Theo Courtnie Erickson, một cây viết trên Familyshare, khi còn hẹn hò và yêu đương, dường như người yêu không làm điều gì mà bạn thấy là sai. Bạn yêu thích những điều kỳ quặc họ làm và không để tâm đến chuyện tất bẩn vứt rải rác ở trong nhà hoặc bát đĩa bẩn chất đống trong bồn rửa bát. Nhưng khi đã góp gạo thổi cơm chung, sự khác biệt giữa hai người trở nên rõ ràng. Người ấy nhanh chóng trở thành một nhân tố gây phiền toái và có thể dễ dàng làm hỏng tâm trạng của bạn.
Countnie Erickson viết: Khi tôi và chồng còn hẹn hò, tôi biết anh rất thích mua bánh ngọt. Tôi chỉ không nhận ra anh chi bao nhiêu vào đó cho đến khi chúng tôi kết hợp chung tài khoản ngân hàng với nhau. Trong suy nghĩ của chồng, tiền cho đồ ăn vặt hàng ngày cũng quan trọng như tiền thanh toán cho chiếc xe mua trả góp của mình. Đối với tôi, tiền bạc không phải dành cho ăn vặt mà nên tiết kiệm hoặc dùng để thanh toán những món đã mua trả góp.
Chúng tôi chắc chắn đã không đồng quan điểm và đây không phải là sự thỏa hiệp duy nhất chúng tôi đã phải làm. Dưới đây là 5 cách đã giúp tôi chấp nhận sự khác biệt của chồng, và tôi hy vọng có thể giúp các bạn phần nào.
Ảnh minh họa: true-love.in
|
1. Giao tiếp như là một người bạn, không phải là một phụ huynh.
Khi đã kết hôn, người ta thường có thói quen nói chuyện với người bạn đời như với con của mình. Cách nói chuyện này dễ tạo căng thẳng và mâu thuẫn. Khi giao tiếp với người bạn đời, nên nói chuyện với người ấy như một người bạn. Đừng nói những sai sót của người ấy mà hãy giải thích mọi thứ một cách tôn trọng. Ngoài ra, hãy chú ý đến giọng điệu của bạn. Chúng ta thường có xu hướng sử dụng một chất giọng quyền uy khi nói một người khác phải làm gì. Hãy thận trọng về cách bạn nêu vấn đề và thảo luận hướng giải quyết với người bạn đời.
2. Nhìn vào quan điểm của người bạn đời
Khi giữa hai người nảy sinh sự khác biệt, hãy ngồi lại với nhau và xem xét. Tìm hiểu tại sao người ấy lại làm những việc đó trước khi thảo luận với bạn. Tôi tiếc là đã không dành thời gian để xem tại sao chồng nghĩ rằng việc dành tiền cho những chiếc bánh hình thú là cần thiết. Nhưng bây giờ, sau khi đã giải quyết rất nhiều bất đồng, tôi nhận ra rằng những món ăn vặt đó đã giúp chồng mình gắn bó với gia đình hơn. Đối với anh ấy, đó là những gì rất quen thuộc và tôi nhận ra tôi không nên tước bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của anh ấy.
3. Sử dụng thế mạnh của người bạn đời để cải thiện điểm yếu của bạn
Mỗi người chúng ta có những điểm mạnh và điểm yếu. Chúng làm cho chúng ta trở thành độc đáo và mang lại rất nhiều sự khác biệt trong một gia đình. Thay vì bất đồng về những khác biệt này, hãy biến chúng thành điểm mạnh.
Ví dụ, khi chồng và tôi không đồng ý về tiền cho bánh ngọt, những khoản mua sắm vô tội vạ của anh ấy hay nỗi ám ảnh về tiết kiệm của tôi, chúng tôi nhận thấy đây đều là những điểm yếu và cần phải đưa về mức trung bình. Chúng tôi ngồi xuống và lập ra một ngân sách chung để cả hai có thể chi tiêu hàng tháng vào bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Chồng tôi sử dụng nó để mua đồ ăn vặt còn tôi thì mua các mặt hàng lớn hơn như quần áo hay giày dép. Chúng tôi đã biến một điểm yếu trong hôn nhân của mình thành một sức mạnh lớn hơn.
4. Tha thứ và bỏ qua
Bạn không nên để cho những khác biệt nhỏ chồng chất lên nhau rồi bực mình. Bạn cần để cho mọi thứ trôi qua. Nếu bạn đã cả chục lần nhắc nhở người bạn đời không vứt tất lung tung khắp nhà mà anh ấy vẫn quên thì có lẽ bạn cũng không nên để việc này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Hôn nhân cũng có nghĩa là tha thứ và bỏ qua. Người bạn đời của bạn không phải là hoàn hảo và chính bạn cũng không hoàn toàn hoàn hảo.
5. Kêu gọi sự giúp đỡ
Đôi khi, những bất đồng lớn xuất hiện. Những bất đồng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc hôn nhân, thậm chí đe dọa phá hỏng hôn nhân. Hôn nhân cũng có nghĩa là đi tìm một sự thỏa hiệp và có thể bạn sẽ cần được giúp đỡ. Hãy tạo một thói quen cầu nguyện cho người bạn đời của bạn, hãy tập chấp nhận những điểm khác biệt của nhau, tập yêu những điểm mạnh điểm yếu của nhau. Bạn sẽ có thêm sức mạnh và vượt qua được những sự khác biệt dù chúng lớn thế nào.