Với sự phát triển của internet, hình thức mua bán hàng qua mạng cũng ngày càng tiện lợi. Để cạnh tranh, mỗi trang bán hàng đều quảng cáo mức giá thấp nhất với đủ chiêu chào mời khiến người mua dễ lâm vào “mê cung” giá cả trên mạng.
Cùng một chiếc điện thoại có khi chênh lệch đến vài trăm ngàn đồng, một chiếc máy tính vênh nhau cả triệu đồng... Vì thế, người mua thường có thói quen khảo giá trước khi đặt mua.
Theo tố cáo của các nạn nhân, nhóm lừa đảo thường đưa ra mức giá chỉ bằng một nửa giá thiết bị cùng loại niêm yết trên thị trường. Lời giải thích cho mức giá “siêu rẻ” này là: hàng chính hãng xách tay từ nước ngoài về, không phải chịu thuế.
Cùng với hình chụp sản phẩm “long lanh” là những lời cam kết: không phải hàng chính hãng trả lại tiền, bảo hành 2 - 3 năm… Những vị khách không sành về công nghệ và ham của rẻ rất dễ sập bẫy. Sau khi khách đặt hàng, nhóm đối tượng sẽ yêu cầu chuyển trước 30 - 50% giá trị hóa đơn, số còn lại trả nốt khi nhận hàng.
Vài ngày sau, những kẻ lừa đảo sẽ gửi đến cho khách hóa đơn chuyển hàng giả, nội dung xác nhận đã chuyển hàng đến địa chỉ khách yêu cầu, hàng sẽ đến nơi trong 1 - 2 ngày tới, và đề nghị khách thanh toán nốt số tiền còn thiếu.
Đã có hóa đơn chuyển hàng nên nhiều vị khách yên tâm chuyển khoản nốt và ung dung chờ. Nhưng vài ngày vẫn không thấy hàng hóa gì, điện thoại cho bên bán thì hẹn lần lữa “do một vài trục trặc, có thể trễ vài ngày”. Mấy ngày sau hàng vẫn bặt tăm, đến khi gọi điện thấy “ò í e”, người mua mới biết mình bị lừa.
Ngoài các mặt hàng điện tử, nhóm lừa đảo trên còn “đa zi năng” làm cả “cò” giấy tờ nhà đất, sang nhượng tài sản… cam kết nhanh gọn trong vài ngày, giá thành mềm. Cũng với thủ đoạn yêu cầu chuyển trước 50% tiền công, làm giả hóa đơn, đến khi khách chuyển đủ tiền thì các đối tượng “cò” này lặn mất tăm.
Đối tượng Nguyễn Ngọc Tây |
Khi CQĐT liên lạc với những chủ tài khoản ngân hàng mà băng nhóm trên sử dụng, những người này đều nói không biết gì về sự việc và trước đó đều đã đã làm mất chứng minh nhân dân. Việc mấy giấy tờ này đã báo cáo cơ quan chức năng.
Nhận thấy đây là một băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp, am hiểu về công nghệ, có thủ đoạn tinh vi, C50 phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) lập chuyên án theo dõi, điều tra.
Mấy tháng ròng rã lần theo các đầu mối, “phục kích” trên mạng, CQĐT mới xác định được các đối tượng. Tuy cùng một băng nhóm nhưng các đối tượng tinh quái không tụ tập một nơi, ở rải rác trong thành phố, chỉ liên lạc với nhau qua Internet và điện thoại di động.
Sáng 16/6, nhiều mũi trinh sát của C50 và C45 đồng loạt ra quân “cất vó” nhiều đối tượng nằm trong băng nhóm lừa đảo tinh vi.
Tại đường Phan Văn Sửu (phường 13, quận Tân Bình), trinh sát bắt giữ Nguyễn Văn Đô (SN 1994, quê Quảng Ngãi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thời điểm bị bắt, Đô đang cùng bạn gái giao dịch với khách hàng trên mạng. Đô khai mới tham gia nhóm được vài tháng, lừa được khoảng 100 triệu đồng. Bốn đối tượng khác bị bắt giữ sáng cùng ngày: Nguyễn Thành Nhơn (SN 1989, quê Quảng Ngãi), Nguyễn Ngọc Tây (SN 1994, quê Quảng Ngãi), Đinh Phong Phú (SN 1988, quê Nghệ An), Trương Ngọc Duẩn (SN 1992, quê Thanh Hóa).
Trong đó, Đinh Phong Phú đang bị Công an quận Tân Bình truy nã về tội Cướp tài sản. Những đối tượng trên phần lớn đều thuộc gia đình khá giả, trình độ tin học cao, nhưng lêu lổng không nghề nghiệp, đua đòi và gia nhập băng nhóm trên để lừa đảo kiếm tiền tiêu xài. Tang vật thu giữ gồm một số laptop, điện thoại, thẻ ATM và những tài liệu có liên quan đến hành vi lừa đảo.
Tại CQĐT, 5 đối tượng khai nhận đã sử dụng các chứng minh nhân dân bị thất lạc của người khác để mở tài khoản ngân hàng, nhằm che mắt công an. Thời điểm bị bắt, số dư trong tài khoản của những đối tượng này lên tới 2 tỷ đồng.
Một trinh sát tham gia vụ án chia sẻ: “Trong những vụ bán hàng lừa đảo trên mạng, do số tiền bị chiếm đoạt không quá lớn, hầu hết nạn nhân đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, im lặng “tự rút kinh nghiệm” hoặc chia sẻ trên các trang xã hội mà không tố cáo đến công an. Chính điều này đã khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn”./.