Bộ Tư pháp phản đối Tòa làm khó phóng viên

(PLO) - Theo Bộ Tư pháp Thông tư số 01/2014 của TANDTC làm phát sinh thêm thủ tục, chưa phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đồng thời cũng chưa thực sự phù hợp với các nguyên tắc tổ chức phiên tòa được quy định tại Điều 2 của chính Nội quy này.
Chiều qua (20/6), Bộ Tư pháp đã có công văn gửi TANDTC để có ý kiến chính thức với nội dung “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa”.
Theo đó, Bộ Tư pháp phân tích: Luật Báo chí năm 1989 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Luật số 12/1999/QH10 ngày 12/6/1999) quy định nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ; khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; không ai được cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 
Trên cơ sở quy định của Luật Báo chí, Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí nêu rõ: “Nhà báo được đến cơ quan, tổ chức… để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo; được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.
Bộ Tư pháp nhận thấy, việc Chánh án TANDTC ban hành Nội quy phiên tòa, trong đó có nội dung liên quan đến hoạt động thông tin, báo chí tại phiên tòa là cần thiết, một mặt nhằm bảo đảm an ninh trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án, mặt khác bảo đảm cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa được tiến hành một cách thuận lợi theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần để việc xét xử được tiến hành dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật cũng như tăng cường tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy định của đời sống xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. 
Tuy nhiên, quy định trên đã làm phát sinh thêm thủ tục, chưa phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đồng thời cũng chưa thực sự phù hợp với các nguyên tắc tổ chức phiên tòa được quy định tại Điều 2 của chính Nội quy này.

Đọc thêm