Khi người trẻ cô đơn thời mạng xã hội

(PLO) - Nữ sinh tự tử, giết người yêu rồi tự tử, thiếu phụ ôm con tự tử, cho tiền mọi người rồi tự tử… Những thông tin đau lòng này đang hiện diện hàng ngày mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự cô đơn trong cuộc sống.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Tự thiêu vì bị… cấm yêu
Mới đây, chiều 11/9, một cô bé 13 tuổi bị cha la mắng do đi chơi về khuya đã ấm ức mua xăng về tự thiêu để “trả thù” cha mẹ. Mặc dù được phát hiện cấp cứu ngay nhưng cô bé đã tử vong sau 2 ngày nhập viện do vết bỏng quá nặng.
Vào khoảng 3h chiều 7/8, tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP.Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ một nam học sinh tưới xăng vào người rồi châm lửa tự thiêu ngay trong dãy nhà học. Vụ tự thiêu đã khiến nam sinh lớp 11A1 của trường bị bỏng nặng, phải đưa đi Hà Nội cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân khiến nam sinh mua xăng đưa vào trường rồi tự tử là do bị cấm đoán trong chuyện tình cảm.
Trước đó, ngày 25/4, cộng đồng bàng hoàng khi hay tin một cô gái trẻ ở TP.Hồ Chí Minh nhảy cầu Tân Thuận tự tử sau khi cãi nhau với bạn trai. Cô gái sở hữu ngoại hình xinh xắn, chủ một cửa hàng làm đẹp. Một ngày trước đó, cô đăng dòng status đầy ẩn ý: “Em xin lỗi anh... Con xin lỗi mẹ... Xin lỗi các bạn”.
Tối 27/4, nữ sinh học lớp 11 tại Thanh Hóa tự sát khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nguyên nhân dẫn đến hành động này là do nữ sinh cãi nhau với người yêu và bức xúc chuyện gia đình.
Giết người yêu rồi… tự sát
Mới đây, vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 12h15 trưa 23/9 tại khu Nhân Mỹ (xã Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nạn nhân được xác định là Đặng Thị Xuân Thương (SN 1995, quê ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), đang là sinh viên. Đối tượng gây án là Phan Văn Điệp (SN 1989, cùng quê với Thương). Hai người đã có tình cảm từ lâu, do mâu thuẫn trong chuyện yêu đương nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. 
Thương tử vong trên đường đi bệnh viện, còn Điệp may mắn qua cơn nguy kịch. Được biết, gia đình nạn nhân có 4 anh chị em, Thương là chị cả, bố mẹ lại đi làm trên  Điện Biên nên cô đã sớm tự lập. Là một cô gái sống nội tâm nên Thương rất ít giao tiếp với mọi người, đặc biệt là các bạn khác giới.
Theo thạc sĩ Tâm lý học Ngô Toàn, trong sự việc kết liễu sinh mạng bạn gái có thể phân loại thành “ghen tuông bệnh lý” và “sự chiếm hữu”. Lấy mạng một người, nhất là người mình thương yêu (cha mẹ, con cái, vợ chồng, người yêu...) luôn là hiện tượng gây sốc vì phạm phải điều cấm kỵ cả về mặt đạo đức lẫn văn hóa trong xã hội. Trong tất cả các trường hợp, thường có nhiều hơn một lý do dẫn đến những nguy cơ khiến ai đó có hành động sát hại người mình yêu thương. Hành động ấy sẽ xảy ra nếu hội tụ đầy đủ một vài nguyên nhân đặc thù. 
Điều đáng lưu tâm nhất ở đây là quan điểm về tình yêu. Với một số người, yêu chính là việc mở rộng cái “tôi” của chính bản thân người đó, lấy những điều tốt đẹp nhất của mình trao cho người mình yêu. Với họ, người yêu chính là tất cả đối với mình nên khi chia ly, người này thường đánh đồng việc mất người yêu với việc mất đi giá trị của họ và điều tốt đẹp nhất mà bản thân họ hướng đến.
Và sau chia ly, người này dễ đánh mất bản ngã của chính mình. Thế nên, hành vi cá nhân của họ biểu hiện ra là chính sự cố chấp, thậm chí đến mức không thương lượng nổi, họ vin vào cái gọi là niềm tin vào tình yêu để rồi tự cho mình quyền lấy đi sinh mạng của người mình yêu, thậm chí là kết liễu luôn tính mạng của mình. Họ đánh đồng tình yêu với sự sống, không nhận diện được cảm xúc của mình lẫn người đối diện. Đó là một trong những biểu hiện của bệnh “rối loạn tâm thần”.
Và sự cô đơn 
Có thể nói, hàng loạt vụ tự tử đã và đang diễn ra hàng ngày, khi mà những người tự tử  trong thời gian vừa qua đều là những người còn rất trẻ, đang ở trong giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, vậy mà chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ không giải quyết được trong chuyện tình cảm, cuộc sống, công việc, họ đã dại dột tự kết liễu đời mình. Hành vi ấy không chỉ gây đau đớn cho gia đình mà còn làm xấu đi bức tranh chung của xã hội.
PGS, TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tâm lý xã hội học lý giải: Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn cảm thấy cô đơn, bí bách mà không tìm ra được lối thoát. Đơn cử như trường hợp chị Lê Thị Huyền Mai, phường Bến Gót, TP.Việt Trì ôm theo con 3 tuổi nhảy xuống dòng sông Lô tự tử, trong bụng chị còn có bào thai ba tháng tuổi, để lại nhiều ám ảnh cho dư luận. Người đời thương nhưng cũng trách chị quá bồng bột, không suy nghĩ thấu đáo để dẫn đến cái chết đau lòng cho ba mẹ con. 
Hay như trường hợp người đàn ông để lại số tiền lớn chia cho mọi người trong quán cà phê rồi lao xuống hồ Xã Đàn tự tử cuối tháng 8 vừa qua cũng khiến dư luận lo lắng về nạn tự tử không rõ nguyên nhân đang hiện hữu trong xã hội hiện đại.
PGS Trịnh Hòa Bình cho rằng, cần thiết đưa môn kỹ năng sống vào trong nhà trường để đào tạo cho giới trẻ cách nhìn nhận vấn đề, tìm lối thoát khi gặp áp lực, tránh những căng thẳng. Một mặt kỹ năng sống cũng cần để các bạn trẻ có thể trang bị kiến thức đời sống gia đình cho mình, đặc biệt là những người phụ nữ trước khi đi đến hôn nhân. Đồng thời, ông Bình khuyên mỗi bạn trẻ nên tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, nên mở rộng lòng mình và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc với cuộc sống lành mạnh để tránh xa những ý nghĩ tiêu cực. 
Lựa chọn tự tử, không chỉ bỏ tương lai và cuộc đời của mình lại phía sau mà còn để lại nỗi đau vô hạn cho những người thân yêu bạn bè. Cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt đẹp nhưng cái chết thì hẳn nhiên không phải là cái kết đẹp cho cuộc đời còn non trẻ. Hãy luôn suy nghĩ tích cực trong mọi vấn đề, tìm người chia sẻ và tìm cho mình những thú vui lành mạnh để khuây khỏa. 
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, mỗi chúng ta xin đừng vô cảm, đừng chỉ biết tới nỗi đau trong lòng mình nên ít quan tâm đến bạn bè, những người thân trong gia đình mình, để cùng họ chia sẻ, kịp thời động viên và an ủi khi họ gặp khủng hoảng tâm lí. Đừng để đến khi những người xung quanh mình tự tử rồi mới biết họ đã đau khổ. Lúc đó tiếc nuối, hối hận lúc ấy cũng muộn màng.