Chính sách pháp luật - “Bệ đỡ” chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Mường Nhé

(PLVN) -  Với những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có rất nhiều khó khăn, thách thức trong hành trình đến trường. Song, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, cùng với sự sát cánh của cấp uỷ, chính quyền địa phương đã giúp các em vững tin trên con đường học tập.
Giờ vui chơi của các em học sinh tại một trường học ở huyện Mường Nhé.

Mường Nhé là huyện miền núi nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào, nằm ở cực bắc của tỉnh Điện Biên và đồng thời cũng là huyện cực tây của đất nước. Toàn huyện có 11 xã, với 11 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Kháng, Dao, Lào, Si La, Hoa, Cống, Kinh cùng đoàn kết sinh sống. Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, đời sống còn nhiều khó khăn.

Một lớp học của các em học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Mường Nhé.

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của chính mỗi người dân, đời sống của nhân dân các dân tộc ở huyện Mường Nhé đã có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước được nâng lên rõ rệt.

Một trong những chính sách đó phải kể đến là chính sách dành cho học sinh con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi như “bệ đỡ” chắp cánh ước mơ cho các em học sinh trên con đường đến trường học tập. Chia sẻ được chia sẻ những khó khăn, giúp các em trong việc tiếp cận cơ hội học tập, rút ngắn khoảng cách phát triển về giáo dục và đào tạo giữa miền núi với miền xuôi và dân tộc đa số...

Niềm vui của các em học sinh ở huyện Mường Nhé khi được đến lớp học.

Chia sẻ về điều này, ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Nhé cho biết: Những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh người dân tộc thiểu số trong suốt những năm qua như một “bệ đỡ” vững chắc, đồng hành cùng các em trên con đường đến trường học tập. Đặc biệt là đối với các em học sinh ở huyện miền núi, biên giới khó khăn như huyện Mường Nhé.

Năm học 2023 – 2024, toàn huyện huyện có 35 đơn vị trường học, với hơn 16.000 học sinh, trong đó học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 94,63%. Đây là con số khá lớn trong điều kiện ở một huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Thế nhưng từ những chính sách đặc thù, đã tạo điểm tựa giúp các em yên tâm học tập.

Một buổi ngoại khoá của các em học sinh tham gia học tập và tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông.

Ông Chuỳ chia sẻ: Để các em học sinh dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách đặc thù, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh ở các xã, bản các khoản được hỗ trợ. Đặc biệt là chế độ bán trú, nội trú, hỗ trợ chi phí học tập… do học sinh nội trú đều là con em dân tộc thiểu số, nên việc duy trì nơi ở, ăn uống, sinh hoạt tại trường học cho các cháu học sinh là việc có ý nghĩa quan trọng để chia sẻ những khó khăn cùng gia đình mỗi học sinh.

Để làm tốt nhiệm vụ này, hàng năm Phòng GD&ĐT huyện tổ chức xét duyệt, thẩm định danh sách các học sinh người dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách hỗ trợ trình UBND huyện phê duyệt như: Chế độ học sinh bán trú cho con em ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Ngoài ra, còn có chế độ hỗ trợ chi phí học tập và cấp bù học phí cho học sinh theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ; chế độ hỗ trợ học sinh dân tộc rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP về ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ít người…

Nhiều hoạt động vui chơi đã khích lệ tinh thần học tập cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

“Ngoài thực hiện tốt các chính sách trên, công tác xã hội hóa giáo dục cũng luôn được ngành giáo dục huyện quan tâm đẩy mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội tham gia, góp phần làm cho chất lượng giáo dục của huyện ngày càng được nâng lên, đảm bảo các điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến lớp...”, ông Chuỳ chia sẻ.

Có thể nói, việc thực hiện các chính sách giáo dục đã tạo ra nguồn hỗ trợ thiết thực, động viên cho các em học sinh ở các xã, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vượt qua hoàn cảnh để đến lớp học, giảm bớt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các nhà trường.

Đọc thêm