiệm kỳ Quốc hội nêu ra mà vẫn để đấy, vụ chất lượng đường cao tốc kém hoặc tài sản khổng lồ của quan chức từ đâu,... để chất vấn, “hỏi cho ra lẽ” nhưng phần lớn người hỏi cũng như đông đảo người dân theo dõi phiên chất vấn trực tiếp qua truyền hình đều không thấy thỏa mãn.
Bức tranh xã hội hiện lên đa dạng và sôi động qua các chất vấn nhưng màu sắc chủ đạo vẫn là nỗi bức xúc. Bức xúc vì hiện trạng đã đành, bức xúc hơn là việc chậm trễ giải quyết việc gây ra bức xúc đó, lại càng bức xúc khi câu trả lời không đi thẳng vào vấn đề người hỏi đặt ra, hỏi vi mô sự việc cụ thể trả lời bằng vĩ mô chủ trương chính sách, hỏi dưới đất nhận câu trả lời trên trời.
Sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội đã mang lại niềm tin tưởng rất lớn của người dân và ai cũng mong muốn bức xúc được giải tỏa, trật tự, công bằng cùng với đạo đức, văn hóa là nền tảng của xã hội chúng ta. Vì thế, việc những câu hỏi đặt ra từ các đại biểu Quốc hội cũng là các câu hỏi của nhân dân - người giám sát cao nhất cũng là người đánh giá chính xác nhất công việc cũng như khả năng của những người lãnh đạo, phụ trách các lĩnh vực xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu xử lý vụ đổi 100 đô la: “còn quy định chưa hợp lý thì chúng ta phải sửa cho dân nhờ”. Vâng, rất nhiều cái phải sửa ngay để dân nhờ, dân trông chờ vào cán bộ và cán bộ phải làm cho dân “được nhờ”. Bức tranh xã hội sẽ sáng sủa, tươi đẹp dần lên từ nhận thức đó!