“Chén đắng” cà phê Buôn Ma Thuột

 Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký và đã được cơ quan sở hữu trí tuệ nước này đã cấp phép quyền sở hữu trong thời hạn 10 năm. Vụ việc chỉ được phát hiển bởi Công ty luật Bross & Partners. Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Quang Vinh – Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ công ty này đánh giá, sự quan tâm và bảo vệ các thương hiệu của Việt Nam thời gian qua rất mờ nhạt... 
Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký và đã được cơ quan sở hữu trí tuệ nước này đã cấp phép quyền sở hữu trong thời hạn 10 năm. Vụ việc chỉ được phát hiển bởi Công ty luật Bross & Partners. Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Quang Vinh – Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ công ty này đánh giá, sự quan tâm và bảo vệ các thương hiệu của Việt Nam thời gian qua rất mờ nhạt. 

Ảnh minh họa

Ông Vinh cho rằng, việc thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề các thương hiệu Vinataba, Vifon bị xâm phạm ở nước ngoài. Thương hiệu  doanh nghiệp (DN) bị vi phạm quyền ở nước ngoài chỉ gói gọn trong phạm vi của một DN, còn trong trường hợp thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, hay các chỉ dẫn địa lý giống như vậy, lại mang một nội dung khác, bởi đó là thương hiệu của một quốc gia, thương hiệu tập thể của vùng, miền. Cà phê Buôn Ma Thuột, ngoài một thương hiệu nổi tiếng kèm với chỉ dẫn địa lý ở Buôn Ma Thuột còn mang một ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, về một thủ phủ cà phê có chất lương cao.

Tức là ngoài câu chuyện ý nghĩa về kinh tế, trong đó còn hàm chứa giá trị văn hóa, tinh thần, ý nghĩa lịch sử và truyền thống của một vùng miền ở Việt Nam, thưa ông?

- Lịch sử Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước và đến nay vẫn là nước nông nghiệp. Khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu  Việt Nam đang sở hữu một lợi thế cạnh tranh rất lớn là hàng nông sản. Trong đó có các mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, ca cao, điều, cao su… đứng nhất nhì trên thế giới về sản lượng xuất khẩu. Bên cạnh các sản phẩm nông sản lại gắn với những thương hiệu địa lý nổi tiếng, như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, chè Thái Nguyên, bưởi Phúc Trạch hay cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Trung Nguyên… Lịch sử hình thành của các thương hiệu vùng miền cũng gắn với những điều đặc biệt về thổ nhưỡng, về tự nhiên và con người ở vùng miền đó. Tạo ra một sản phẩm khác biệt, có chất lượng đặc thù so với các sản phẩm ở các vùng miền khác. Chính vì thế, các thương hiệu vùng miền thường mang giá trị về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế… các giá trị kết hợp và không thể nơi nào có được.

Khi Bross & Partners phát hiện ra sự việc và thông báo cho cơ quan chức năng liên quan, việc giải quyết hiện nay ra sao thưa ông?

 
- Sự việc đem lại điều bất ngờ đối với nhiều người bởi không ai nghĩ rằng một chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia của Việt Nam lại bị một  DN Trung Quốc đăng ký sở hữu trí tuệ và được cấp bảo hộ tại Trung Quốc. Các thông báo đã được kịp thời gửi tới cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc trong đó có Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Xúc tiến thương mại và Hiệp hội Cà phê Đắc Lắc.
Các cơ quan chức năng và Bross & Partners ban đầu đã kiểm chứng thông tin, tìm kiếm  DN đăng ký thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đó là ai, ở đâu, họ đăng ký sản phẩm như thế nào, phạm vi bảo hộ ra sao. Được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác ở Trung Quốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện được Công ty TNHH Cà phê Quảng Châu Buôn Ma Thuột - thuộc TP. Quảng Châu – Trung Quốc đăng ký sở hữu.
Sau khi nghiên cứu có thể khẳng định rằng, chúng ta có cơ sở pháp lý đầy đủ để có thể tiến hành việc khiếu kiện để đòi lại. Việc này nếu tiến hành có thể diễn ra tại Trung Quốc, theo luật của họ.  Nếu mọi việc tiến hành thuận lợi , chắc chắn cũng phải mất từ 2-3 năm chúng ta mới có thể hoàn thiện việc lấy lại thương hiệu đó từ DN Trung Quốc.

Chúng ta có thể sử dụng các nhân tố ưu tiên để xem xét và kiến nghị phán quyết hay không khi thực tế,  thương hiệu đó có nguồn gốc tại Việt Nam và sự đứng tên sở hữu của DN nước ngoài rõ ràng là hành vi lợi dụng?

- Đây là một mấu chốt của vấn đề pháp lý để đánh giá khiếu kiện có thành công hay không. Qua nghiên cứu pháp luật của Trung Quốc, khi một nhãn hiệu mang tên địa danh nước ngoài đã được biết đến rộng rãi tại Trung Quốc thì thương hiệu dó không được phép đăng ký và sử dụng. Hoặc ở nước Mỹ cũng có quy định, một nhãn hiệu không được sử dụng khi nó gây ra nhầm lẫn về nguồn gốc thực sự của nó.

Cụ thể như Buôn Mê Thuột là một địa danh của Việt Nam, nếu một DN Việt Nam hay tổ chức nào của Việt Nam đăng ký thì điều đó sẽ được chấp thuận. Nhưng khi một tổ chức và một DN khác lại ở Mỹ đăng ký tên đó, chắc chắn bị coi là lừa dối công chúng và không minh bạch. Kể cả các nước ở EU, Australia cũng có các quy định như vậy và việc đòi lại thương hiệu cũng được xem xét và sử dụng các yếu tố quy định như vậy.

Xin cảm ơn ông.

Hồng Anh (thực hiện)

Đọc thêm