Cần tiếp sức cho hạt gạo Việt Nam


Lãi suất cao cộng với nhiều loại phí “ăn” vào giá thành đang trở thành những cản lực trì kéo sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.


Lãi suất cao cộng với nhiều loại phí “ăn” vào giá thành đang trở thành những cản lực trì kéo sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) 3 tháng đầu năm ước đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Nhóm nông- lâm- thủy sản đạt kim ngạch 4,68 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 24,3% tổng kim ngạch XK. Nhiều mặt hàng tăng mạnh cả về lượng và giá so với cùng kỳ như cà phê tăng 46% về lượng và 115% về trị giá; cao su tăng 38% về lượng và 134% về trị giá, gạo tăng 17% về lượng và 7% về trị giá.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 3/2011, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu được 751.591 tấn gạo, đạt 347,44 triệu USD. Quý I/2011,  cả nước đã xuất khẩu 1,849 triệu tấn gạo, đạt 884,043 triệu USD. Giá gạo loại 5% tấm giao tại tàu chưa tính bao bì đã tăng lên  9.100 - 9.300 đồng/kg. Giá lúa gạo tăng trong thời gian gần đây do các DN tăng cường thu mua tạm trữ theo kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho vụ đông xuân. Hiện tại, các DN đã thực hiện trên 50% kế hoạch tạm trữ lúa gạo dành cho XK, đến ngày 15/4, trên 65 DN sẽ thực hiện xong việc mua lúa gạo tạm trữ.

Lạc quan “đầu ra”

Hạt gạo Việt Nam ngày càng có giá và các DN đã thực hiện được nhiều hợp đồng XK lớn. Trung tuần tháng ba, một hợp đồng 200.000 tấn gạo loại 25% tấm XK qua Philippines đã được ký kết. Ngoài hợp đồng cấp Chính phủ này, VFA cho biết sẽ có khoảng 660.000 tấn gạo XK qua Philippines do các DN thuộc thành viên của VFA thực hiện với các doanh nhân của nước này. Cuba vừa ký hợp đồng nhập khẩu (NK) 250.000 tấn gạo; Bangladesh đang đàm phán để mua khoảng 100.000- 200.000 tấn và Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua 400.000 tấn gạo của Việt Nam.

Cần tiếp sức cho hạt gạo Việt Nam ảnh 1

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, thời điểm này, vựa lúa miền Tây Nam bộ đã thu hoạch được khoảng 965.259 ha/1,569 triệu ha lúa đông xuân. Cuối tháng ba và đầu tháng tư, giá lúa giảm nhưng hiện nay đã tăng trở lại, vì vậy năm nay người nông dân vừa được mùa lại được giá bán sản phẩm. Giá lúa hạt dài hiện đã tăng lên 5.900- 6.100 đồng/kg, tăng 500 -600 đồng/kg; lúa thường DN mua tăng lên 5.700- 5.800 đồng/kg. Giá lúa tăng, giá gạo nguyên liệu để chế biến XK cũng tăng. Cụ thể gạo nguyên liệu loại 5% tấm hiện có giá 7.700- 7.900 đồng/kg. Theo dự đoán của VFA, do tình hình chính trị, kinh tế của thế giới còn nhiều bất ổn, nhu cầu cần gạo của nhiều nước vẫn tiếp tục tăng cao, đây là một trong những nguyên nhân làm cho hạt gạo Việt Nam có giá hơn trên thị trường thế giới trong một tương lai gần đây. Để hạt gạo có giá trên thị trường và không xẩy ra tình trạng ngưng đọng vì thiếu nguồn cầu, VFA đang thực hiện giải pháp điều hành XK gạo linh hoạt, tìm thêm thị trường mới. Nhằm bảo đảm thu mua hết lượng lúa gạo của nông dân, không để giá xuống thấp, VFA sẽ can thiệp bằng cách tiếp tục thu mua thêm lúa gạo tạm trữ để giữ giá lúa không dưới 5.000 đồng/kg. 

Cũng theo VFA, Tổng cục Dự trữ quốc gia Việt Nam đã đấu thầu mua 160.000 tấn gạo để dự trữ và sẽ còn đấu thầu mua thêm 100.000 tấn. Cùng với nhiều hợp đồng ngoại thương về mặt hàng gạo đã và đang được ký kết cho thấy “nguồn cầu” từ  hạt gạo đang tăng mạnh, dẫn đến “đầu ra” của sản phẩm này ở thời điểm hiện nay là rất lạc quan. Mặt khác, ngày 8/4, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư hướng dẫn  việc cho vay XK gạo, và có hiệu lực từ ngày 22/5 tới.

Theo đó, các ngân hàng thương mại phải chủ động cân đối nguồn vốn để cho thương nhân vay mua lúa gạo XK trên cơ sở nguồn lúa, gạo hàng hóa được cân đối cho XK hàng năm. Thương nhân vay vốn để kinh doanh XK  lúa gạo, ngoài việc thỏa mãn  các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành, còn phải được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận  đủ điều kiện kinh doanh  XK gạo.

Còn nhiều loại phí “ăn” vào giá thành

Hạt gạo Việt Nam XK đang có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, tuy nhiên nhiều DN tham gia XK gạo cho rằng,  gạo Việt Nam có giá nhờ giá thị trường các nước tăng. “Kết quả xuất khẩu quý 1 rất đáng khích lệ, yếu tố tăng về trị giá là tốt nhưng việc tăng này thực tế là do lạm phát, giá cả thế giới tăng cao chứ không hẳn do  hàng hóa của chúng ta có giá trị gia tăng tốt. Do vậy, cần có giải pháp tốt và đánh giá chuẩn xác về việc tăng giá này để xuất khẩu gạo có sự tăng trưởng bền vững”- ông Nguyễn Minh Trang, một doanh nhân chuyên XK gạo đi Châu Phi ở TP. Hồ Chí nhận định. 

Các DN kinh doanh hàng XK nói chung và mặt hàng gạo nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, lãi suất cao, nhiều loại phí “ăn” vào giá thành bất hợp lý, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong từng ngành hàng... Để giảm bớt “áp lực” lên các DN làm hàng XK, ông Nguyễn Thành Biên – Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá: “Có một yếu tố rõ là với lãi suất cao cộng với chi phí đầu vào cao thì sẽ tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Độ trễ từ các khó khăn của DN làm hàng XK sẽ được thể hiện trong những tháng tới. Bộ Công Thương giao cho thường trực tổ điều hành XNK tổng hợp kỹ và tập hợp minh chứng cụ thể để có biện pháp tháo gỡ. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các ngành để giải quyết những kiến nghị của các hiệp hội, tìm hướng giải quyết khó khăn về vốn, việc thu phí bất hợp lý.”.

Mị Na

Đọc thêm