Cá tra gặp "năm hạn"

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lương Lê Phương thừa nhận chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta lại gặp khó khăn như lúc này. Ngoài thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình hình phản đối về chất lượng xẩy ra liên miên tại các thị trường nhập khẩu.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lương Lê Phương thừa nhận chưa bao giờ hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta lại gặp khó khăn như lúc này. Ngoài thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp  còn phải đối mặt với tình hình  phản đối về chất lượng xẩy ra liên miên tại các thị trường nhập khẩu.


“Treo ao” tránh lỗ

Mặc dù dự báo giá cá tra trên thị trường xuất khẩu (XK) còn có thể tăng thêm khoảng 10% cho tới vụ hè,  nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vẫn than trời vì các doanh nghiệp (DN) là vấn đề không đủ nguyên liệu để sản xuất. Theo ông Dũng, tình hình nguyên liệu khan hiếm hiện vẫn chưa hạ nhiệt,   thời điểm hiện nay  thu hoạch cá tra chưa đến đã đẩy giá nguyên liệu lên mức 28.500-28.800 đồng/kg cá nguyên liệu. Đầu vào nuôi cá tra tăng  cùng với tình trạng các DN tranh nhau mua bán là nguyên nhân giá cá nguyên liệu ở mức cao.

 

Dự báo từ nay cho đến cuối năm nguồn cá tra nguyên liệu vẫn sẽ thiếu hụt. Giá cá không ổn định, nguồn liệu cá giống khan hiếm và tăng gấp đôi, thiếu vốn đầu tư, chi phí con giống, thức ăn  và thuốc thú y đều tăng là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều nơi “treo ao” để tránh lỗ. “Do thiếu nguyên liệu nên việc ưu tiên cho thị trường XK đang diễn ra. Các thị trường tiêu thụ cá tra chất lượng thấp, rủi ro đang bị loại dần. So với năm 2010, cá tra XK đến 134 quốc gia, dự đoán thị trường XK sẽ thu hẹp chỉ còn 63% trong năm 2011” - ông Dũng cho biết.


Từ đầu năm đến nay, đã có 105 DN Việt Nam XK cá tra sang EU, mức giá 3,4 USD/kg, cao hơn so với giá  3,2- 3,3 USD/kg giá chào của một tháng trước đó và tăng 22% so với đầu năm 2010. Tuy nhiên với lãi suất dao động từ 18-20% cùng với giá cá nguyên liệu trên 28.000 đồng/kg, nhiều DN  cho hay  với giá 3,4 USD/kg vẫn không có lời. Không chỉ việc không có lãi từ XK sang EU, các DN thành viên VASEP còn cho rằng, mặc dù Quỹ  Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ nhưng tác động của việc đưa cá tra vào danh sách đỏ ban đầu vẫn ít nhiều ảnh hưởng. Nhân cơ hội này, giới truyền thông ở Thụy Điển, Đức đưa tin không có lợi  và bôi xấu cá tra. Tuy dư luận tại Thụy Điển về “nuôi cá tra ảnh hưởng đến môi trường” đã lắng xuống, thay vào đó là mối quan tâm đến thủy hải sản NK từ Nhật, nhưng WWF Thụy Điển hiện vẫn chưa đưa các thông tin về việc cá tra Việt Nam đang trong giai đoạn hướng đến chứng nhận ASC. Một số nhà nhập khẩu (NK) lớn cho biết họ vẫn NK cá tra và phân phối, mỗi công ty NK trung bình 1-2 container/tháng với mức tiêu thụ khoảng 300-700 tấn.

“Không có nghề xây nhà máy làm gì”?

Để giải tỏa mối hoài nghi về chất lượng cá tra Việt Nam, lãnh đạo VASEP cho rằng ngoài đàm phán và thông tin rõ của các cơ quan có thẩm quyền đến với đối tác, các DN cần quảng bá thương hiệu cá tra Việt Nam bằng cách nâng cao chất lượng và đảm bảo uy tín trên từng sản phẩm.


Để giảm bớt khó khăn cho hoạt động nuôi trồng và XK cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Nuôi cá nước ngọt cho rằng, ngay từ bây giờ các DN phải chủ động xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng tài chính và XK thông qua hình thức tự nuôi, nuôi gia công, hợp đồng liên kết với người nuôi. VASEP cần có kiến nghị với Bộ NN&PTNN siết chặt quy hoạch nuôi cá, ổn định cá tra nguyên liệu cho XK khoảng một triệu tấn, chỉ đạo các địa phương tiến hành quy hoạch vùng nuôi con giống, tạo mối liên kết bền vững giữa khâu sản xuất giống với nơi nuôi, chế biến, hạn chế hoạt động cạnh tranh trong khâu sản xuất giống để tránh tình trạng đưa con giống kém chất lượng ra thị trường. Mặt khác cần có ngay chính sách quản lý chất lượng và bình ổn giá thức ăn  nuôi cá nhằm giúp người nuôi bớt rủi ro khi đầu tư nuôi cá.


Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ một thực tế đang diễn ra là năng lực có hạn, nguồn nguyên liệu ít nhưng tình trạng đầu tư xây nhà máy chế biến thủy sản ào ạt vừa lãng phí vừa tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thứ trưởng Lương Lê Phương bức xúc: “Hiện nay nhà máy chế biến nhiều quá. Ông không có nghề thì xây nhà máy làm gì hay chỉ gom  hàng tồn kho, kém chất lượng XK lấy vài trăm triệu là xong. Cách làm này ảnh hưởng lớn đến hình ảnh con cá tra Việt Nam. Việc này Cục Thủy sản nên có báo cáo rà soát kỹ vấn đề này để điều chỉnh kịp thời”.


MỊ NA 

Đọc thêm