Lão nông mang cả gia tài đi chống tiêu cực

(PLO) - Trong lúc xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn và làm cống thoát nước, người dân phát hiện đơn vị thi công “rút ruột”. Thế nhưng chủ đầu tư “cãi chày cãi cối”, lại còn thách thức người dân. Nhiều người lắc đầu “chịu thua”. Tuy nhiên, một lão nông đã quyết tâm chống tiêu cực đến cùng, đem tài sản duy nhất của gia đình là 3 công đất ra thế chấp, “đấu” lại với chủ đầu tư và đơn vị thi công, đưa gian dối ra ánh sáng.
Lão nông Lê Hữu Đức
Lão nông Lê Hữu Đức

Thi công có dấu hiệu gian dối, dân kiện tới cùng

Phường Thới An, thuộc quận Ô Môn, TP. Cần Thơ là một trong những phường có diện tích tự nhiên và dân số lớn nhất quận. Nhiều năm qua, địa phương xây dựng nhiều cơ sở vật chất để tiến tới đạt danh hiệu phường văn hóa.
Trong số đó, có dự án nâng cấp hệ thống thoát nước rạch Cầu Kênh. Giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2012, giai đoạn hai tiếp tục thi công đường cống thoát nước cho khu vực trung tâm chợ, kết hợp làm lộ, phục vụ đi lại cho người dân, có chiều dài 164m, tổng kinh phí là hơn 1,594 tỷ đồng.
Công trình này do Phòng Tài nguyên – Môi trường quận làm chủ đầu tư. Công ty TNHH một thành viên Thương mại Xây dựng Minh Mẫn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. Đơn vị thi công là Công ty Phát Đạt, do ông Lê Viết Long (người địa phương) làm giám đốc.
Thổ nhưỡng ở vùng đất này vốn rất yếu nên trong bản vẽ thiết kế, nhiều đoạn đường có hố ga phải gia cố thêm cừ tràm để bảo đảm chất lượng lâu dài khi sử dụng. Thế nhưng, trong quá trình thi công, đơn vị nhận trách nhiệm lại bỏ qua yếu tố quan trọng này.
Công trình này được khởi công xây dựng từ đầu năm 2013, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm. Điều đáng nói, công trình không có đại diện giám sát cộng đồng.
Nhận thấy đây là con đường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế nên người dân khu vực tự giám sát chặc chẽ việc thi công. Từ đó, người dân nhận thấy nhiều dấu hiệu công trình bị “rút ruột”, thi công không đúng bản vẽ thiết kế. Đầu tháng 7/2013, đồng loạt người dân đã ký đơn kiến nghị lên UBND phường Thới An và quận Ô Môn, tố giác những dấu hiệu sai phạm này.
Một người ký tên tố giác cho biết: “Trong thời gian thi công chúng tôi phát hiện thấy nhà thầu không đóng cừ tràm ở hố ga và đầu gối cống. Chúng tôi hỏi bản vẽ thiết kế thì nhà thầu nói bản vẽ thiết kế cán bộ xây dựng phường giữ. Khi lên hỏi phường thì nói chủ đầu tư giữ. Mãi sau 2 tháng trôi qua kể từ khi khởi công, chúng tôi mới thấy bảng vẽ thiết kế thi công. So sánh bản vẽ thiết kế với thi công thì có dấu hiệu “rút ruột””.
Khi người dân phát hiện tiêu cực trong công trình và làm đơn tố cáo thì công trình đã hoàn thành. Trước những lời tố cáo của người dân, đại diện chủ đầu tư mạnh miệng tuyên bố: “Công trình làm đúng với bản thiết kế yêu cầu. Công ty sẵn sàng đào lên để kiểm tra nhưng nếu công trình vẫn đảm bảo đúng như thiết kế thì người dân phải đền bù”.
Người dân ở phường Thới An vốn quanh năm chỉ trông chờ vào vườn cây, ao cá thu nhập chẳng được bao nhiêu, trong khi đó chi phí cho việc đào lên rồi lấp lại không phải nhỏ nên nhiều người lắc đầu “chịu thua”.
Tuy vậy, trong số những người dân cương quyết chống tiêu cực, có một nông dân bạo gan, đem gia tài duy nhất của mình là 3 công đất ra thế chấp, quyết lật mặt đường lên, vạch rõ sai trái của đơn vị thi công. Đó là lão nông Lê Hữu Đức (58 tuổi), một nông dân nghèo nhưng tính tình cương trực.
Lão nông khiến chủ đầu tư “bẽ mặt”
Ông Đức cho biết, bản thân không có chuyên môn gì về xây dựng đường sá, nhưng công trình làm ngay trước nhà nên ông hay để ý. Đặc biệt, ông biết rất rõ về thổ nhưỡng vùng đất này. “Đất bùn yếu mà làm hố ga, làm cống không đóng cừ thì vài ngày là bị lún, hư ngay”, ông lão khẳng định. Vì lí do đó, khi biết biết đơn vị thi công không đóng cừ, ông cùng người dân trong vùng đã góp ý nhưng đơn vị thi công không nghe, còn chủ thầu thì gạt đi, thách thức.
Công trình thi công gian dối bị người dân phát hiện và tố cáo
 Công trình thi công gian dối bị người dân phát hiện và tố cáo
Ông lão kể, trước lời thách thức của nhà đầu tư, ông đã khảng khái lớn tiếng: “Nếu đào đường lên mà nhà thầu làm đúng thì tui chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng cách xây lại đường như cũ. Nay tui đem cược 3 công đất vườn nhãn đang cho trái để làm vật thế chấp. Nếu đường làm đúng thiết kế, công trình không bị rút ruột thì tôi sẽ bán gia tài duy nhất của tôi để đền bù, làm lại đường. Nếu đường, cống bị rút ruột, thực hiện không đúng bản vẽ thiết kế thì các anh phải xây lại đường tốt cho nhân dân chúng tôi”.
 Trước lời nói sang sảng của “Hai Lúa”, mấy vị “sếp” thuộc đơn vị chủ đầu tư chỉ biết ngồi “im re”. “Mấy ai nghĩ rằng một lão nông trình độ học tới lớp 9, không có chút kiến thức nào về xây dựng lại cả gan cược cả gia tài đáng giá tiền tỷ để đấu với một tập thể. Chúng tôi vừa được hả lòng hả dạ, vừa khâm phục ông ấy”, một người chứng kiến cho biết.
Sau cuộc họp dân với lời tuyên bố hùng hồn của ông Đức, vào đầu tháng 9/2013, chủ đầu tư và UBND phường đã phải kiểm tra 2 hố ga và một đoạn đường dài 22m. Kết quả, đúng như lời người dân tố cáo, hai hố ga và đoạn đường được thi công không đúng bản thiết kế, có dấu hiệu “rút ruột” công trình.  Sau đó, UBND phường đã yêu cầu chủ đầu tư đập bỏ làm lại từ đầu.
“Những đấu tranh của người dân chúng tôi cuối cùng cũng có kết quả. Nguyện vọng của bà con là có một công trình bền vững, phục vụ tốt cho dân. Đồng tiền của Nhà nước bỏ ra, cũng là đồng tiền thuế của người dân nghèo, thì phải được sử dụng đúng mục đích”, lão nông giọng chắc nịch.
Một người dân khác cho biết, trước đây chủ đầu tư biết người dân ít tiền nên thách thức “đào đường lên không sai thì các anh phải bỏ tiền làm lại”, nay người dân sẵn sàng đem tài sản cuối cùng ra đánh cược, rồi phát hiện ra sai phạm khiến chủ đầu tư “bẽ mặt”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gia đình ông Đức có điều kiện kinh tế không có gì là khá giả. Các thành viên trong gia đình không có công việc ổn định, ngoài tài sản duy nhất là 3 công đất trồng nhãn thì hai vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn để có thêm đồng tiền chi tiêu, nuôi con cái ăn học. Nói là vườn nhãn rộng 3 công đất nhưng thực ra nhiều cây nhãn đã già cỗi, sai quả không nhiều. Tuy vậy, đây vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu để đảm bảo cuộc sống cho gia đình ông.
“Không có vườn nhãn 3 công đất thì gia đình tôi chết đói”, ông lão nói. Vậy mà ông lại dám đem tài sản duy nhất của gia đình đi “thế chấp”, quyết chống tiêu cực đến cùng. Ông giải thích:
“Khi ấy tôi cũng nghĩ đến hậu quả, nếu công trình mà làm đúng, tôi phải bán sạch vườn nhãn thì gia đình tôi kiểu gì cũng chết đói cả nhà. Nhưng tôi không sợ, và tin chúng tôi phát hiện ra đúng tiêu cực trong công trình nên phải đi đến tận cùng sự thật”.
Chuyện nông dân dám cược đất để đấu tranh với tiêu cực khiến dư luận địa phương xôn xao, khâm phục. Hiện, người dân vẫn tiếp tục theo dõi lời hứa khắc phục chuyện làm sai của nhà thầu sẽ đi tới đâu.

Đọc thêm