Cha đốt nhà, chết bí ẩn trong trụ sở công an, con tương tàn huynh đệ

(PLO) - Cái nghèo khó bủa vây, người chồng châm lửa “đốt nhà cho đỡ khổ”, bị tạm giữ, ông treo cổ tự vẫn chết ngay trong trụ sở công an, hai đứa con cũng vì thiếu sự dạy bảo mà gây nên cảnh nối da xáo thịt.
Phải chăng vì thiếu cha từ nhỏ nên anh em bất hòa, dẫn đến cái chết của anh Hùng
Phải chăng vì thiếu cha từ nhỏ nên anh em bất hòa, dẫn đến cái chết của anh Hùng
Cha tự sát trốn “nợ đời”
Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Tâm (60 tuổi, ngụ khu phố Hải Long 1, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nằm cuối con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, đầy bụi cát. Ngôi nhà quay mặt ra sát biển, buồn bã, cô độc như chính cuộc đời góa phụ. 
Vợ chồng bà đều người xứ Nghệ, cưới nhau chỉ có mâm cơn đạm bạc ra mắt gia đình. Cuộc sống vợ chồng trẻ khổ cực, sống dựa vào vài sào ruộng mất mùa triền miên. Một năm cơn lũ ùa về cuốn nốt ngôi nhà tranh, tài sản quý giá nhất của vợ chồng. 
Kiệt quệ, họ quyết định bế đứa con nhỏ dắt díu vào miền Nam kiếm sống. Dừng chân trước bãi biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hai bàn tay trắng đi xin từng tấm ván, mái lá dựng nhà ở. Hàng ngày chồng đi đánh cá, vợ buôn bán ở chợ, chăm chỉ cũng đủ no. 
Thế nhưng thêm 5 đứa con (1 gái, 4 trai) lần lượt ra đời. Đông con, cuộc sống càng khó khăn. Làm việc “đầu tắt mặt tối” vẫn không đủ ăn, người chồng sinh chán nản tìm đến men rượu để giải sầu. Mỗi lần say, ông chửi bới vợ con, trách đời.
Một trưa hè nắng gắt năm 1994, ông uống rượu say, chửi bới, định đốt nhà để “kết thúc cuộc đời khổ cực”. 
Công an đưa ông lên trụ sở làm việc. Sau một đêm, bà nhận được tin như sét đánh ngang tai, người chồng treo cổ tự vẫn ngay trong trụ sở công an. Nơi đất khách quê người không một ai thân thích, bà ôm xác chồng lạnh gắt mà gào khóc trong vô vọng. Khi ấy đứa con trai đầu mới 14 tuổi, đứa út chưa kịp cai sữa. 
Bà Tâm buồn bã chia sẻ: “Vợ chồng không có mâu thuẫn gì nghiêm trọng. Ông ấy tự vẫn có lẽ vì cùng quẫn với cảnh nghèo khổ. Tui càng đau đớn hơn khi anh em bên chồng nghi ngờ nguyên nhân cái chết của chồng là do tui. Trước thái độ ghẻ lạnh của nhà chồng, tui chán nản vô cùng”. 
Góa phụ nói thêm: “Khám nghiệm pháp y xong, tui đưa xác chồng về thì thấy trên người có rất nhiều vết bầm tím. Tui nghi ngờ chồng chết vì một nguyên nhân khác nên đã làm đơn yêu cầu điều tra”. Nhiều lần công an xuống điều tra, vẫn một kết luận chồng bà chết do tự vẫn. 
Nhìn con quay quắt vì đói, bà gạt nước mắt dặn mình phải cố gắng nuôi con khôn lớn thành người. Nén nỗi đau, bà lao vào “cuộc chiến” sinh tồn. Người phụ nữ làm thuê đủ nghề, từ chài lưới, lượm ve chai, gánh cá đi đến tận hang cùng ngõ hẻm bán…
Bà dậy từ sáng sớm đi làm, giao đàn con lít nhít cho con trai cả chăm sóc khi mẹ vắng nhà. Tối khuya bà mới đi làm về, các con đã chìm trong giấc ngủ. Trời tối thui, bà mò mẫm đếm đủ 6 cái đầu của con mới yên tâm nằm chợp mắt. 
Chồng tự vẫn, đẩy nỗi khổ lên vai bà Tâm
 Chồng tự vẫn, đẩy nỗi khổ lên vai bà Tâm 
Góa phụ làm tất bật cả ngày vẫn không thể cho con no bụng. Con đông quá, bà mua chai nước mắm rưới cơm ăn qua ngày, thỉnh thoảng mới có con cá, miếng thịt. Những lúc buồn bã, bà chỉ biết dắt đàn con ra biển dạo chơi. Nhìn sóng biển, nỗi nhớ xen lẫn trách móc chồng lại ùa về. 
Ai cũng chỉ sống một lần. Sinh ra để sống, sao lại tự vẫn đớn hèn gục ngã trước những khó khăn thường nhật, trốn trách nhiệm nuôi con? 
Con cái “huynh đệ tương tàn”
Hơn 20 năm sau, một ngày đầu năm 2015, số phận lại “trêu ngươi” bà, phải chăng cũng vì đàn con thiếu sự chăm sóc của người cha. Nén tiếng nấc nghẹn, bà Tâm kể lại vụ án đau lòng. 
Trước đó, Mai Xuân Hùng (SN 1980, con cả bà Tâm) mở hàng nước bán cho khách du lịch ở khu vực mộ Cô (thị trấn Long Hải). Khách đông, Hùng thuê thêm một người phụ nữ tuổi trung niên về phụ giúp bán hàng. Sau nhiều lần qua quán anh trai ăn nhậu, Mai Hồng Duy (SN 1985, con trai thứ 2 của bà Tâm) thấy “gai mắt” trước thái độ có phần vô lễ của người phụ nữ này. 
Nhiều lần Duy khuyên anh trai đuổi việc thiếu phụ nhưng người anh không chịu. Thỉnh thoảng thấy anh trai ngồi nhậu vui vẻ với vợ chồng người phụ nữ, Duy tỏ ra tức giận cho rằng “anh trai thiên vị, coi người dưng quan trọng hơn người nhà”. 
Mỗi khi gặp người phụ nữ làm thuê cho anh trai, Duy đều tỏ thái độ tức tối. Nhiều lần giữa Duy và người phụ nữ này cãi lộn nhau. Đỉnh điểm, khoảng 14h ngày 10/2, Duy uống rượu say, tìm đến quán anh trai “tính sổ” người phụ nữ nhưng không gặp.
Thấy em trai “chân nam đá chân chiêu”, Hùng chạy đến đuổi em về nhà. Người em không chịu về còn cự cãi, hai anh em cãi vã nhau nảy lửa, đấm đá nhau ngay trong quán. Người anh lấy cây gậy đánh em. Duy “ba chân bốn cẳng” bỏ chạy ra hướng ngoài biển. 
Hùng đuổi theo đến một con dốc thì trượt chân ngã. Người em quay lại vung dao vào lưng anh. Nạn nhân được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, một ngày sau qua đời. 
Bà lão nhớ lại, hôm con lên công an đầu thú, cám cảm trước hoàn cảnh của góa phụ, công an hỏi mong muốn. Gạt dòng nước mắt chảy dài trên gò má, bà xin cho con trai được vào tù để trả giá cho lỗi lầm đã gây ra. Bà buồn bã:
“Trước giờ, hai anh em sống với nhau rất hòa thuận, chưa bao giờ cãi vã nhau nửa lời. Duy rất sợ anh trai nên ít lảng vảng tới quán. Chỉ vì người phụ nữ kia mà thời gian gần đây hai anh em mới mâu thuẫn, cãi vã nhau liên tục. Một phần vì rượu cộng thêm bản tính nỏng nảy, thằng Duy mới đâm chết anh nó”.
“Giờ tui không còn mặt mũi nào nhìn mọi người xung quanh. Chồng mất, tui cố gắng nuôi con để không tủi hổ với nhà nội. Thấy chúng lớn lên ngoan ngoãn, tui mừng lắm. Ai ngờ... Trên đầu hai lớp tóc còn phải nuôi đứa cháu nhỏ, nuôi đứa con sắp phải đi tù”, bà lão chua xót./.