“Chị Hóa nội tiết”!

(PLO) -Hẹn hò mãi rồi chị cũng cho tôi gặp vào một ngày cận Tết Nguyên đán, sau khi đã giải quyết cho gần hết số bệnh nhân nặng ra viện về quê đón Tết. Và giữa cái lạnh tê tái của mùa đông, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm nồng nàn tỏa ra từ chính con người cùng tấm chân tình của một “từ mẫu”.
Đứng mũi chịu sào 
Người mà tôi muốn nói tới là TS.BS Trần Thị Thanh Hóa (SN 1962, quê Đức Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh), Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Tuy sinh ra trong một gia đình có truyền thống về ngành y nhưng như bao BS khác, chị Hóa đến với nghiệp cứu người cũng bởi hai chữ duyên nghề. 
Thời bấy giờ, ngành được nhiều người chọn nhất là thương nghiệp, nhưng vì học giỏi môn Sinh nên cô trò nhỏ  Trần Thị Thanh Hóa đã thi vào Trường Đại học Y Hà Nội với chuyên ngành Nội Nhi.
Khác với những chuyên ngành khác, ngay từ năm thứ ba đại học, cô nữ sinh gốc miền Trung đã phải nếm trải những đêm dài thức trắng trong bệnh viện để hỗ trợ các bác sĩ, y tá cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Để rồi sau những lần chứng kiến, phục vụ những ca chấn thương máu me bê bết và thực hành trên những thi thể sắp đến thời kỳ phân hủy, Hóa sợ đến mức không dám ăn uống gì.
Nhưng rồi, vượt qua thời kỳ đầu đầy gian khổ, sợ hãi đó, cô lại thấy thích thú với chuyên ngành, công việc mà mình đã lựa chọn với một lý do rất giản đơn: “Đó là môi trường có thể giúp đỡ được nhiều người nhất!”.
Sau tốt nghiệp, BS Hóa được cử đến công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Với kiến thức vững vàng đã học trong trường, cùng với bề dày kinh nghiệm đã tích lũy, đúc kết và học hỏi trong quá trình thực tập tại các bệnh viện lớn, BS Hóa đã không ngại khó, ngại khổ đồng hành cùng bệnh nhân và các đồng nghiệp của mình trong sự nghiệp cứu người. 
Từ một BS hoạt động ở phòng khám cho đến BS điều trị ở phòng bệnh, giờ là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, kiêm Trưởng Khoa Cấp cứu, TS.BS Trần Thị Thanh Hóa luôn đứng mũi chịu sào, giải quyết suôn sẻ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình….
Những năm về trước, như các cơ sở y tế lớn khác, Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một trong số các cơ sở y tế quá tải trầm trọng và tương đối phức tạp về mọi mặt. Từ ngày đảm nhận vai trò lãnh đạo, BS Hóa đã đặt ra vấn đề tổ chức lại bộ máy hoạt động bằng cách cải cách khu khám chữa bệnh và thiết lập lại kỷ cương trong công tác khám chữa bệnh.
Ví dụ như tăng kíp khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, bổ sung nhân sự, bố trí khoa khám chữa bệnh một cách hợp lý, đặc biệt là thống nhất đưa quy trình trả kết quả xét nghiệm sớm, trả xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh tập trung… Việc làm này nhằm đáp ứng tốt nhất sự hài lòng cho người bệnh, đồng thời góp phần rất lớn trong việc giảm tải bệnh viện. 
Bác sĩ Hóa luôn đối xử ân cần với bệnh nhân 
Bên cạnh đó, BS Hóa cũng chỉ đạo các cán bộ nhân viên phải cập nhật hàng tuần các thông tin thuốc gửi các khoa, phòng, đồng thời phối hợp với các khoa lâm sàng khi có tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra để báo cáo Trung tâm ADR quốc gia kiểm tra việc kê đơn thuốc của BS xem chỉ định có hợp lý, hiệu quả không nhằm đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân. 
Hết lòng vì người bệnh nghèo
Để lập lại kỷ cương trong bệnh cũng như phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân, mọi kỷ luật lao động đối với công chức, viên chức, cán bộ trong bệnh viện được chị Hóa siết chặt. Đặc biệt, chị tập trung vào khâu tuyên truyền, giáo dục cho nhân viên y tế về đạo đức nghề nghiệp và thái độ ứng xử đúng mực đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân, trên tinh thần người bệnh là trung tâm, hết lòng phục vụ người bệnh nghèo. 
Trong bất cứ tình huống nào, chị luôn sẵn lòng chia sẻ với người bệnh, nhất là người bệnh trọng và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, sai sót chưa bao giờ xảy ra trong kíp trực của chị.
Hơn thế nữa, với vai trò của một lãnh đạo bệnh viện, mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng kể cả không phải kíp trực của mình, bất kể đêm  hay ngày, nếu có bệnh nhân cần giúp đỡ, BS Hóa đều sẵn sàng giúp đỡ, chỉ bảo cho các đồng nghiệp những kiến thức mà chị đã tích lũy được trong quá trình hoạt động chuyên môn. Bởi theo chị, cầm tay chỉ việc chính là cách tốt nhất đào tạo, truyền đạt cho các đồng nghiệp và học trò của mình.
Chính vì lẽ đó, trong nhiều năm qua, Khoa Cấp cứu do chị phụ trách đã cấp cứu và xử trí thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, góp phần cứu sống cho hàng vạn bệnh nhân. Trong đó phải kể đến trường hợp của bệnh nhân Thắng, 56 tuổi, người dân tộc Mường từ Bệnh viện Phù Yên, Sơn La chuyển về trong tình trạng hôn mê tăng áp lực thẩm thấu liệt hai chi dưới có natri máu tăng cao. 
Đây là bệnh nhân nặng, hiếm gặp, tỷ lệ tử vong cao, nhưng với tinh thần trách nhiệm và bề dày kinh nghiệm vững vàng, chị đã chỉ đạo kíp trực cấp cứu thành công ca bệnh, đem lại niềm hy vọng rất lớn cho gia đình họ và các ca bệnh tương tự. 
Đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, BS Hóa còn hỗ trợ họ cả tiền ăn trong những ngày điều trị tại bệnh viện. Cụ thể là trường hợp của một bệnh nhân nặng ở Nghệ An. Biết được hoàn cảnh éo le của bệnh nhân bệnh nặng phải điều trị dài ngày nhưng không có tiền để ở lại bệnh viện trị bệnh, chị đã vận động anh chị em trong khoa quyên góp tiền cho  cho bệnh nhân ăn ở đến khi điều trị khỏi bệnh. 
Không chỉ giúp đỡ trực tiếp tại viện, thông qua các phương tiện truyền thông, chị Hóa còn cứu trợ cho rất nhiều cảnh ngộ, gia đình khó khăn…cảnh ngộ, gia đình khó khăn…/.
“Luôn trân trọng công việc của mình!”
Đó là tâm sự của BS. Hoá về công việc đặc thù, cao quý nhưng cũng vô vàn khó khăn và thách thức này. Vì thế, đã từng có cô giáo người miền núi vất vả vượt hàng trăm cây số, từ xã lên huyện chỉ để được “gặp bằng được BS. Hóa khám bệnh và nói lời cám ơn vì đã điều trị khỏi bệnh cho mình”. Tất cả những điều đó là lý do khiến BS. Hóa không bao giờ nghĩ đến rời bỏ vị trí và công việc hiện tại của mình. 
Dưới sự lãnh đạo của TS.BS Trần Thị Thanh Hóa, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể xuất sắc toàn diện; đơn vị nghiên cứu khoa học đầu tàu của bệnh viện… 
Bản thân BS. Hóa cũng liên tục được bình chọn là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và cấp ngành, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế./.

Đọc thêm