“Cát tặc” lộng hành do bị xử lý quá nhẹ?

(PLO) - Hiện ở các địa phương dọc các con sông lớn đều xảy ra tình trạng một số cá nhân hoặc một nhóm người không có giấy phép khai thác cát, nhưng vẫn bơm, hút cát trái phép gây nguy cơ sạt lở đất ở các vùng ven sông, đe dọa đến hệ thống đê điều cũng như nhà cửa của người dân khu vực ven sông. 
Công an đường thủy Bắc Ninh kiểm tra một tàu hút cát.
Đây cũng là nguyên nhân phát sinh các tội phạm khác như cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng… do tranh giành lãnh địa. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép còn quá nhẹ, chủ yếu là xử  phạt hành chính dẫn đến tình trạng “cát tặc’’ vẫn tiếp tục lộng hành. 
Quê tôi ở ven sông Hồng, những năm gần đây bị ảnh hưởng bởi nạn trộm cắp cát, làm xáo trộn cuộc sống của vùng quê bởi sự ồn ào của những tàu khai thác cát trái phép và các bến bãi chứa cát của các đầu nậu, tạo ra sự hỗn loạn và phức tạp. Do việc khai thác cát đem lại lợi nhuận lớn và rất dễ tiêu thụ, nên các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Chúng hoạt động lén lút lẫn công khai và sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng kiểm tra…
Không những thế, các tàu thuyền khai thác cát trái phép ở các dòng sông thường không mang biển kiểm soát và từ các địa phương khác đến hoạt động rất tinh vi, địa bàn hoạt động là các khúc sông giáp ranh, gây khó khăn cho các cơ quan trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý. Thậm chí, nhiều đầu nậu cát còn thuê cả “xã hội đen” bảo kê cho hoạt động khai thác cát trái phép và hậu quả làm sạt lở nhiều diện tích đất canh tác ở ven đê, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống đê điều và hàng loạt nhà ở của các hộ dân sống gần các bờ sông bị sụt lún, đổ bất cứ lúc nào, gây nên những bức xúc trong dư luận. Chúng tôi không hiểu vì sao “cát tặc” dẹp mãi vẫn không xong?
Luật gia Hồng Hạnh (Tòa Dân sự TANDTC) cho rằng: Thực tế việc xử lý đối với hành vi khai thác cát trái phép còn chưa nghiêm, chủ yếu là xử phạt hành chính và mức xử phạt không cao so với lợi nhuận khủng mà các đối tượng thu được. Vì vậy, hình thức xử phạt hành chính chưa có tác dụng ngăn chặn, thậm chí nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt rồi ngang nhiên tái phạm.
 Tại Điều 172 Bộ luật Hình sự quy định tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu thăm dò, khai thác tài nguyên môi trường’’, theo đó: Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng. 
Tuy nhiên, số vụ khai thác cát trái phép bị xử lý hình sự trên thực tế còn rất ít, chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các đối tượng có hành vi vi phạm. Đơn cử vụ khởi tố các đối tượng khai thác cát trái phép ở huyện Phúc Thọ và huyện Thường Tín, Hà Nội… chưa đủ sức mạnh răn đe, phòng ngừa. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp đồng bộ các giải pháp, đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, xử lý tận gốc các bên bãi chứa vật liệu xây dựng hoạt động trái phép, xử lý thật nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép bằng các hình thức xử phạt tiền với mức phạt cao gấp nhiều lần giá trị cát khai thác và bằng các chế tài hình sự. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng lộng hành của cát tặc đang diễn ra hiện nay.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm