1001 lý do
Từ bao lâu nay, sự “chênh lệch” về điều kiện gia đình và bản thân đã trở thành rào cản lớn nhất trong việc phản đối giữa những đôi lứa yêu nhau. Vấn đề “môn đăng hộ đối”, thiếu cân xứng vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh.
Là một cô gái xinh xắn, học giỏi, Hằng (trường ĐH Lao động và xã hội) đã có một mối tình đẹp với Thanh (23 tuổi, tốt nghiệp từ một trường trung cấp nghề) từ khoảng thời gian cuối cấp 3.
Biết được chuyện tình này, gia đình Hằng đã ra sức ngăn cấm. Sự phản đối ấy, thậm chí, đã nâng lên đến đỉnh điểm với những lời đe dọa “đuổi ra khỏi nhà và từ con”, khiến cô bạn hết sức đau khổ và khó xử.
Hằng chia sẻ: “Ngỡ rằng việc phải lựa chọn bên tình – bên hiếu chỉ xảy ra trong phim nhưng không ngờ, tình cảm của mình đã bị người thân bắt phải lựa chọn sống – còn như thế. Suốt thời gian qua, sự áp lực ấy khiến mình cảm thấy thật mệt mỏi, nặng nề”.
Không chỉ chê bai sự thua thiệt về bằng cấp, năng lực của người yêu, Hằng còn phải nghe lời rất nhiều sự can gián, chỉ trích, mắng chửi từ gia đình. Cùng quê nên mỗi dịp nghỉ lễ về nhà, hai người đều phải lén lút liên lạc, đi chơi.
Mặc dù có ngoại hình khá trẻ trung, tươi tắn nhưng việc hơn bạn trai 3 tuổi, L (22 tuổi, cựu SV trường ĐH Công đoàn) cũng không được gia đình người yêu chấp thuận.
Ban đầu bạn trai M phản ứng trước sự ngăn cản của gia đình khá gay gắt, tiêu cực nhưng càng làm vậy, gia đình cậu càng có ác cảm với M hơn với lý do: “Nó xui con mình làm thế”.
Lo lắng cho tương lai con cháu mình thiệt thòi, chịu khổ vì thiếu hòa hợp về tính cách, bố mẹ của Tuấn (trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội) đã ra sức ngăn cản chuyện tình với bạn gái. Tuấn là một người hiền lành, trong khi người yêu cậu lại hoàn toàn tương phản: nóng tính, có thói quen “quản giáo” và “quát nạt” bạn trai.
Còn đối với Hồng (trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội), mặc dù đã là sinh viên đại học nhưng bố mẹ vẫn không cho phép cô bạn được yêu sớm để tập trung vào học hành.
“Bố mẹ mình rất khéo léo, không quát tháo ầm ĩ mà thuyết phục nhẹ nhàng con bằng những lý do: sợ chểnh mảng, bỏ bê việc học. Bên cạnh đó, vì lý do còn trẻ dại, bố mẹ cũng lo mình dễ tổn thương, đau buồn khi chưa đủ trưởng thành, chín chắn để đối mặt, giải quyết những rắc rối trong chuyện tình cảm”, Hồng bày tỏ.
Chiến thuật mềm dẻo, mưa dầm thấm lâu
Chứng minh bản thân, khẳng định tình yêu một cách khéo léo với chiến thuật mềm dẻo là những giải pháp thông minh nhiều cặp đôi đã vận dụng để bảo vệ tình yêu của mình trước sự phản đối của gia đình.
Thanh cho biết: “Mình biết, bố mẹ nào cũng thương và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đối với con mình nên luôn tôn trọng, cư xử đúng mực với hai bác, cho dù từng nghe lời nói nặng nề. Mình đã rất nỗ lực để xứng đáng hơn trong mắt những người xung quanh và phụ huynh người yêu. Không chỉ cố gắng học liên thông, mình còn chăm chỉ làm việc để có được thu nhập khá”.
Bên cạnh đó, Thanh cũng thể hiện tình cảm của mình đối với người yêu để phụ huynh cảm nhận sự chân thành, toàn tâm toàn ý. Kiên trì một thời gian, Thanh đã thuyết phục thành công.
Áp lực của L (cựu sv trường ĐH Công đoàn) khá lớn khi giờ đây càng phải luôn chau chuốt sao cho trẻ trung hơn người yêu. Sự thấu hiểu, thông cảm và biết chăm lo cuộc sống là ưu điểm của bản thân cũng được T khéo léo thể hiện trước mặt gia đình bạn trai.
“Từng rất lo lắng và buồn trước định kiến về tuổi tác ấy nhưng vì tình yêu, tương lai hai đứa, mình đã tìm cách để hoàn thiện bản thân. Nhưng thể hiện sự trẻ trung ấy cũng phải vừa mức, không được quá lố. Một khi trở thành bảo mẫu thứ hai, chưa cần đến sự phản đối của phụ huynh, tình yêu của hai đứa cũng đã tan vỡ rồi”, L thổ lộ.
Còn người yêu Tuấn, sau khi hiểu được nguyên nhân của sự phản đối ấy, đã thay đổi bản thân từng chút một, đồng thời chứng minh sự hòa hợp của hai người trước phụ huynh.
Tuấn chia sẻ: “Ban đầu, vì tự ái, cô ấy đã gạt hết lời nhận xét đó. Nhưng khi hỏi ý kiến từ bạn bè xung quanh và suy nghĩ kỹ lưỡng, cô ấy đã hiểu ra rằng sự thay đổi đó là phù hợp, đúng đắn.
Bố mẹ mình cho rằng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” nên đã không tin tưởng bạn gái của con sẽ làm được. Tuy nhiên, sau một thời gian, với những gì cô ấy thể hiện, họ đã rất hài lòng”.
Trường hợp của Hồng (trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) dường như “dễ thở” hơn khi thuyết phục người lớn bằng kết quả học tập – 3 kỳ liên tiếp có điểm số cao và sự trưởng thành, chín chắn của mình.
“Cũng không hoàn toàn dễ dàng để làm được điều đó vì mình đã phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để có thành tích học tập vượt trội hơn hẳn so với trước, đồng thời luôn phải giữ vững “phong độ”. Tuy nhiên, sự vất vả đó hoàn toàn xứng đáng”, Hồng bộc bạch.