Sát hại vợ vì ghen tuông
Chúng tôi tìm đến thôn Định Trung, vùng đất xưa nay vốn bạc màu, dân cư thưa thớt, cuộc sống đói thiếu trăm bề, trong một ngày hiếm hoi chút nắng để tìm gặp ông Đoàn Thục, người đàn ông cách đây gần 20 năm dùng thuốc nổ sát hại vợ.
Cuộc sống không như ý, khiến ông phải từ bỏ người vợ đầu và một đứa con gái yểu mệnh. Chuyển nghề làm phu vàng, ông quen được một cô gái xinh đẹp. Hai con người đồng cảnh ngộ đến với nhau, cô thôn nữ ấy chính là người mà ông sát hại sau này.
Một thời gian sau, Nhà nước cấm khai thác, “phu” vàng bị truy quét. Giấc mộng tiêu tan, ông Thục dắt người yêu về quê chung sống như vợ chồng, tất tả mưu sinh.
Đang lúc khó khăn thì người vợ lại mang bầu, hình ảnh về đứa con gái bất hạnh và người vợ đầu lại ám ảnh tâm trí. Một lần nữa ông đưa vợ rời bỏ quê nhà lên thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) sinh sống, hành nghề xe ôm. Nơi đất khách quê người, công việc thất bát không đủ lo cho hai vợ chồng.
Rồi nửa năm sau con gái chào đời, ông Thục không còn lo nổi 3 miệng ăn trong nhà.
Khi con gái được vài tháng tuổi, hai người gửi con về phía ngoại ở tỉnh Kon Tum chăm sóc rồi dắt díu nhau đến thị trấn Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) mưu sinh.
Ông Thục thuê ngôi nhà nhỏ để mở quán “dé bò, bún riêu”. Ngày ngày ông Thục phụ vợ bán quán, việc “kinh doanh” dần khởi sắc, cuộc sống ổn định. Khi túi rủng rỉnh tiền, ông Thục lại sa ngã vào số đề, bài bạc.
Chiếc xe mua hơn cây vàng cũng mau chóng ra đi sau những lần “thua keo này ta bày keo khác”. Thấy chồng đổ đốn, người vợ khuyên răn không được đâm ra chán nản, lạnh lùng.
Người vợ cho rằng mình đã chọn nhầm người nên tỏ ra hối hận và muốn quay lại với người yêu cũ. Biết vợ vẫn chưa quên được người xưa sau bao nhiêu năm sống với mình, ông Thục nổi cơn ghen. Cũng vì chuyện này mà hai người càng mâu thuẫn gay gắt, không ai chịu nhường ai. Ít lâu sau người vợ yêu cầu chia tay, ông Thục hối hận cầu xin tha thứ nhưng không được. Nghĩ đến cảnh một lần nữa gia đình đổ vỡ, ông Thục bị kích động nặng nề, sinh ra những ý nghĩ mà bây giờ chính bản thân ông cũng không hiểu được vì sao.
Nhắc lại lỗi lầm, ông Phục lặng đi một hồi lâu. Đó là vào sáng ngày 1/10/1995, ông Thục và vợ cãi nhau. Trong cơn giận dữ, ông Thục nhìn vào góc nhà thấy có gói thuốc nổ vốn để dùng đánh cá nên lén cầm bỏ vào túi. Người vợ lúc này vẫn không hề biết được ý nghĩ sát hại mình của chồng nên kiên quyết đòi dứt áo ra đi.
Cơn giận dữ che mờ lý trí, ông Thục châm thuốc nổ, thẳng tay ném vào vợ. Tiếng nổ inh tai, người vợ gục ngã còn ông Thục thì thất thần ngồi đó. “Vì bị thương nặng quá nên vợ tôi không qua khỏi. Chữa trị được vài hôm thì mất đi. Tôi bị bắt giam ngay sau đó, không được nhìn vợ lần cuối”, ông Thục kể.
Hoàn lương ngày về
Với hành vi sát hại vợ bằng thuốc nổ, 8 tháng sau đó ông Thục bị tòa tuyên phạt mức án 20 năm tù giam và phải thi hành án tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai). Những ngày vào trại, ông Thục luôn bị ám ảnh về hành động mình gây ra. Ngoài ra, nghĩ về mức án mình phải chấp hành mà ông đâm ra chán nản, tuyệt vọng.
“Ngày vào tù tôi chẳng thiết gì nữa, nhưng được bạn tù xung quanh động viên, an ủi, những cán bộ ở trại giam cũng khuyên nhủ, động viên nên tôi cũng cố gắng cải tạo tốt. Nhưng động lực lớn nhất với tôi mẹ và em trai, tình cảm gia đình đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và lấy đó làm động lực phấn đấu cải tạo, với mong muốn sớm được ra tù”, ông Thục kể.
Chính vì thực hiện cải tạo tốt mà mỗi dịp đặc xá, ông Thục đều có tên trong danh sách phạm nhân được giảm án.
Sau 9 lần giảm án ông đã được đã được trả tự do trước thời hạn 5 năm. “Tôi ra tù vào ngày 1/10/2010. Lúc tôi đang đi lao động thì vị cán bộ đến hỏi: “Ai là Đoàn Thục?”. Tôi cứ nghĩ mình đã làm sai chuyện gì nên vừa chạy đến vừa lo lắng, không ngờ nghe tin mình được thả tự do.
Tôi từ giã chốn nhà lao, từ biệt mọi người và tự hứa với lòng sẽ sống tốt quãng đời còn lại. Bởi 15 năm cải tạo tôi thấm thía thế nào là hạnh phúc của cuộc sống tự do”, ông Thục nhớ lại kỉ niệm ngày ra tù.
Ông Thục về nhà, được gia đình vui mừng chào đón, bà con lối xóm ai cũng đến thăm hỏi, động viên. Tình cảm quê hương sau bao nhiêu năm vẫn ăm ắp khiến ông quyết làm lại cuộc đời ngay tại mảnh đất này.
Thấy gia đình có một mảnh đất gò đồi hoang vu rộng khoảng 2ha, ông Thục xin được khai hoang, làm mô hình trang trại. Nghe ông nói, mọi người đều ngỡ ngàng vì cái ý tưởng “điên rồ” đi làm trang trại ở vùng đất khô cằn, sỏi đá. Nhiều người còn tỏ vẻ chê cười, thách thức nhưng ông vẫn không nản chí.
“Ban đầu mọi người không chịu nhưng thấy tôi quyết tâm nên đồng ý để tôi thử. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, sự hỗ trợ của gia đình, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng để bắt tay vào làm. Ban đầu tôi cất ngôi nhà nhỏ ở giữa mảnh đất để nương trú, sau đó làm đến hệ thống chuồng lợn, chuồng gà. Sau nữa là đào hai cái ao để thả cá, kết hợp chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng. Những phần đất còn lại tôi làm lúa, trồng sắn để tự cấp lương thực và phục vụ chăn nuôi gia súc, trồng cỏ voi để nuôi bò, trồng thử nghiệm một ít huỳnh đàn…”, ông Thục hồi ức.
Lúc chúng tôi đến nhà cũng là lúc ông Thục đang tất bật cho cá ăn. Khách rất bất ngờ khi giữa vùng đất đồi hoang vu, khô cằn lại có ao rộng gần nghìn mét vuông, cá tung tăng bơi lội.
Cạnh đó là ruộng lúa tốt tươi, nương sắn xanh mướt và toàn bộ trang trại rộng trên 2 ha được tô kín bằng một màu xanh căng tràn sức sống. Tất cả mọi thứ như đối nghịch hoàn toàn với cảnh cằn cỗi, khô khốc ở bốn phía xung quanh “ốc đảo”.
Sự sống giữa vùng đất khô cằn, nói như vậy mới thấy được sự miệt mài lao động của người đàn ông một thời lầm lỗi trong 4 năm qua.
Nói về bí quyết thành công, ông Thục tâm sự: “Đất không chê người, chỉ có người chê đất. Người xấu như thế nào cũng có thể cải tạo, huống chi là đất. Tình người cứu rỗi được tôi. Tôi đổ mồ hôi nước mắt xuống và giờ được trả lại bằng quả ngọt”. Nói rồi ông Thục lại kể rành rọt cho chúng tôi nghe về những dự định sắp tới.
Nhìn ông, nhìn niềm tin nơi đáy mắt của ông, chúng tôi gật đầu tán đồng bởi đất không phụ người. Chiều buông, tiếng đàn gà đói ăn kêu lục tục, tiếng đàn lợn ụt à ụt ịt vọng lại liên hồi. Cuối cuộc trò chuyện, ông nhắn nhủ: “Trong cuộc đời ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng quan trọng là biết sửa chữa cái sai”./.