Nấu nồi cháo đầu tiên khi tay vẫn gắn kim truyền
Lê Huy vốn là một thanh niên Hà Nội, sinh ra trong một gia đình khá giả, được bố mẹ cưng chiều. Nhưng Huy không ỷ lại, anh vẫn phấn đấu, tốt nghiệp ngành Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó học thêm ngành Quản trị kinh doanh ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Công việc đang thuận buồm xuôi gió với chức danh trưởng phòng của một hãng taxi lớn với tương lai sán lạn, Huy phải nhận “bản án tử hình” treo lơ lửng trên đầu: ung thư máu với chẩn đoán chỉ còn sống khoảng một năm.
Gia đình không tiếc tiền của mua cho Huy những loại thuốc quý nhất nhưng bệnh tình của anh ngày càng nặng hơn. Huy phải xạ trị với phác đồ mạnh trong 15 ngày khiến toàn thân cháy sạm, da bong tróc đến nỗi đứa con gái của Huy đã khóc thét lên khi nhìn thấy bố.
Cuộc sống với Huy là những chuỗi ngày tuyệt vọng. Có những lúc Huy tưởng tượng như chỉ cần dựa vào bức tường của bệnh viện, nhắm mắt lại, thở một hơi nhẹ nhàng cuối cùng là có thể tạm biệt cuộc sống trần gian…
Nhưng tình cờ, Huy chứng kiến nỗi đau của một gia đình khi đứa con gái mới 7 tuổi của họ ra đi vì bệnh ung thư máu. Cảm nhận được nỗi đau của những người thân, Huy cố gắng gượng từng chút một, hàng ngày chống nạng tập đi, đấu tranh để chiến thắng bệnh tật.
Huy tâm sự: "Cứ ngỡ cuộc sống của mình khổ nhất ai ngờ có người khác còn khổ hơn. Đó là khi tôi bắt gặp ánh mắt thất vọng của chị ở giường bên cạnh khi mang chiếc cặp lồng về không. Chị ấy bảo xếp hàng đi lấy cháo nhưng đến đúng lượt chị thì hết khiến tôi day dứt, muốn làm được một điều gì đó cho những bệnh nhân nghèo khổ đến từ các địa phương cách xa Hà Nội cả trăm cây số".
|
Huy phát cháo cho bệnh nhân nghèo. |
Nghĩ là làm, Huy tự tay dứt bỏ những kim truyền trên bàn tay mình, bắt xe ôm về nhà (nhà Huy ở Yết Kiêu, cách Bệnh viện K chỉ khoảng 1-2 cây số) và bắt tay ngay vào việc nấu một nồi cháo cho những bệnh nhân nghèo tại viện mình đang điều trị. Thấy con trai về nhà, bố mẹ Huy bắt anh quay trở lại viện điều trị.
Thay vì nghe lời cha mẹ, Huy vào bếp vo gạo, tìm những thứ có thể được ở trong nhà để nấu nồi cháo đầu tiên. Can ngăn con không được, bố mẹ Huy lại xắn tay vào giúp cậu con trai ốm yếu, bệnh tật của mình. Nấu xong, Huy mượn chiếc xe máy của bố, tự chở thùng cháo đến bệnh viện và bắt đầu những chuỗi ngày mặc kệ bệnh tật, chia sẻ với từng bệnh nhân những bát cháo nóng hổi của mình.
“Ngọn nến leo lét” vẫn bừng sáng…
Một mình Huy làm được vài ngày thì bạn bè Huy nhập cuộc. Mỗi nồi cháo có giá khoảng 500.000 đồng, với tổng cộng gạo, thịt, bí đỏ, ngô… chừng hơn 10kg. Ban đầu, sức lực ít, người làm cũng ít, Huy chỉ có thể phục vụ cho bệnh nhân tại Bệnh viện K ở phố Quán Sứ (Hà Nội).
Huy tâm sự: “Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình quá liều. Sức yếu, đi không vững mà dám chở nguyên một thùng cháo từ Viện K Quán Sứ đến Viện K Tân Triều”. Có những buổi trưa nắng như đổ lửa nhưng Huy vẫn cố gắng vượt quãng đường hơn 10km để kịp cho các bệnh nhân ăn cháo vào khoảng 14-15h. Huy bảo, vì cũng là bệnh nhân ung thư nên Huy biết với người bệnh, tốt nhất là ăn ít một và ăn nhiều bữa nên Huy phải cố gắng duy trì bữa phụ đầu giờ chiều, góp thêm ít sức lực để người bệnh chống chọi với bệnh tật.
|
Lê Huy và chiếc xe máy thứ hai dùng để chở cháo đến bệnh viện. |
“Hữu xạ tự nhiên hương”, mọi người, bạn bè xa gần, các mạnh thường quân hiểu được tấm lòng của Huy nên cộng tác cùng Huy ngày càng nhiều. Lịch nấu cháo tăng lên, suất ăn dành cho bệnh nhân mỗi ngày cũng tăng. Hiện giờ nhóm cháo của Huy đã có khoảng 600 thành viên, trong đó có khoảng 60 thành viên thường trực. Mỗi ngày 3-4 nồi cháo, riêng chủ nhật lên tới 7 nồi (nấu bằng nồi khoảng hơn 100 lít). Không chỉ đứng ở sân bệnh viện chờ bệnh nhân đến xếp hàng lấy cháo, Huy còn chủ động nhắc nhở các bạn nam bê thùng cháo lên tầng 3, tầng 4 bệnh viện để mang cháo đến cho những bệnh nhân nặng.
Huy bảo sẽ luôn cố gắng để có mặt ở tất cả các điểm phát cháo. Có những hôm Huy tự điều chỉnh tốc độ truyền nhanh hơn để anh kịp có mặt, múc những bát cháo còn nóng hổi trao cho mỗi bệnh nhân kèm theo những lời hỏi thăm, động viên tinh thần. Những mảnh đời khốn khổ mà Huy gặp trên chặng đường thiện nguyện càng thúc đẩy Huy phải cố gắng mỗi ngày, phải làm sao để Huy có thể giúp được cho càng nhiều người càng tốt. Vì thế, dù có bị sốt Huy cũng vẫn yêu cầu vợ chở mình đến địa điểm nấu cháo, để “nêm” thêm tấm lòng của mình vào từng bát cháo, gửi đến mỗi bệnh nhân.
Có những lần tự mình chở nồi cháo đến bệnh viện, Huy đã phải lên tiếng cầu mong “Nếu có chuyện gì xảy ra với con, mong trời phật thương tình, hãy để chuyện xấu xảy ra trên đường về”. Đến nay, chiếc xe máy Huy mượn của bố chở cháo đã sây sát hết cả, giờ lại đến lượt chiếc xe máy thứ hai cùng Huy thực hiện sứ mệnh mang cháo cho bệnh nhân nghèo.
Huy tâm sự: “Bước ngoặt bệnh tật quá lớn của cuộc đời khiến tôi thức tỉnh. Trước đây tôi chỉ mải miết hưởng thụ, tối nào cũng về nhà sau 9h vì bận ăn nhậu cùng bạn bè. Bây giờ suy nghĩ khác, quan niệm khác, yêu thương cuộc sống và những con người mình đã gặp nhiều hơn”.
Huy bảo, ngay cả trong lần nấu nồi cháo đầu tiên, Huy cũng đã suy nghĩ rằng, cuộc đời ai rồi cũng sẽ phải chết, nên cố gắng vụt sáng một lần rồi tắt cũng không sao. Do vậy, dù sức khỏe không cho phép, Huy cũng vẫn cứ bắt tay vào cuộc. Chỉ có điều anh không ngờ là nhóm cháo do anh khởi xướng, thành lập lại lớn mạnh đến thế.
Bây giờ, Đội cháo Từ Tế đã hoạt động ổn định với một lịch nấu cháo không suy chuyển một ngày nào, bất kể khi đó trời giông gió, mưa bão hay cái lạnh tái tê của Hà Nội tìm đến từng bàn tay, bàn chân của mỗi người. “Ngọn nến leo lét” (Huy vẫn gọi cuộc sống mình như vậy – PV) Lê Huy cảm thấy yên lòng hơn vì anh đã thắp sáng được nhiều ngọn nến khác, cùng chung tay với mình trong sứ mệnh thiện nguyện.
Nhìn Huy run run cùng các bạn, các anh chị, cô bác trong nhóm, mỗi người một chiếc xe máy, trở về nhà sau một buổi phát cháo mà cảm giác như tất cả những tấm lòng thiện nguyện đang cùng dõi theo và kỳ vọng vào sức sống của Lê Huy, để Huy sẽ bằng ngọn lửa của mình, thắp lên hy vọng sống cho nhiều cuộc đời xung quanh./.