Cảnh báo sản phẩm Navigout quảng cáo lừa dối người tiêu dùng như “đá ném ao bèo”

(PLVN) - Sản phẩm Navigout bị Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cảnh báo quảng cáo lừa dối người tiêu dùng trên một số trang web nhưng tình trạng này tiếp tục tái diễn. Vậy làm thế nào để cảnh báo của cơ quan chức năng không như “đá ném ao bèo”?
Tái diễn tình trạng Navigout được quảng cáo lừa dối người tiêu dùng?
Tái diễn tình trạng Navigout được quảng cáo lừa dối người tiêu dùng?

“Ngựa quen đường cũ”?

Ngày 29/4, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thông báo công khai cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Navigout  do Công ty TNHH Thương mại IAC (ngõ 186, Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) quảng cáo trên một số trang web như http://goutvn.khopchackhoe.com; http://benhgout.biquyetsongkhoe.asia không đúng quy định của pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, cảnh báo trên của Cục an toàn thực phẩm chỉ như “hòn đá ném ao bèo” bởi sản sẩm Navigout hiện nay vẫn tiếp tục được quảng cáo tràn lan, tiếp tục có nhiều dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng trên nhiều trang web như http://navigout.vuikhoehangngay.xyz/; http://xkmh.xuongkhoptaigia.xyz/; http://mochoa.thaoduoc247.asia/.

Cụ thể, theo tìm hiểu các trang web trên vẫn tiếp tục quảng cáo với nhiều chiêu thức để đánh tráo bản chất lừa dối người tiêu dùng. Mặc dù sản phẩm Navigout là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhưng đồng loạt quảng cáo, giới thiệu như thuốc đặc trị bệnh như: “giải quyết dứt khoát tận gốc bệnh gout nhanh chóng”; “khắc tinh của gout lâu năm, mãn tính”

Đồng thời, trên các web nêu trên vẫn đăng tải hang loạt hình ảnh, thông tin của khách hang để quảng cáo gây hiểu lầm là thuốc. Ví dụ, trương trường hợp chị L.Q.N (tổ 2, khu phố 3, phường Phước Bình, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước” chia sẻ: “Chồng tôi bị bệnh gút, mẹ chồng bị bệnh khớp, bản thân cũng bị chứng viêm khớp hành hạ. Cứ tái phát đi tái phát lại nhiều lần không khỏi. Khi đọc được thông tin có sản phẩm Navigout dùng cho người bệnh gout và khớp trên báo mạng, tôi quyết định mua 3 hộp cao cho cả gia đình cùng uống.

Sau khi sử dụng thấy bệnh đỡ đau, nên chúng tôi quyết định dùng tiếp. Cho đến nay, cả gia đình tôi có 4 người đều sử dụng sản phẩm này (mẹ chồng, chị gái và hai vợ chồng tôi) không bị chứng đau khớp hành hạ nữa, chỉ số axit uric của chồng tôi xét nghiệm lần gần đây đã được giảm xuống mức 328 mol/l”.

Những lời giới thiệu trên vô hình khiến người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm Navigout ngoài tác dụng điều trị bệnh gout còn có khả năng hỗ trợ cả bệnh khớp khác.

Sử dụng hình ảnh, uy tín của cơ sở y tế để quảng cáo cho sản phẩm là vi phạm pháp luật
 Sử dụng hình ảnh, uy tín của cơ sở y tế để quảng cáo cho sản phẩm là vi phạm pháp luật

Thậm chí, trên mạng xã hội sản phẩm Navigout còn sử dụng hình ảnh của ông Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội để giới thiệu công khai cho sản phẩm này là trái với quy định của pháp luật không được sử dụng hình ảnh y, bác sỹ, cơ sở y tế để quảng cáo cho sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Khuyến cáo nên tìm hiểu thông tin về sản phẩm

Theo Cục An toàn thực phẩm, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn người tiêu dùng cần: Lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm ); Mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm;

Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội hoặc được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm chữa được bệnh, khỏi bệnh hoặc các hình thức tương tự, đó là các quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng;

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm (vd như thành phần, công dụng, đối tượng sử dụng, các cảnh báo sức khỏe) để chắc chắn lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bản thân.

Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng có thể tìm hiểu thông tin về tình trạng lưu hành của sản phẩm, hiện tại trên trang thông tin điện tử và tổng hợp của Cục An toàn thực phẩm liên tục được cập nhật thông tin về các sản phẩm được đăng ký bản công bố sản phẩm và các sản phẩm bị thu hồi, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.

Đọc thêm