Chủ tịch UBND huyện vượt quyền?
Theo đơn gửi báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Thông (khu 7 – thị trấn Sông Thao - Cẩm Khê – Phú Thọ) cho biết: Gia đình ông có đất ở bám mặt đường Quốc lộ 32c (Hà Nội – Yên Bái) tại khu 7 thuộc trung tâm thị trấn Sông Thao – Phú Thọ. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2010, Tỉnh Phú Thọ tiến hành dự án đường sơ tán dân. Gia đình ông có 64,7m2 đất hạng 1 thuộc diện phải thu hồi. Bản thân là một cán bộ trong ngành công an nên ông Thông rất tán thành chủ trương này. Tuy nhiên, UBND huyện Cẩm Khê đã không nghiêm túc chấp hành luật, khiến gia đình ông và nhiều hộ dân ở địa bàn này bức xúc.
Theo Khoản 2 Điều 44 Luật Đất đai: Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối thượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam” Nhưng tại huyện Cẩm Khê, những quy định của luật đất đai đã không được áp dụng. Nhiều hộ dân trong đó có gia đình ông Thông đã phải nhận quyết định thu hồi đất do Chủ tịch UBND ban hành.
Theo trình bày của ông Thông, sau khi kiểm kê, ngày 14/7/2010, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê đã ra quyết định số 1219 thu hồi diện tích 65,6m2 đất ở của gia đình ông. Thế nhưng chỉ hơn 10 ngày, UBND huyện Cẩm Khê lại ra Quyết định số 896 để điều chỉnh lại diện thích đất thu hồi ở quyết định số 1219 ngày 14/7/2010.
Điều khiến ông Thông và nhiều gia đình ở Cẩm Khê thắc mắc ở đây là quyết định thu hồi đất được ban hành không đúng thẩm quyền – nói cách khác, người không có thẩm quyền thu hồi đất, đã đứng ký quyết định thu hồi – và khi văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, đương nhiên văn bản đó sẽ vô hiệu, và người dân không phải tuân thủ theo quyết định vô hiệu đó.
Khi phát hiện văn bản được ban hành trái thẩm quyền, ông Thông đã có đơn gửi đến UBND huyện Cẩm Khê và UBND tỉnh Phú Thọ để yêu cầu thực hiện đúng quy trình. Ngay sau đó, đại diện chính quyền của huyện, tỉnh cũng đã có công văn trả lời bác yêu cầu của ông Thông. Không đồng ý với những quyết định này, ông Thông đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu hủy Quyết định 1219 ngày 14/7/2010 do ông chủ tịch UBND huyện ký để thu hồi đất của gia đình ông, yêu cầu UBND huyện Cẩm Khê phải ban hành các QĐ thu hồi đất thay thế đúng luật.
Mặc dù Luật đã quy định rõ Chủ tịch UBND huyện không có thẩm quyền thu hồi đất, thẩm quyền đó là của UBND huyện – một sự khác biệt rất rõ về thẩm quyền của một tập thể và một cá nhân. Khoản 3 Điều 44 Luật Đất Đai cũng đã quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này không được ủy quyền”.
Tuy nhiên, cả hai bản án án số 02/2012/HCST của TAND huyện Cẩm Khê và thẩm bản án số 03/HC-PT ngày 26/3/2013 của TAND tỉnh Phú Thọ đều cho rằng quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Thông được ban hành trên cơ sở quyết định tập thể của UBND tỉnh Phú Thọ, Nghị quyết tập thể của UBND huyện Cẩm khê, nên bác yêu cầu của ông Thông.
Căn cứ để HĐXX ở hai cấp đưa ra phán quyết này dựa vào “góc bên trái của quyết định”: “Về hình thức văn bản của các quyết định nêu trên là quyết định của tập thể của UBND huyện Cẩm Khê, được thể hiện tại phía trên, góc trái của quyết định…”.
Tài liệu bị lập khống?
Ngoài việc ban hành quyết định thu hồi đất trái thẩm quyền, ông Nguyễn Đăng Thông cũng đã đưa ra chứng cứ cho thấy những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình thu hồi đất của UBND huyện Cẩm Khê.
Cụ thể, ngày 26/4/2010, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (HĐBT GPMB) đã tiến hành lập biên bản kiểm kê đất đai, tài sản của gia đình ông. Tuy nhiên, trong biên bản này có nhiều sai sót, và đã phải thừa nhận bằng Công văn số 591/UBND – HĐBT ra ngày 8/7/2010.
Không chỉ thế, HĐBT GPMB lập biên bản kiểm kê đất, nhưng văn bản chỉ được lập một số thông tin tại hiện trường, còn những thông tin quan trọng như giá đất, tổng số tiền đền bù… đã bị bỏ trống, và yêu cầu người bị thu hồi đất phải ký vào văn bản được lập khống đó.
“Những nội dung này nếu được ghi tại hiện trường, chắc chắn chúng tôi sẽ không ký, bởi giá đất đền bù quá rẻ mạt so với giá thị trường, và không áp dụng sự chỉ đạo về ban hành giá đất của Tỉnh, của Nhà nước. Với thủ đoạn lợi dụng chữ ký để ghi thêm, cách lừa đảo lắt léo như vậy, HĐBT GPMB đã có đầy đủ hồ sơ hợp lệ để thu hồi đất của gia đình tôi. ” – ông Thông nói.
Những dẫn chứng về việc giả mạo hồ sơ đã được ông Thông trình bày đầy đủ trước hai cấp tòa, nhưng đều bị bỏ qua một cách khó hiểu.
Không những vậy, tại phiên tòa phúc thẩm vụ kiện của ông Thông, là khi vị đại diện viện kiểm sát phát biểu trước tòa quan điểm về vụ án. Mặc dù ông Thông không hề thể hiện yêu cầu đòi bồi thường tài sản trên đất tại đơn kháng cáo hay trong bất cứ lời khai nào tại tòa, hay những văn bản được gửi đến hội đồng xét xử, nhưng vị này vẫn dõng dạc đọc tại phiên tòa: “Nếu Thông đòi bồi thường thiệt hại 227.450.000đ, sẽ giải quyết bằng một vụ kiện khác”. Những người dự khán đã đặt câu hỏi, phải chăng cơ quan công tố trong vụ án này đã thiếu nghiêm túc trong việc nghiên cứu hồ sơ, và phát biểu thiếu trách nhiệm tại chốn công đường?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại huyện Cẩm Khê, không chỉ có gia đình ông Thông, mà nhiều gia đình khác như gia đình ông Nguyễn Huy Quý (cũng tại thị trấn Sông Thao), một số hộ dân ở xã Sai Nga và rất nhiều gia đình khác… đều bị thu hồi đất bởi một văn bản không đúng thẩm quyền đáng lẽ đã bị vô hiệu như thế.
Được biết, các hộ gia đình này đã có đơn yêu cầu giám đốc thẩm vụ án, và trông chờ một phán quyết công minh hơn!