Chính sách thuế bất cập, thị trường ô tô đi về đâu?

 Liệu thuế có phải là “chìa khóa vạn năng”? Chính sách thuế có thay thế các công cụ, giải pháp khác (như phát triển hạ tầng, đầu tư công nghiệp phụ trợ…) để có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?

  Liệu thuế có phải là “chìa khóa vạn năng”? Chính sách thuế có thay thế các công cụ, giải pháp khác (như phát triển hạ tầng, đầu tư công nghiệp phụ trợ…) để có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ?

Xe nhập khẩu “một cổ ba tròng”

Cách đây ít lâu, Nghị định số 45/2011/NĐ - CP được ban hành, quy định, kể từ ngày 1/9, mức trần lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi sẽ được nâng lên 20% thay cho mức 15% hiện đang áp dụng. Căn cứ quy định này, các thành phố trực thuộc trung ương sẽ quyết định mức thu cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương. Trước đó, hầu hết các địa phương trên cả nước đều đang áp dụng mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi là 10%, riêng TP.HCM thu ở mức 12%. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, với việc nghị định mới được ban hành, nhiều khả năng một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng hay Đà Nẵng sẽ tính toán để nâng mức thu lệ phí trước bạ lên 15%-20%.

 

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án thuế nhập khẩu đối với các dòng xe đã qua sử dụng. Theo đó, thay vì chỉ bị áp mức thuế tuyệt đối như hiện nay, ô tô cũ sẽ chịu thêm cả thuế tính theo tỷ lệ phần trăm giống như với xe mới nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó, các dòng xe có dung tích dưới 2,0 lít căn bản không thay đổi thuế suất, nhưng các dòng xe sang và siêu sang có mức thuế tăng rất cao, khiến xe cũ nhập khẩu về thị trường sẽ cực kỳ khó khăn.

Bấy nhiêu thông tin, cộng với việc lãi suất ngân hàng cao ngất trong bối cảnh siết chặt tín dụng tiêu dùng khiến cho thị trường ô tô càng thêm ảm đạm. Trong tháng 5/2011, chỉ riêng Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) sản lượng bán hàng đã giảm gần 20% so với cùng kỳ.

Anh Nguyễn Đức Thành – phụ trách bộ phận xuất nhập khẩu của một công ty ô tô có tiếng, phàn nàn, chưa bao giờ mà các dòng xe ngoại chịu tác động kép bởi nhiều yếu tố. Từ 1/6, nhiều mẫu xe hơi bắt đầu áp dụng bảng giá tính thuế mới theo quy định của hải quan. Thứ hai là Thông tư 20 đòi hỏi rất nhiều điều kiện đối với nhà nhập khẩu không chính hãng khiến mảng thị trường này rơi vào trạng thái “án binh bất động”. Thứ ba là biểu thuế nhập khẩu khiến cho xe cũ rất khó về thị trường Việt Nam.

  Thuế có phải là “chìa khóa vạn năng”?

Thực tế diễn biến thị trường ô tô thời gian qua cho thấy, thuế là biện pháp được nghĩ đến đầu tiên khi cơ quan quản lý nỗ lực điều tiết thị trường này. Tuy nhiên, xét ở một góc độ, công cụ thuế dường như “mất thiêng” với thị trường ô tô, một phần vì độ “co giãn” trong ban hành và thi hành chính sách. Ví dụ như liên quan đến việc xác định độ rời rạc của linh kiện để tính thuế nhập khẩu, ngày 1/6 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản 7116/BTC-TCHQ, yêu cầu nếu trong bộ linh kiện nhập khẩu có từ 1 linh kiện trở lên không đảm bảo mức độ rời rạc như quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN của Bộ KHCN thì phải nộp thuế cho cả bộ linh kiện theo mức thuế suất của ô tô nguyên chiếc và thực hiện ấn định, thu đủ thuế và xử lý vi phạm, áp dụng thời hạn nộp thuế, cưỡng chế thuế theo đúng quy định của pháp luật”, khiến các DN nhập khẩu lắp ráp lao đao. Thế nhưng, ngày 21/6 mới đây, cũng Bộ này ra văn bản 8118/BTC-TCHQ, lại “cho phép thông quan, tạm thời tính thuế theo mức thuế suất của từng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu”đối với những trường hợp đó, chỉ cần doanh nghiệp có cam kết thực hiện theo kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Ngay đến với Thông tư số 20 đã từng khiến cả ngàn DN nhập khẩu ô tô không chính hãng sốt nóng sốt rét và tác động không nhỏ đến thị trường, thì thay vì thời hạn 26/6 như ban đầu, đến nay, hiệu lực của Thông tư được “giãn” tới 24/7 với lý do để thương nhân có thời gian làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, mà Thông tư quy định về bảo hành, bảo dưỡng phải đến ngày 24/7 mới có hiệu lực.

Liên quan đến công cụ này, ông Nguyễn Văn Phụng – Chuyên gia cao cấp, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, đặt ra vấn đề, chính sách thuế cần được thiết kế và tổ chức thực hiện như thế nào để góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. “Liệu thuế có phải là “chìa khóa vạn năng”? Chính sách thuế có thay thế các công cụ, giải pháp khác (như phát triển hạ tầng, đầu tư công nghiệp phụ trợ…)?” – ông Phụng nhận định.

Hoàng Thủy

 

 

Đọc thêm