Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) lấy đất… “ba không”

(PLO) - Lấy đất của người dân làm bến xe nhưng UBND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang không hề ban hành quyết định thu hồi, không bồi thường hay hỗ trợ, không giải quyết khiếu nại…
Bà Cẩm bức xúc vì đất bị thu hồi
Bà Cẩm bức xúc vì đất bị thu hồi
Ở vào tuổi 84 nhưng bà Lê Thị Cẩm (ngụ tại thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) phải thường xuyên “gõ cửa” chính quyền để “kêu cứu” vì bị lấy đất mà không hiểu lý do.
Ngang nhiên lấy đất
Trong đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang và Trung ương, bà Lê Thị Cẩm cho biết: diện tích đất rộng hơn 5.000m2 tọa lạc tại khu 5, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) do bà trực tiếp canh tác (trồng cam, quýt…) từ năm 1966 và thực hiện nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. 
“Vào năm 1980, ông Chín Hải (tức Lê Văn Phẩm, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang) đến gặp tôi và đề nghị bán cho ông ấy 3.000m2 đất. Vì mảnh đất này là nguồn sống duy nhất của gia đình nên tôi từ chối. Đến ngày 18/10/1980, UBND thị trấn Cai Lậy mời tôi đến làm việc và buộc phải giao mảnh đất vườn hơn 3.000m2, phía trước mặt lộ để làm bến xe khách mà không nói tới vấn đề đền bù hay hỗ trợ. Vào khoảng 8 giờ 30 ngày 9/12/1980, khoảng 30 người gồm công an, bộ đội… mang súng, dụng cụ hỗ trợ đến ngang nhiên chặt cây trái (khoảng 3.000m2), rồi kéo rào rào lại” - bà Cẩm cho biết.
Theo bà Cẩm, từ khi bị  cưỡng chế chiếm giữ đất đến nay bà không hề nhận được bất kỳ văn bản hay một quyết định nào của chính quyền địa phương. “Đến giờ, tôi hoàn toàn không biết lý do gì mà đất của mình bị cưỡng chế vì chính quyền không hề ban hành quyết định thu hồi đất cũng như tính toán bồi thường. 
Từ đó cho đến nay, tôi đã gửi không biết bao nhiêu đơn thư khiếu nại cho chính quyền tỉnh Tiền Giang cũng như Trung ương nhưng vẫn chưa một lần được giải quyết thỏa đáng…” - bà Cẩm bức xúc. Do phía trước bị rào lại nên hơn 30 năm qua, bà Cẩm phải đi nhờ trên đất của lối xóm để ra đường. 
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Sau hàng chục năm nộp đơn khiếu nại mà không được giải quyết, ngày 4/5/2012 Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang mời bà Cẩm đến để… thẩm tra đơn khiếu nại. 
Tại buổi làm việc, bà Cẩm yêu cầu giải quyết trả lại đất, nhưng cuộc họp cũng không hề có kết luận cụ thể nào. Tiếp đến ngày 19/12/2012, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang có Công văn số 5936 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy chỉ đạo UBND thị trấn Cai Lậy tiến hành hòa giải khiếu nại đòi đất theo quy định. UBND thị trấn Cai Lậy cũng đã tổ chức 3 lần hòa giải (lần cuối cùng thực hiện vào ngày 23/9/2013), nhưng sau đó vụ việc chìm vào im lặng.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 11/12/2013, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cai Lậy - chỉ nói gọn: “Chúng tôi đã tổ chức hòa giải 3 lần, nhưng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cai Lậy (đơn vị quản lý bến xe - PV) chỉ cử nhân viên đến làm việc nên không trả lời được những yêu cầu của bà Cẩm (đòi lại đất). Do đó, 3 lần hòa giải không thành nên chúng tôi có báo cáo với UBND huyện Cai Lậy (bằng miệng - PV) về những lần hòa giải trên”. 
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cai Lậy - cho biết: “Đúng là UBND thị trấn có báo với tôi về những lần hòa giải trên. Chúng tôi có tham khảo ý kiến của Phòng tiếp dân UBND tỉnh Tiền Giang và được hướng dẫn chuyển hồ sơ lên cho UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền vì đây là tranh chấp giữa cá nhân và tổ chức. Tôi cũng đã yêu cầu UBND thị trấn hướng dẫn đương sự cầm biên bản hòa giải lên UBND tỉnh để được giải quyết”. Thế nhưng, bà Lê Thị Cẩm khẳng định chưa bao giờ được chính quyền địa phương hướng dẫn thủ tục khiếu nại theo luật định. 
Trong khi đại diện UBND huyện Cai Lậy cho rằng thẩm quyền thuộc về cấp tỉnh thì trong phiếu báo cho bà Cẩm vào ngày 16/12/2013, Thanh tra tỉnh Tiền Giang lại khẳng định: “Thẩm quyền giải quyết thuộc UBND huyện Cai Lậy”. 
“Hơn 30 năm nay, tôi đã nộp đơn khắp nơi để khiếu nại mà không ai giải quyết. Đến nay, chính quyền địa phương mời tôi lên hòa giải 3 lần rồi chìm vào yên lặng mà không đưa ra hướng giải quyết. Nộp đơn lên tỉnh, tỉnh kêu về huyện; về huyện, huyện bảo lên tỉnh. Giải quyết theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy đến bao giờ đây?” - bà Lê Thị Cẩm bức xúc…

Đọc thêm