Đột phá
Vừa bước chân đến Đại học Đà Lạt (ĐHĐL), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là cổng trường chật hẹp, nặng nề ngày nào giờ đây đã được thay thế bằng chiếc cổng mới thoáng đãng, thênh thang, hiện đại, thấp thoáng ẩn hiện giữa rừng thông xanh biếc như mời gọi sinh viên và mọi người đến với ngôi trường xinh đẹp, nổi tiếng hàng đầu của khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung này.
Cho tới bây giờ người ta vẫn chưa quên, từ một Viện Đại học được xây dựng vào năm 1958, nhưng phải đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi làn gió “đổi mới” thổi về, thì ĐHĐL mới thực sự phát triển. Nhà trường mở ngành Quản trị kinh doanh năm 1990, ngành Anh văn năm 1992. Do ngành nghề được mở rộng, đáp ứng nhu cầu xã hội, nên đã thu hút người học, lượng sinh viên tăng nhanh.Trước năm 1990 nhà trường chỉ có khoảng 1.200 sinh viên, đến năm học 1995 – 1996 tăng gấp 7 lần với 8.900 sinh viên.
Từ năm 1999 đến nay, ĐHĐL không chỉ mạnh dạn đa dạng hóa ngành nghề, bậc đào tạo; mở rộng liên kết đào tạo với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, mà còn mở rộng quan hệ quốc tế với nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Nhiều ngành đào tạo mới tiếp tục xuất hiện: Khoa học Môi trường, Luật học, Xã hội học, Quốc tế học, Văn hóa học, Kế toán, Du lịch... Đặc biệt, một số ngành kỹ thuật, công nghệ như: Nông học, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử – viễn thông, Kỹ thuật hạt nhân đã lộ diện
Trung tâm thông tin thư viện Đại học Đà Lạt |
Đến mùa xuân này, toàn trường có hơn 20.000 sinh viên, 44 ngành đào tạo. Nhà trường còn liên kết với Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đào tạo cả bậc sau đại học. Trong khí thế mới, ĐHĐL hạ quyết tâm phát triển 3 ngành đào tạo “mũi nhọn” là: Công nghệ hạt nhân, Công nghệ sinh học và Công nghệ thông tin, vì nhà trường là một trong 5 trường đại học của cả nước được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân, đồng thời được Bộ Giáo dục & Đào tạo và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua.
Đến thăm cơ sở vật chất của nhà trường, nhiều người không khỏi trầm trồ. Đáng chú ý là khu nhà liên hợp cao tầng của sinh viên khu nội trú với diện tích sử dụng là 3.000m2 được trang bị tiện nghi hiện đại, là chỗ ở đạt chuẩn cho cả sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài đến học tập. Trong khuôn viên trường rộng gần 40 ha, Trung tâm Thông tin -Thư viện cao tầng có diện tích sử dụng hơn 8.000m2 được đầu tư hệ thống thiết bị điện tử và phần mềm nghiệp vụ thư viện hiện đại. Khu giảng đường hai tầng A7 được cải tạo nâng cấp, khu liên hợp thí nghiệm cao tầng A11, khu giảng đường cao tầng A31 được khởi công xây dựng vào quý IV năm 2008 đến nay đã được đưa vào sử dụng.
Ngày 26/11/2014, một sự kiện quan trọng diễn ra làm nức lòng thầy và trò ĐHĐL khi chính thức tiếp nhận thiết bị OPR 1000 Core Simulator - thiết bị mô phỏng lõi Lò phản ứng hạt nhân được tài trợ bởi Đại học Hanyang, Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc và Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc. Là phiên bản mới nhất, OPR 1000 có nhiều mặt tối ưu, nhất là cho biết các thông số thực về hoạt động của lò như: thời gian, công suất thay đổi theo vị trí của thanh điều khiển, nhiệt độ, phân bố công suất, nồng độ axit boric... Đây là thiết bị duy nhất có mặt ở Việt Nam nhằm giúp người học làm chủ được quy trình vận hành của lò phản ứng hạt nhân.
PGS - TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sắp tới Hàn Quốc cam kết sẽ giúp nhà trường thêm thiết bị mô phỏng cả nhà máy hạt nhân trong dự án 2 triệu USD, đồng thời mỗi năm cung cấp cho nhà trường từ 10-20 suất học bổng để giúp ĐHĐL đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai. Với thiết bị mô phỏng này, cùng với Lò phản ứng hạt nhân thật của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nhà trường đã thực sự trở thành nơi hội tụ cao các điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam.
Thời gian qua, ĐHĐL còn mạnh dạn xây dựng Viện Công nghệ cao và Viện Nghiên cứu môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của một địa phương vốn có thế mạnh sản xuất rau, hoa như Đà Lạt - Lâm Đồng. TS Nguyễn Văn Kết Hiệu phó cho hay: Đến nay, ngoài việc chỉnh trang hoàn thành vườn sưu tập trà mi (Camellia) gồm 500 cây đặc hữu của Lâm Đồng, trại thực nghiệm nông học, nhà trường còn xây dựng được một hệ thống phòng thí nghiệm khá hoàn chỉnh để sản xuất các loại nấm, hoa và sâm Ngọc Linh.
Ban Giám hiệu đã làm việc với phía Nhật Bản thông qua dự án JICA, nước bạn mong muốn ĐHĐL là bước chuyển giao để thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Do vậy, sắp tới trường sẽ đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng nhà kính hiện đại, tự động hóa toàn bộ, đồng thời chuẩn bị cho gần 3.000 công nhân sang Nhật học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Để có được những thành quả như hôm nay, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời gian qua ĐHĐL đã đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, chuyển đổi nhà trường thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Mỗi năm nhà trường đều tổ chức đối thoại giữa Hiệu trưởng với cán bộ, nhân viên nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, yếu kém. ĐHĐL đã đề ra phương châm luôn gắn kết, đồng hành với doanh nghiệp để trở thành chỗ dựa cho việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.
Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòa tâm sự: “Khát vọng lớn nhất của chúng tôi là làm sao xây dựng ĐHĐL thành một cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội; xây dựng nhà trường thành trung tâm nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và là trung tâm nghiên cứu xã hội nhân văn mang bản sắc Tây Nguyên.”
Ngoài kia những cành mai anh đào hé nở, báo một mùa xuân mới đang về, hi vọng rằng với những thành quả đạt được từ bước đột phá, ĐHĐL sẽ trở thành một điểm sáng giáo dục đại học của cả nước trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.