Cách nào quản lý cây xanh trong trường học?

(PLVN) - Hàng năm, các cơ quan, trường học đều có ngân sách dành cho việc kiểm tra “sức khỏe”, đánh giá, kiểm định cây xanh để đảm bảo an toàn đô thị. 
Cây phượng được trồng nhiều trong trường học. Ảnh minh họa
Cây phượng được trồng nhiều trong trường học. Ảnh minh họa

Và nước ta cũng có đầy đủ các tiêu chuẩn về cây xanh trong các khu vực đô thị, trường học. Ví dụ như Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8270:2009 về Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị hoặc Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị.

Theo đó, tiêu chuẩn thiết kế có quy định cây xanh trường học với tính chất cây cần chọn cây cao to, tán rộng, cho bóng râm tốt, gây ấn tượng mạnh; chọn cây cho vườn trường, chọn các loại cây bản địa, có hoa, lá, quả đặc biệt phong phú; không chọn cây có gai, nhựa, mủ độc; cây trồng nên có bảng ghi tên, ngày trồng, xuất xứ.

Nên trồng các cây bàng, phượng, muồng ngủ, muồng hoa đào, riềng riềng, hồng...  Như vậy có thể thấy, cây phượng, bàng... có thể trồng tốt trong trường học vì cây phượng vĩ có hoa rất đẹp.

Chúng ta có tiêu chuẩn để đánh giá, kiểm định chất lượng cây xanh, có các chuyên gia, có các công ty cây xanh hàng năm vẫn cưa cây, cắt cành trên phố mùa mưa bão. Còn những khuôn viên công cộng như sân trường, công sở thì trách nhiệm tư vấn, đánh giá thuộc về ai?

Mãi đến khi xảy ra sự việc cây phượng đổ, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, các Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc cần chỉ đạo ngay các trường liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm có thể gãy đổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên;  thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Và cũng khi xảy ra sự cố, nhiều trường học mới lo lắng và để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra thì mới đi xử lý, “nhanh – gọn” trước mắt là bằng cách “xử” cây, cho đốn hạ, cắt nhánh, tỉa cành hay rào chắn cách ly cây phượng cổ thụ.

Ở nước ta, có bao nhiêu trường học sẽ có khoảng ngần ấy cây phượng được trồng trong các sân trường. Bởi lẽ bao nhiêu thế hệ học trò đi qua, bao cây phượng vẫn ngồi đếm thời gian như nhân chứng nhìn các thế hệ học trò đi qua.

Từ bao đời nay, cây phượng đã đi vào biết bao thơ ca, văn học, hàng phượng vĩ vẫn đứng hiên ngang ở thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng hay nhiều con phố nên thơ khác. Bên bờ sông Hương, phượng vẫn đỏ rực tháng năm, hiên ngang qua mưa bão. Ngay bên bờ hồ Gươm, những cây phượng nghiêng mình xuống mặt hồ....

Ấy vậy, nhiều trường học đang đổ lỗi cho cây phượng và nhiều cây xanh khác trong trường bằng cách đốn hạ, cắt tỉa trơ trọi. Ngoài việc triệt hạ cây xanh thiếu quy chuẩn, bên cạnh việc xóa đi những hình ảnh đẹp của loài hoa học trò tạo ra muôn trùng lớp lớp ký ức trong trẻo cho lứa tuổi cắp sách đến trường.

Hành động này đã khiến nhiều người dân bức xúc và hỏi rằng, sắp tới đây, sẽ có bao nhiêu cây phượng nữa bị “khai tử”, thay vì ngành chức năng và các đơn vị tư vấn khoa học có một giải pháp nào đó tối ưu hơn. Xin hãy đừng vì sợ trách nhiệm mà tước của tuổi xanh những kí ức tuổi học trò thơ mộng bên hàng phượng vĩ sân trường.

Đọc thêm