Cán bộ tỉnh “xin” điện thoại, cán bộ huyện vướng tội tham ô

(PLO) - Những nhân chứng, vật chứng của ông Bi (Nguyên Chủ tịch huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) trưng ra trước 3 phiên tòa nhằm minh oan cho mình không tham ô 8 triệu đồng đều bị tòa bác bỏ. Những căn bệnh  hiểm nghèo, cùng tâm trạng bị hàm oan đang xoắn lất tâm thức của người đàn ông có 40 năm tuổi Đảng này, chưc chờ lôi ông xuống mồ với niềm uất hận miên viễn.
Căn nhà của ông Bi.
Căn nhà của ông Bi.
Bỏ sót chứng cứ có lợi cho bị cáo.
Chúng tôi đến huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) để điều tra theo đơn kêu oan của bị cáo Huỳnh Hiếu Bi (SN 1955, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Cầu Ngang).
Theo phản ánh của ông Bi, ông đã bị 3 cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm quy tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản” trong vụ án xảy ra ở Văn phòng HĐND và UBND huyện Cầu Ngang. 
Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Trà Vinh đã xử phạt ông 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Phiên phúc thẩm và phiên giám đốc thẩm cùng tuyên án ông 3 năm tù giam.
Theo điều tra của chúng tôi và những tài liệu đã thu thập được từ các phiên tòa xét xử và dư luận quần chúng tỉnh Trà Vinh thì có thể phân tích và lý giải vụ án này như sau:
Năm 2005, khi đang làm Chủ tịch UBND huyện, bị cáo Huỳnh Hiếu Bi (không phải là chủ tài khoản) đã chỉ đạo sử dụng 155.724.796 đồng chi cho việc: Thăm tặng quà cho các gia đình chính sách, thương binh liệt sỹ, cán bộ lão thành cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán; cán bộ hưu trí, bệnh tật ốm đau; tiếp khách Trung ương và các ban ngành tỉnh đến thăm (có chứng từ do Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Trần Hoàn Kim ký cấp ngân sách).
Ngoài ra, ông Bi còn “tham ô” 8 triệu đồng ứng đi công tác nhưng về không thanh toán lại mà dùng số tiền trên mua điện thoại di động cho ông Lâm Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Thủy sản, nguyên Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang.
Trong giấy xác nhận, ông Lâm Thanh Bình thừa nhận có xin UBND huyện và nhận một điện thoại Nokia 7270 do ông Bi trao tặng. Nhưng không rõ vì lý do gì, ông Bình lại khai thay đổi năm; thay vì năm 2005, thì ông khai năm 2003? Trong khi đó, chiếc điện thoại Nokia 7270 chỉ xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2004, đầu năm 2005.
ÔngHuỳnh Hiếu Bi đã có những chứng cứ, văn bản để chứng minh ông không sử dụng sai mục đích số tiền 8 triệu đồng trước Tòa nhưng Tòa bỏ qua và không xem xét đến. 
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng bỏ sót những chứng cứ quan trọng này. Hơn nữa, một số chứng cứ quan trọng còn nằm ở Phòng Thương binh và Xã hội huyện nhưng tòa không xem xét đến. 
“Đâu phải một mình tôi?”
Ông Huỳnh Hiếu Bi khẳng định trước các cấp tòa rằng: “Không lẽ một Chủ tịch huyện lại đi tham ô 8 triệu đồng để ngồi tù? Cả cuộc đời đi làm cách mạng, hơn 40 năm tuổi Đảng, làm đến chức Chủ tịch huyện lại “đánh đổi” bằng 8 triệu đồng hay sao? 
Ông Huỳnh Hiếu Bi
 Ông Huỳnh Hiếu Bi 
Việc ông Lâm Thanh Bình xin UBND huyện một chiếc điện thoại di động (không phải xin cá nhân ông Bi), tôi đã bàn với lãnh đạo huyện và được lãnh đạo nhất trí cho. Chứng từ quyết toán tiền mua điện thoại và người đi mua đều có đủ; tại sao lại nói là tôi tham ô số tiền mua điện thoại? Đồng ý là việc mua điện thoại cho ông Bình là sai nhưng tập thể lãnh đạo UBND huyện đồng ý, đâu phải một mình tôi?”.
Mặc dù vậy, TAND tỉnh Trà Vinh vẫn tuyên ông Bi có tội. Tại phiên tòa sơ thẩm, rất đông cán bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã đến dự và không ít người đồng thanh hô to: “Ông Bi không có tội!”.
Quá uất ức, ông Bi đã làm đơn kháng án lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh. Tại phiên tòa  phúc thẩm xét xử vào ngày 27/5/2009, ông Đỗ Văn Khê (Phó chủ tịch UBND huyện) phát biểu: Đề nghị Tòa xem xét lại vụ án vì bị cáo Bi không có vụ lợi mà đó là làm chính sách nguồn chi, đảm bảo chính sách xã hội của địa phương.
Ông Bi cũng xin Tòa phúc thẩm cho đối chất với ông Lâm Thanh Bình và một số người có liên quan về việc ông Bình nhận chiếc điện thoại Nokia 7270. Nhưng Tòa phúc thẩm không cho điều tra xem xét lại tình tiết này mà chỉ dựa vào bản án của Tòa sơ thẩm, thậm chí còn tăng hình phạt đối với ông Bi lên 3 năm tù giam!
Ông Bi tiếp tục gửi đơn lên cấp Giám đốc thẩm. Ngày 25/2/2013, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét giám đốc thẩm lại vụ án và nhận định: “Bị cáo Huỳnh Hiếu Bi tuy đã xuất trình các tài liệu, chứng cứ cho rằng các khoản chi vào việc thực hiện chính sách xã hội là đúng nhưng các tài liệu trên chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm. 
Tòa phúc thẩm đã xem xét đầy đủ các chứng cứ để kết án Huỳnh Hiếu Bi cố ý làm trái khoản tiền gần 80 chục triệu đồng: Chủ yếu là tiếp khách và thanh toán tiền điện thoại cho lãnh đạo huyện, chủ tịch và các phó chủ tịch, chánh phó văn phòng là có căn cứ”.
Một luật gia của Hội Luật gia tỉnh Trà Vinh nhận định: “Nếu chứng minh 80 triệu đó chi vào những việc nêu trên và có những cá nhân khác trong UBND huyện đã được thụ hưởng trong số tiền 80 triệu thì Tòa phải trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ trách nhiệm của những người đã duyệt cho ông Bi chi. 
Họ được thụ hưởng thì họ đã trở thành người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nhiều người thụ hưởng, một mình ông Bi chịu là không công bằng”.
Về tội “Tham ô tài sản” của ông Bi, cấp Giám đốc thẩm nêu: “Tại phiên tòa phúc thẩm, Huỳnh Hiếu Bi cung cấp hóa đơn bán hàng, xác nhận của lái xe Lê Thanh Bắc về việc cùng ông Bi đi mua điện thoại di động để chứng minh Bi đã sử dụng 8 triệu đồng tạm ứng của cơ quan đi công tác để mua điện thoại cho ông Lâm Thanh Bình. Tuy nhiên, quá trình điều tra không xác minh, điều tra làm rõ những cứ này nên Tòa không xem xét đến”.
Trong suốt quá trình điều tra và qua 3 phiên tòa, ông Bi đã trình ra đầy đủ nhân chứng, vật chứng, rằng 8 triệu đồng đó đã được lãnh đạo duyệt và ông chỉ người thực hiện mua điện thoại tặng ông Bình. 
Ở đây lại có thêm một người thụ hưởng nữa vô can, vậy buộc tội ông Bi tham ô 8 triệu đồng có quá khiên cưỡng? 
Đằng sau những bản án thiếu công bằng là gì?
Cùng đường, ông Huỳnh Hiếu Bi chỉbiết viết đơn kêu oan gửi lãnh đạo cấp cao và các cơ quan báo chí nhờ giải oan cho mình dù hiện nay ông vẫn chưa phải vào tù “nhờ” nhiều chứng bệnh hiểm nghèo đang đeo đẳng bản thân.
Từ đây, dư luận đặt ra câu hỏi: Đằng sau vụ án này, có hay không động cơ loại trừ ông Bi khỏi vị trí ông đang đảm nhiệm trước khi vương vòng lao lý? 
Qua tìm hiểu được biết trước khi xảy ra vụ án này, Đảng bộ huyện Cầu Ngang đã tổ chức Đại hội lần thứ IX vào tháng 9/2005. Ai đó đã gửi thư nặc danh đến Đại hội tố cáo ông Huỳnh Hiếu Bi tham nhũng trên 5 tỷ đồng, không đủ tư cách ứng cử vào Ban chấp hành Huyện ủy.
Qua xem xét, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Huyện ủy và Ban kiểm tra tư cách đại biểu thấy tố cáo trên không có cơ sở nên ông Bi vẫn được đề cử và được Đại hội tín nhiệm bầu với số phiếu cao. Sau đó, Ban chấp hành Huyện ủy mới đã bầu ông Bi làm Bí thư Huyện ủy.
Tháng 12/2005, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh tổ chức đại hội lần thứ VIII. Thư nặc danh tố cáo ông Bi lại được rải khắp thị xã Trà Vinh (nay là thành phố) và tới các đại biểu. Nội dung thư nặc danh nói ông Bi tham nhũng 5 tỷ đồng, nhà to đẹp nhất huyện Cầu Ngang. 
Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy và Ban kiểm tra tư cách đại biểu đại hội lại phải xem xét và xác minh. Kết quả, ông Bi vẫn được đưa vào danh sách nhân sự, ứng cử vào Ban chấp hành Tỉnh ủy khóa VIII (2005-2010). Đáng chú ý, ông Bi đã chủ động xin rút khỏi danh sách ứng cử vào Ban chấp hành Tỉnh ủy nhưng đại hội không chấp nhận. 
Cuối cùng, ông Bi rớt nhưng vẫn đạt trên 50% phiếu bầu (phiếu trúng lấy từ cao xuông thấp). Chúng tôi đến nhà ông Huỳnh Hiếu Bi. Đó là một căn nhà cấp 4, có một gác như chuồng chim, nằm bên một con đường đất nhỏ, cây cối rậm rạp ở thị trấn Cầu Ngang. 
Trong nhà ông, tường nhiều chỗ nứt toác, không có vật gì quý giá. Vậy mà thư nặc danh nói nhà ông to đẹp nhất thị trấn Cầu Ngang thì thật là đau xót.
Ông Bi bây giờ ốm yếu, già sọm so với tuổi 59 của mình vì nhiều chứng bệnh: Huyết áp, tiểu đường biến chứng hở hai van tim, liệt thần kinh đa hệ, biến hóa não làm mù một mắt, thoái hóa cột sống... 
Giám định pháp y cho thấy ông đã mất 81% sức khỏe. Ông Bi cay đắng nói: “Tôi sống được là nhờ nghị lực. Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo rằng tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Chết mà còn ôm hận không được giải oan thì có đau khổ, tủi nhục nào bằng. Bây giờ tôi không cần quyền chức gì cả, chỉ mong thông qua dư luận kính nhờ lãnh đạo cấp cao xem xét để trả lại danh dự cho tôi và gia đình”.
Được biết, mẹ ông Bi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại gia đình ông có trên 20 người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có hai người anh ruột của ông. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng vẻ vang như vậy mà bây iờ ông Bi đành ôm hận nỗi tủi nhục vì tham ô 8 triệu đồng xuống nấm mồ hay sao? 

Đọc thêm