Cảnh báo nguy cơ tai nạn và xâm hại trẻ em trong mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng triệu trẻ em trên cả nước phải nghỉ hè sớm hơn so với quy định. Trường học đóng cửa, ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài. Hầu hết trẻ phải vui chơi và học tập tại nhà cũng dẫn đến nhiều nguy cơ trẻ bị tai nạn và xâm hại...
Cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc trẻ nhiều hơn trong mùa dịch. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc trẻ nhiều hơn trong mùa dịch. Ảnh minh họa

Riêng trong năm qua, tại Việt Nam đã có hơn 700.000 vụ liên quan tới hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện trên mạng - đứng thứ 2 trong khối ASEAN. Ở nước ta mỗi năm có hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, 75% là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những số liệu thống kê còn thực tế tình trạng xâm hại xảy ra phức tạp hơn nhiều.

Không chỉ trên môi trường mạng, mà tai nạn còn đến với trẻ em trong sinh hoạt, vui chơi. Chỉ tính từ ngày 3-10/6, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận 14 trẻ (độ tuổi từ 2-9 tuổi) nhập viện điều trị với những chấn thương khác nhau do tai nạn trong sinh hoạt. Nhiều trường hợp bị thương tổn nặng như đứt lìa ngón, thậm chí có trường hợp tai nạn nguy hiểm tới tính mạng.

Còn tại những vùng nông thôn sông nước, việc trẻ vui chơi vào dịp hè không có sự giám sát của gia đình cũng dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Đặc biệt là tình trạng đuối nước thường tăng cao trong các dịp hè. Gần đây, tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 bé 5 tuổi và 4 tuổi tử vong. Hai em theo cha mẹ ra đồng, trong lúc cha mẹ đang gặt lúa thì 2 em đã bị rơi xuống vùng nước gần đó mà không ai phát hiện ra.

Một bệnh nhi 6 tuổi bị chấn thương phần mềm và gãy xương đùi do tai nạn sinh hoạt.

Một bệnh nhi 6 tuổi bị chấn thương phần mềm và gãy xương đùi do tai nạn sinh hoạt.

Có thể thấy trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và phải chịu hậu quả nặng nề nhất do hành vi bạo lực cũng như những rủi ro, tai nạn trong cuộc sống. Không những tổn hại về sức khỏe thể chất mà các em còn chịu ảnh hưởng nặng nề đối với tinh thần. Nhiều trường hợp trẻ không thể hòa nhập được với cuộc sống, dẫn tới trầm cảm, thậm chí tự tử vì những hành vi bạo lực, xâm hại.

Theo đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mới đây Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Tháng hành động vì trẻ em tại nước ta trong năm nay cũng được bắt đầu từ 25/5- 10/6/2021 với chủ đề “Chung tay đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai dịch bệnh” được hưởng ứng tích cực. Theo đó, cần chú trọng phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em; hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp liên quan đến trẻ em trong tình huống dịch bệnh là việc làm quan trọng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và xây dựng môi trường tốt cho trẻ, mỗi gia đình cũng cần quan tâm, xem xét bao quát môi trường sống, chú ý đến những tình huống có thể gây rủi ro cho trẻ. Đồng thời, tìm hiểu, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn../

Đọc thêm