Đó là đôi vợ chồng ông bà Phan Quang Phước (68 tuổi), Lê Thị Kết (65 tuổi), trú tại một con hẻm nhỏ trên đường Lê Độ, tổ 23, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.
Bơm vá xe gần 40 năm
Với những người dân và khách đi đường, hình ảnh đôi vợ chồng già với làn da nâu sạm, gương mặt hiền lành, chất phác ở góc phố Điện Biên Phủ (đối diện cổng Công viên 29.3 TP.Đà Nẵng) đã trở nên quen thuộc. Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 6-7 giờ sáng, mọi người lại thấy đôi vợ chồng già này lọ mọ dọn những “hành trang” mưu sinh của “tiệm” mình bày ra góc phố này để “cày cuốc” kiếm bát cơm sinh nhai và cứ thế, 21- 22h tối lại xếp dọn ra về.
Gọi là “tiệm” cho oai nhưng thực ra toàn bộ “sự nghiệp” của ông bà chỉ có máy bơm, ít đồ nghề. Đó như là gia tài hành nghề, cũng là niềm tự hào của đôi vợ chồng về “cần câu cơm” gần 40 năm qua của mình.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ông bà sánh duyên cùng nhau và sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai). Cuộc sống khó khăn thời ấy đã khiến nhiều gia đình điêu đứng, phải bỏ xứ vào Nam lập nghiệp. Tuy nhiên, ông bà vẫn quyết ở lại mưu sinh nơi quê cha đất tổ với hy vọng đời sẽ không phụ bạc mình.
Để tồn tại qua ngày, ông bà phải trải qua rất nhiều nghề như khuân vác, làm thuê, lao công nặng nhọc với mong ước có thể kiếm được cái gì để các con mình có cái bỏ vào bụng qua cơn đói. Cuối cùng, sau nhiều lần đi làm và học hỏi, ông bà mới học “lỏm” được nghề bơm vá xe đạp. Từ đó, ông bà mới bàn tính mở tiệm sửa xe đạp mưu sinh qua ngày.
|
Kể từ đó, bơm vá xe đạp trở thành nghề mưu sinh của ông bà. Dần dà, ông bà đi học thêm kinh nghiệm những thợ sửa xe máy. Đến nay, không chỉ bơm vá xe đạp, ông bà còn có thể sửa được những trục trặc nhỏ của xe máy.
Khách vào, sau khi mời khách ngồi, ông bà đều nở nụ cười và phân chia nhau công việc. Ông dùng dụng cụ tháo ruột xe ra khỏi lốp, còn bà thì thực hiện công đoạn vá xe. Còn với những công việc sửa chữa phức tạp hơn, nặng hơn thì ông làm thay bà.
“Sau năm 1975, khi chúng tôi dọn đến nơi đây sinh sống đã thấy ông bà Phước hành nghề bơm vá này rồi. Mỗi khi có khách vào bơm vá xe, ông bà lịch sự mời ngồi và phân chia nhau công việc. Hình như gần 40 năm qua, ông bà vẫn ngồi ở góc phố ấy mưu sinh, không xê dịch…” – bà Hồng, một người dân địa phương chia sẻ.
Nghề đem lại niềm vui tuổi già
Quần quật từ sáng sớm đến khuya mới về nhưng thu nhập của ông bà mỗi ngày không quá 100.000 đồng. Khoản tiền ấy cũng đủ để ông bà trang trải cuộc sống ở tuổi già. Nhiều khi gặp học sinh, trẻ em lang thang, người tàn tật, ông bà sửa xe miễn phí.
“Từ khi mới làm nghề đến giờ, chẳng bao giờ vợ chồng tôi lấy tiền công đắt với khách. Hầu như khách nào hiểu ý là đưa mà thôi, có khi còn cho thêm”. Ông bà cũng chân tình chia sẻ: “Với sắp nhỏ, người tàn tật, người em, vợ chồng tui sẵn sàng bơm, vá cho đến sửa xe chẳng khi nào lấy tiền”.
|
Khoản thu nhập từ nghề bơm vá xe của ông bà chẳng đáng là bao với công sức bỏ ra, nhưng ông bà vẫn quyết giữ nghề như niềm vui, hạnh phúc tuổi già. Các con ông bà giờ đã khôn lớn, trưởng thành, có tổ ấm riêng cho mình.
“Nhiều khi sắp nhỏ khuyên ở nhà nhưng nghỉ được vài hôm là thấy ngứa ngáy chân tay nên cũng lại nhớ nghề, ra phố làm lại. Chắc cái nghề này đã gắn với vợ chồng già này rồi, không thể dứt ra được.”- ông Phước nở nụ cười tươi cho biết.
Thông thường, các quán khác làm đến tầm chiều là nghỉ, còn vợ chồng ông bà vẫn lặng lẽ ngồi chờ khách cho đến 22h đêm mới dọn đồ về. “Nghề này cũng giống như đi câu cá vậy, gặp khách thì có ít tiền công, còn không thì coi như hôm ấy ngồi chơi. Nhưng dù có ế khách cách mấy, mình cũng ráng chờ, lỡ khách dắt bộ cả đoạn đường dài trong đêm mà không gặp mình thì tội họ lắm”.
Nghề này thu nhập chẳng là bao nên hôm nào đói lắm, ông bà cũng chỉ dám mua ổ bánh mì lót dạ, còn để bụng về nhà ăn bữa tối đã nguội lạnh trong thời khắc chuyển giao ngày mới.
Cũng vì mưu sinh trong đêm khuya nơi hè phố vắng vẻ nên đã có không ít lần vợ chồng ông bà bị mấy thanh niên ăn chơi lêu lổng dọa nạt, cướp tiền bạc, hoặc là đem xe tới bắt sửa rồi dông thẳng không chịu trả tiền, thậm chí còn bị dọa đánh nữa.
Thời gian dần trôi, nhưng ngày qua ngày, nơi góc phố kia, hình ảnh đôi vợ chồng già mưu sinh nơi vỉa hè đông người, lắm khói xe như “gieo” niềm vui cho mọi người trong đêm khuya… Và ông bà xem đó như cái thú vui tuổi già./.