Chỉ kêu gọi là chưa đủ

(PLVN) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035 với tổng vốn 350.000 tỷ đồng giai đoạn 2025 - 2035.
Ảnh minh họa.

Trước tiên, chúng ta cần phải khẳng định, chấn hưng văn hóa là điều nhất thiết phải làm. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định văn hóa là trụ cột, nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Kết luận số 42 về kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 của Trung ương cũng yêu cầu triển khai Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa. Năm 2022, Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, trình cấp thẩm quyền xem xét.

Vấn đề dư luận quan tâm, là Ban soạn thảo tính toán thế nào để ra mức kinh phí dự kiến là 350.000 tỷ đồng? Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cho rằng, thời gian qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho văn hóa vừa quá ít, vừa manh mún, phân tán nên mọi hoạt động đều gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Giai đoạn 2017 - 2021, đầu tư cho văn hóa chưa đến 1% tổng chi ngân sách. Nhiều mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 chưa đạt được. Vì vậy, đầu tư nguồn lực dài hạn để chấn hưng, phát triển văn hóa là cần thiết, cấp bách.

Bộ VH,TT&DL dự kiến giai đoạn đầu (đến 2030) cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 27.500 tỷ đồng); vốn địa phương 36.000 tỷ đồng; nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau.

Theo Bộ VH,TT&DL, Chương trình mục tiêu quốc gia có 10 nội dung thành phần. Đó là: Phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy văn học, nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Bộ VH,TT&DL cho rằng tính toán sẽ dành nguồn lực để xây dựng các mô hình văn hóa cho người dân, nhất là vùng sâu, đồng bào dân tộc. Hàng loạt các vấn đề văn hóa cũng đang cần nguồn lực để giải quyết, như các chương trình bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; sáng tạo tác phẩm.

Cũng theo Bộ này, Việt Nam hiện nay hầu như vắng bóng tác phẩm tầm khu vực và thế giới. Ngành Văn hóa mong muốn đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa. Nội dung này cần nguồn lực lớn, đầu tư nhiều năm chứ không đơn giản là tổ chức cho văn nghệ sĩ những chuyến thực tế hay trại viết trong vài tuần, vài tháng.

Nhiều ý kiến cho rằng với những cơ sở để tính toán như trên, là chưa đủ. Chấn hưng văn hóa, không chỉ đơn giản với các giải pháp như nêu trên, không chỉ bằng tiền là có thể đủ. Đơn cử, cần dẹp “rác” internet và mạng xã hội, cần xử lý nghiêm những đối tượng “giang hồ mạng”… là những yếu tố nguồn cơn đã và đang đầu độc rất nhiều người trẻ. Chấn hưng văn hóa vì vậy nói cách khác không chỉ ngành Văn hóa kêu gọi là hiệu quả, mà cần những giải pháp, biện pháp của nhiều Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, của toàn dân.