Cần Thơ lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp

(PLVN) - Tại buổi tiếp xúc, lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp (DN) trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung yêu cầu các sở, ngành TP cần có chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là chính sách thuế. Mặc khác, DN phải tự đi lên, tránh tâm lý trông chờ được Nhà nước hỗ trợ.
Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ khách vắng vẻ giữa mùa dịch

Ngày 4/3, Đoàn công tác của UBND TP Cần Thơ do Bí Thư Thơ Trần Quốc Trung dẫn đầu đến thăm và làm việc với một số DN bị thiệt hại do tác động của dịch Covid-19. Cùng đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP Trương Quang Hoài Nam, đại diện lãnh đạo sở, ngành cùng tham dự.

Dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp than khó

Dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm bệnh, nhưng tác động của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tại Cần Thơ. Theo khảo sát của ngành chức năng, hầu hết các ngành nghề đều bị tác động xấu.

Bà Võ Thị Mỹ Nghi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ cho biết, lưu lượng hành khách giảm từ 30 - 50% so với cùng kỳ. Song song đó, các cơ sở đào tạo phải tạm ngưng hoạt động dẫn đến nguồn thu sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các gánh nặng từ lãi suất ngân hàng, thuế, phí đang là vấn đề “đau đầu” của DN.

Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của dịch Covid-19, đại diện Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Tây Đô than vãn, do tác động kép của Nghị định 100 và ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa lúc nào DN gặp khó khăn như lúc này. Doanh thu đạt khoảng 45% so với cùng kỳ, sản xuất ra không bán được, hệ thống đại lý cũng hoạt động cầm chừng, nhiều đại lý phải bán hàng tồn đọng của năm ngoái. Trong khi đó, các khoản chi phí tăng cao, dự kiến sẽ cắt giảm nghỉ chờ việc 30% công nhân, nếu tình trạng này còn kéo dài có thể cắt giảm từ 50 – 70%. 

Đứng trước khó khăn trên, các DN đề xuất TP sớm có chính sách hỗ trợ vay vốn, đáo hạn ngân hàng; hỗ trợ miễn, giảm, kéo dài thời gian nộp thuế và giảm mức bảo hiểm xã hội.

Ưu tiên chính sách thuế hỗ trợ DN

Ở góc độ ngành du lịch, ông Trần Minh Luân, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh thì cho rằng, dù đã áp dụng chính sách giảm giá đồng thời tăng chất lượng dịch vụ, thế nhưng số lượng hành khách giảm từ 50 – 60%, thậm chí hành khách theo tour, tuyến giảm đến 90%.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đánh giá, ngành du lịch địa phương đã phải chịu tác động rất mạnh. Trong 2 tháng đầu năm, đón hơn 1,1 triệu lượt khách (giảm 39,6% so với cùng kỳ) số lượng tour khách đã đặt trong thời điểm tháng 2, 3 hầu như bị hủy hoặc tạm hoãn, khiến nhiều DN lữ hành “đứng ngồi không yên”.

“Đối với một số điểm du lịch an toàn, Sở sẽ có kế hoạch cụ thể để thu hút khách du lịch, nhiều đơn vị lữ hành sẵn sàng giảm giá hoặc không giảm giá nhưng tăng chất lượng dịch vụ, tuỳ vào diễn biến của dịch sẽ có bước hành động phù hợp”, ông Tùng nói.

Sau khi lắng nghe tiếng nói từ DN, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung động viên, chia sẻ những thiệt hại nặng nề của DN do tác động dịch bệnh. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước vừa chống dịch Covid-19, vừa thực hiện phát triển kinh tế - xã hội thì rất cần sự nỗ lực vươn lên, ý chí tự cường, chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp của cộng đồng DN.

“Tất nhiên chúng ta phải chấp nhận tổn thất nhưng cần bình tĩnh, xem xét vấn đề thấu đáo, đồng thời có kế hoạch toàn diện để duy trì, hoạt động ổn định trở lại sau dịch. Hơn hết, DN phải tự đi lên, tránh tâm lý trông chờ được Nhà nước hỗ trợ”, ông Trần Quốc Trung lưu ý.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng chỉ đạo các sở, ngành có liên quan bám sát diễn biến dịch bệnh, gần gũi, lắng nghe tiếng nói của DN. Đồng thời, sớm tham mưu, đề xuất tổng hợp, nhất là ngành thuế cần có chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN, cụ thể là chính sách thuế. Sớm có đề xuất xây dựng biện pháp hoãn, giãn, chậm nộp, đặc biệt vận dụng các quy định pháp lý hỗ trợ DN.

Đọc thêm