15 hộ dân kiện nhau “dây chuyền” vì 20m2 đất?

(PLO) - Xây nhà đúng chỉ dẫn của địa chính, trên lô đất được quyền sử dụng, nhưng vẫn bị tòa xử bắt trả đất cho nhà bên cạnh. Một số cán bộ tòa án bị tố cáo là còn “mách nhỏ” ngoài hành lang, “xui” người phải trả đất đi kiện một ông hàng xóm khác. Ông kia ra tòa sẽ bị xử thua, cũng phải đi kiện ông tiếp theo. Cứ kéo nhau “dây chuyền” như vậy đến khi nào kiện đúng hộ vi phạm là xong.
Ông Khanh bên mảnh đất có nguy cơ bị kiện dây chuyền
Ông Khanh bên mảnh đất có nguy cơ bị kiện dây chuyền
Năm 1995, UBND xã Lam Sơn (huyện Thanh Miện, Hải Dương) tổ chức đấu thầu 15 suất đất giãn dân tại khu vực thôn Kim Trang Tây. Gia đình ông Mai Văn Khanh (SN 1964) cùng 14 hộ trúng thầu, được xã giao đất.
Xã cắm mốc bằng cọc tre, phía trước cắm sát đường 392A, phía sau cắm sát đất tập thể. Các chủ sử dụng đất liền nhau, không có khoảng trống. Diện tích, số đo thửa đất của 15 hộ bằng nhau, đều có phía mặt đường 5m, phía sau 4,8m, hai cạnh bên 24m.
Gia đình ông Khanh được cấp sổ đỏ vào cuối năm 1998, bên trái giáp đất nhà bà Nguyễn Thị Thu. Năm 2010, ông Khanh làm nhà tạm bán quán. Do bà Thu đang làm ăn xa ở miền Nam nên ông Khanh mời cán bộ địa chính xã đến đo đạc, xác định ranh giới để xây nhà. 
Lúc đó, đất nhà bà Thu ở bên trái chưa xây dựng, đất nhà hàng xóm khác ở bên phải đã xây nhà kiên cố. Ông Khanh tính diện tích của mình từ mốc giáp với nhà hàng xóm bên phải đến tiếp giáp với đất bà Thu, đủ diện tích đã trúng thầu là 105m2 để xây dựng.
Đầu năm 2013, bà Thu có đơn khởi kiện ông Khanh lấn chiếm đất, yêu cầu phải tháo dỡ công trình xây dựng và trả cho bà khoảng 23m2 đất. Tại bản án sơ thẩm, TAND huyện ra quyết định buộc ông Khanh phải trả lại diện tích 21m2 đất.
Ông Khanh không đồng ý với quyết định vì cho rằng ông sử dụng đúng diện tích đất trúng thầu, có sổ đỏ nên làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh. Phiên phúc thẩm cuối tháng 9/2013, TAND tỉnh cũng ra phán quyết buộc ông Khanh phải trả cho bà Thu 23,6m2 đất. 
Theo ông Khanh, trên thực tế, phần đất của gia đình ông bằng đủ diện tích đã trúng thầu, nếu trả cho bà Thu thì đất gia đình ông sẽ bị thiếu. Ông Khanh nói: “Trong khi 14 gia đình kia đều đủ diện tích đất, phần bị thiếu của bà Thu là do gia đình khác chiếm, mà giờ gia đình tôi chịu thiệt chỉ vì ở giáp ranh thì vô lý quá”.
Nguyên nhân vụ việc là do một trong số 15 hộ trúng thầu, khi xây dựng trước đó đã để thừa ra một khoảng đất trống có diện tích đúng bằng diện tích bà Thu đang thiếu. Tuy nhiên, diện tích thừa ra này không tiếp giáp với đất nhà bà Thu. 
Trong bản án phúc phẩm cũng xác nhận: Ở phần phía trước, tổng cộng thừa ra là 1,43m. Phần này tương ứng với phần đất phía sau mà bà Thu bị thiếu. Người bị kiện giải thích: “Trong các lô đất trúng thầu này, các chủ sử dụng đất liền nhau, không có khoảng trống. Nhưng người xây dựng trước đã để thừa đất trống, chính quyền không giám sát, nên đến người xây sau mới bị thiếu diện tích”.
Ông này cũng cho biết sau khi tòa quyết định, một số vị công tác ở hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm còn “rỉ tai”, “gợi ý” ông kiện tiếp sang nhà hàng xóm bên cạnh (bên phải) để đòi lại phần đất thiếu. Nếu ra tòa, nhà hàng xóm kia cũng sẽ bị xử thua như ông, lại thiếu đất, lại kiện nhà kế tiếp theo kiểu “dây chuyền”. 
Cứ như vậy, khi nào kiện đến đúng gia đình vi phạm thì mới được giải quyết tận gốc. Trong bản án phúc thẩm ghi rõ: “Ông Khanh phải trả đất bà Thu nên diện tích đất của ông bị thiếu. Nếu ông có yêu cầu thì ông có quyền khởi kiện đòi quyền sử dụng đất mà ông bị thiếu ở vụ án khác”.
Ông Khanh đã bỏ tiền mua đất, đóng thuế hàng năm đầy đủ và được cấp sổ đỏ theo luật. 
Mặt khác, trong quyết định của hai cấp tòa đều không tuyên hủy sổ đỏ. “Làm sao tôi có thể trả đất cho bà Thu khi tôi vẫn đang là chủ sở hữu hợp pháp. Giả sử tôi đồng ý trả đất như tòa xử thì phần đất bị thiếu so với sổ đỏ của tôi ai sẽ chịu trách nhiệm.
Tòa “gợi ý” tôi kiện tiếp hàng xóm kế tiếp để đòi lại phần đất mình đã mất thì tôi thấy không hợp lí, vì họ cũng có sổ đỏ đàng hoàng, họ không sai, không lấm chiếm tôi thì sao tôi đi kiện họ được”, ông Khanh nói. 
Ông cho rằng, đáng ra, để công bằng và giải quyết triệt để thì trong quá trình xét xử, tòa án nên triệu tập cả 15 hộ gia đình trúng thầu, tiến hành đo đạc lại, ai lấy thừa đất thì người ấy chịu trách nhiệm, “đằng này tòa lại đẩy trách nhiệm cho một mình tôi, chỉ vì tôi ở liền kề người bị thiếu đất”.
Có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng
Trao đổi về vụ án trên, một luật sư cho biết, để làm rõ bản chất đúng sai từ vụ án này cần bóc tách từng nội dung. Đầu tiên phải xác định ông Khanh có lấn 23m2 đất hay không cần phải căn cứ vào việc cắm mốc ranh giới ban đầu của UBND xã khi giao đất. Từ đó mới làm cơ sở cho việc ra phán quyết có hay không hành vi lấn chiếm đất.
Ngoài ra, vụ án trên thiếu sự tham gia tố tụng của người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong việc xét xử đã làm cho bản án chưa đủ sức thuyết phục. Hiện trạng khu đất cho thấy 15 mảnh đất được cấp cho 15 hộ, sát nhau, không có khoảng trống, mảnh đất  của ông Khanh và bà Thu nằm ở khoảng giữa. 
Tòa án cần phải xác định rõ những hộ đã xây dựng có sai phạm để đưa vào vụ án này với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan để làm sáng tỏ vụ án tranh chấp mới đúng quy định tố tụng. 

Đọc thêm