Cấm bán rượu bia sau 22h là bất khả thi?

(PLO) - Theo Dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế đang xây dựng, việc bán rượu, bia có thể bị cấm sau 22h và thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc. Tuy nhiên, quy định này đang gây nhiều băn khoăn về tính khả thi…

Cấm bán rượu bia sau 22h là bất khả thi?
Nhiều quy định của Dự thảo được đưa ra với mục đích tạo khung hành lang pháp lý mạnh để hạn chế tối đa việc lạm dụng rượu, bia, như cấm bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cấm bán rượu qua mạng internet, cấm uống rượu, bia trong thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc… Tuy nhiên, điểm đang thu hút được sự chú ý của dư luận là quy định cấm bán rượu sau 22h. 
Cấm lạm dụng rượu, bia là hợp tình, hợp lý
Lý do chính để xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, theo lý giải của Bộ Y tế, là do việc lạm dụng rượu, bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. 
Số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Y tế) cho biết, 10 năm gần đây, lượng tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng đến 300%. Việt Nam đang đứng thứ nhất về tiêu thụ rượu, bia trong khu vực các nước Đông Nam Á. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; trong đó 1/4 trong số này sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại. Có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh, và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác. 
Người thường xuyên uống rượu dễ mắc phải các bệnh về tim mạch, rối loạn tâm thần, ung thư, viêm loét dạ dày, tá tràng và cả giảm khả năng sinh sản. Việc lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động, vì thế, việc xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được đánh giá là rất cần thiết. 
Đây không phải là lần đầu Việt Nam có quy định về cấm uống rượu, bia nhưng là lần đầu quy định này được luật hóa. Chính vì thế, những quy định của Dự thảo có khả thi hay không trở thành vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.
Cơ sở nào để cấm bán sau 22h?
Do đặc thù công việc, anh Nguyễn Tuấn (huyện Đông Anh, Hà Nội) thường kết thúc ca làm vào lúc 21h30 và ăn bữa tối lúc 22h. Vợ con ở xa, bữa tối của anh Tuấn tại các quán ăn đêm. “Tôi không uống nhiều, thường chỉ một chén con thôi. Tôi cũng không có nhu cầu bức thiết về việc uống rượu, bia, nhưng do đặc thù công việc, nếu uống thì tôi chỉ có thể uống sau 22 giờ. Nếu luật cấm thì sẽ không công bằng với những người như tôi” – anh Tuấn nói.
Chị Yến, chủ quán tạp hóa trên đường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cũng phân vân: “Khách đến mua thì chúng tôi bán, mà cửa hàng tôi cũng nhiều khách mua hàng muộn. Không nhẽ họ mua nhiều thứ, trong đó có chai rượu, mà bán đồ này lại không bán đồ kia à? Thế có phải bất tiện không?”. Anh Đào Hà, một chủ quán karaoke ở Phủ Lý (Hà Nam) ngạc nhiên không kém: “Quán karaoke được kinh doanh tới sau 22h, chẳng lẽ đến 22h thì bảo khách quán không bán rượu, bia nữa ư?”.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam – bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của quy định này. “Một số nước trên thế giới cũng đã triển khai giải pháp này, tuy nhiên, hiện nay gần như không có quốc gia nào còn thực hiện được vì nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân sau 22h là rất lớn - ông Việt nói - Ngay ở Việt Nam, quy định cấm bán rượu cho trẻ từng được đưa ra nhưng chỉ “nằm trên giấy”, và vì thế cần nghiên cứu thấu đáo quy định cấm bán rượu, bia sau 22h để không quy định thì thôi, quy định đưa ra phải có tính khả thi, phải được “tâm phục, khẩu phục”. Không nên để quy định lại trở thành cơ hội tiếp tay cho các hành vi phi pháp”.

Đọc thêm