Lại tranh cãi việc ai sẽ tiêm thuốc độc khi thi hành án tử hình

(PLO) - Tử hình bằng tiêm thuốc độc là phương pháp đã bắt đầu áp dụng đối với phạm nhân nhưng cũng đang xảy ra tình trạng tranh cãi trong và ngoài ngành y là ai “đóng vai” bác sĩ để hỗ trợ thi hành án? 
Các bác sĩ nói chung và bác sĩ công an nói riêng đang đứng trước sự giằng co giữa y đức cứu người và thực thi công vụ mà Nhà nước yêu cầu. Ảnh minh họa.
Các bác sĩ nói chung và bác sĩ công an nói riêng đang đứng trước sự giằng co giữa y đức cứu người và thực thi công vụ mà Nhà nước yêu cầu. Ảnh minh họa.        
Nên để bác sĩ pháp y thay bác sĩ?
Cuối năm 2013, dư luận xã hội và trong ngành y tế xôn xao trước vụ việc bác sĩ và điều dưỡng viên của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên bị Hội đồng thi hành án (THA) tử hình yêu cầu đưa kim tiêm vào người phạm nhân để truyền thuốc độc. Điều này đi ngược với lời thề chữa bệnh cứu người trong ngành nên không những bản thân người bác sĩ và điều dưỡng viên này bị ám ảnh vì lần đầu tiên trong đời họ buộc phải làm một việc trái với đạo đức nghề nghiệp, mà lãnh đạo của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cũng phản ứng với thái độ đầy bức xúc. 
Được biết, khi biết việc cử bác sĩ đi hỗ trợ đội THA, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên - bác sĩ Phan Vũ Nhân đã đề nghị cử bác sĩ pháp y nhưng không được đồng ý. 
Sau khi vụ việc xảy ra, quan điểm cử bác sĩ pháp y đi thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan tòa án, THA của ông Phan Vũ Nhân không phải là duy nhất, bởi sau đó đã có nhiều bài báo đặt câu hỏi: “Phải chăng nên để bác sĩ pháp y làm nhiệm vụ “trảm” phạm nhân?”. 
Cũng có nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng cần phải quy định rõ những đối tượng, ngành nào làm nhiệm vụ này, có thể là đội ngũ pháp y của Bộ Y tế, Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, nếu trong văn bản chưa quy định về việc này thì nên bổ sung vào, chứ không nên để những bác sĩ không làm nhiệm vụ pháp y đi tiêm thuốc độc cho phạm nhân.
Như vậy, có không ít quan điểm tán thành việc cử bác sĩ pháp y đi làm nhiệm vụ hỗ trợ THA tử hình bằng thuốc độc thay cho bác sĩ, dù rằng ở góc độ pháp luật, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC không đề cập cụ thể đến vấn đề đó. Vai trò của bác sỹ được nhắc tới trong thông tư chỉ là "hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị THA tử hình trong trường hợp cần thiết".
Bác sĩ pháp y cũng chối
Phản ứng về vấn đề này, mới đây Viện Pháp y quốc gia đã có Công văn số 55 ngày 20/2 gửi lãnh đạo Bộ Y tế. Nội dung Công văn nêu rõ: “Một số địa phương Sở Y tế chỉ đạo bác sĩ pháp y thực hiện nhiệm vụ xác định tĩnh mạch là trái với Luật THA hình sự và Nghị định số 82/2011/NĐ-CP quy định về THA tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc”. 
Theo TS Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, các quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật nói trên đều khẳng định bác sỹ pháp y chỉ có nhiệm vụ xác định tình trạng của người đã bị THA tử hình và báo cáo kết quả với Hội đồng THA. Mặt khác, theo TS Vũ Dương, việc thực hiện tiêm truyền vào tĩnh mạch không phải là thủ thuật dễ đối với bác sĩ pháp y. 
Hiện nay, THA bằng tiêm thuốc độc là phương pháp đã được Nhà nước lựa chọn và đang bắt đầu áp dụng, thế nhưng cả bác sĩ và bác sĩ pháp y đều từ chối thì ai sẽ làm? Đó là câu hỏi đang được đặt ra. Đứng trước vụ việc bác sĩ Bệnh viện Phú Yên bị yêu cầu buộc đưa kim tiêm vào người phạm nhân, bác sĩ Nguyễn Thanh Trúc - Giám đốc BV nêu quan điểm rằng, trong đoàn công tác đã có một số bác sĩ, nhân viên của ngành công an thì nên giao họ làm, không cần bác sĩ của ngành y tế. Ngành công an, tòa án nên có lực lượng chuyên trách để làm việc đó. 
Các bác sĩ nói chung và bác sĩ công an nói riêng đang đứng trước sự giằng co giữa y đức cứu người và thực thi công vụ mà Nhà nước yêu cầu. Thiết nghĩ, trong tình huống bắt buộc phải thực hiện nhiệm vụ thì bên cạnh luật cần quy định rõ ràng hơn, các cơ quan chức năng cũng phải giải thích rõ cho người thực hiện, đừng để xảy ra tình trạng tranh cãi, đùn đẩy như hiện nay.
Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 05 quy định: “Căn cứ vào kế hoạch tổ chức THA tử hình của Hội đồng THA tử hình, Cơ quan THA hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Cơ quan THA hình sự cấp Quân khu có trách nhiệm lập kế hoạch triển khai việc THA tử hình, phân công, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để đảm bảo cho việc THA tử hình. Chủ tịch Hội đồng THA tử hình ra quyết định hoặc có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Phòng Quân y cấp Quân khu nơi Tòa án đã ra quyết định THA cử bác sỹ của bệnh viện (BV) thuộc Sở Y tế hoặc BV thuộc Quân khu đến địa điểm THA tử hình để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị THA tử hình trong trường hợp cần thiết”.

Đọc thêm