Đòi quyền làm mẹ của chính con mình

(PLO) - Khi con gái kết hôn, bà Đông mới biết, người cô đã đứng tên là mẹ trong khai sinh của hai con mình. Gần 3 năm qua, bà Đông chạy đôn chạy đáo đòi lại quyền làm mẹ nhưng chính quyền xã, tư pháp huyện lúng túng trước một tình huống “xưa nay hiếm”…
Đòi quyền làm mẹ của chính con mình
Bà Trần Thị Ngọc Đông (SN 1960, trú tại thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) quê ở Tây Ninh, khi trưởng thành đã lên TP.Hồ Chí Minh bán hàng rong và chung sống như vợ chồng với ông Phan Công Danh (SN 1957, quê ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhưng không đăng kí kết hôn. 
Khi bà đang mang thai đứa con đầu lòng thì vợ chồng đường ai nấy đi, buộc bà phải sinh con và nuôi con một mình. Khi đứa con cứng cáp, người “chồng” quay về năn nỉ bà Đông nối lại tình cảm. Sau đó, bà mang thai đứa con thứ hai, người “chồng” lại đòi chia tay để bà vượt cạn một mình. 
Cũng từ đó đến nay, “chồng” bà Đông lặn mất tăm, dù họ hàng nhà “chồng” rất mực thương cảm với mẹ con bà. 
Mất quyền làm mẹ mà không hay biết 
Thấy hoàn cảnh mẹ con bà Đông quá khó khăn, một người cô ruột của “chồng” là bà Phan Thị Năm (SN 1921, quê ở Tiền Giang) xin đưa hai cháu về quê nuôi dưỡng giúp. Khi tụi nhỏ đến tuổi đi học, bà Năm ra UBND xã làm giấy khai sinh. Con trai tên là Phan Hữu Lợi, cô con gái tên Phan Thị Ri Na. 
Oái oăm là trong giấy tờ khai sinh của cả hai, bà Năm đều khai mình là mẹ, bà Đông hoàn toàn không biết việc mình đã bị mất đi cái quyền thiêng liêng này.
Năm 1997, bà Năm qua đời, bà Đông đón hai con lên Tây Ninh sống cùng. Năm 2011, cô Ri Na may mắn được hàng xóm làm mối lấy chồng ngoại quốc. Rắc rối bắt đầu “lộ diện” khi cô con gái làm thủ tục đăng kí kết hôn, cán bộ tư pháp thắc mắc: “Tại sao mẹ và con chênh nhau nhiều tuổi quá vậy”. 
Giật mình, bà Đông mới kiểm tra lại giấy tờ và phát hiện người đứng tên mẹ trong hai giấy khai sinh của Phan Hữu Lợi và Phan Thị Ri Na không phải là bà Đông mà là bà Năm. 
“Bấy giờ tôi mới té ngửa lo lắng, nghe người ta bảo rằng nếu để nguyên như thế thì khi ra pháp luật sẽ không có quan hệ gì với con ruột nên mới đi “đòi” quyền làm mẹ của chính con mình đẻ ra”, bà Đông nói.
Hành trình đòi quyền làm mẹ
Từ năm 2012, bà Đông đến UBND thị trấn Hoà Thành rồi UBND huyện Hoà Thành là nơi đăng kí hộ khẩu tạm trú hiện nay nhờ hướng dẫn thủ tục chỉnh sửa giấy khai sinh. Cán bộ tư pháp huyện hướng dẫn bà Đông về lại xã An Thái Đông, nơi hai con bà làm giấy khai sinh để xác nhận thông tin.
Bà Đông về Tiền Giang nhờ xác minh. Thế nhưng khi đã có xác nhận của công an và UBND xã An Thái Đông, cán bộ huyện Hoà Thành lại trả lời bà Đông rằng trường hợp của bà không thể giải quyết do người đứng tên mẹ trong giấy khai sinh đã qua đời. Nếu người cô ruột Phan Thị Năm còn sống thì mới chỉnh sửa được. 
Bế tắc, bà Đông đành gấp hồ sơ chấp nhận cảnh không được làm mẹ của chính hai người con đứt ruột đẻ ra: “Tìm về nơi các con đăng kí khai sinh thì người ta bảo thẩm quyền thuộc về địa phương cư trú hiện tại bởi tôi đã cắt hộ khẩu. Nhưng đến UBND huyện Hoà Thành thì người ta lại trả hồ sơ, trả lời không cải chính được”, bà Đông bế tắc trình bày.
Được biết, tất cả họ hàng nhà “chồng” cũng như xóm giềng đều biết rõ Lợi và Na là con đẻ của bà Đông và sẵn sàng xác nhận. Nhưng về mặt giấy tờ pháp lý, bà với hai con không có quan hệ huyết thống. 
Bà than thở: “Con mình sờ sờ mà không được pháp luật công nhận. Tôi đang ốm đau, con gái muốn bảo lãnh ra nước ngoài chăm sóc cũng đành chịu bởi trên giấy tờ không hề có mối quan hệ nào”. 
Gần ba năm qua, bản thân bà và hai con đã làm đơn đề nghị được thay đổi thông tin bố mẹ trên giấy khai sinh của con nhưng đến nay vẫn bế tắc.
Theo Thạc sĩ Hà Thị Thanh (Chủ nhiệm ĐLS Hưng Yên), còn có một cách khác để bà Đông “đòi” quyền làm mẹ đó là gửi đơn ra tòa án yêu cầu được xác định con cho mình. Theo Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2000, người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. 
Như vậy, cùng với các chứng cứ chứng minh quan hệ huyết thống với các con, bà Đông cần phải xuất trình được Kết luận giám định ADN. Đây sẽ là chứng cứ khoa học duy nhất có tính pháp lý để phán quyết những vấn đề liên quan đến nguồn gốc của con người./.

Đọc thêm