"Ngâm án", TAND TP HCM làm khó đương sự

(PLO) - Ngoài việc thời gian gửi Quyết định bị kéo dài gấp cả chục lần so với quy định, vụ kiện này còn có chi tiết bi hài ở chỗ, Chánh án tiến hành “giải quyết yêu cầu thay đổi Thẩm phán” sau khi Thẩm phán đã thực hiện xong việc “tạm đình chỉ” vụ án.
Ngôi nhà đang tranh chấp
Ngôi nhà đang tranh chấp
Mua nhà bằng “tiền ảo”? 
Nhà đất tại 128B Nguyễn Đình Chính vốn thuộc sở hữu của vợ chồng ông Lê Văn Nở. Năm 1994, ông Nở đồng ý bán căn nhà này cho ông Nguyễn Văn Giỏi (Việt kiều Pháp, anh họ ông Nở) với giá 50 lượng vàng. Tuy nhiên, do sinh sống ở nước ngoài nên ông Giỏi đã nhờ bà Lê Thị Hồng Nhung (em vợ, trú tại quận 3, TP.HCM) đứng ra mua và đứng tên. Theo thỏa thuận, sau khi làm hợp đồng mua bán nhà tại phòng công chứng thì bên bán sẽ được nhận tiền và bàn giao nhà. 
Theo ông Nở thì sau khi ký hợp đồng, ông đã không nhận được tiền nên cũng không tiến hành giao nhà, đất cho bà Nhung. Tiếp tục sử dụng nhà đến đến năm 1996 thì đột nhiên ông Nở bị bà Nhung kiện ra tòa để “đòi nhà cho ở nhờ” vì cho rằng ông Nở đã bán nhà rồi nhưng không chịu chuyển đi. 
Bà Nhung đã xuất trình cho Tòa một tờ giấy có nội dung: “cho ông Nở tạm sử dụng ngôi nhà”. Trong khi đó, ông Nở một mực khẳng định chưa nhận được tiền bán nhà cũng như không hề ký vào giấy “tạm sử dụng ngôi nhà” do bà Nhung xuất trình. 
Chứng minh cho quan điểm của mình, ông Nở còn cung cấp cho tòa 2 băng ghi âm cuộc nói chuyện với bà Nhung và với ông Giỏi thể hiện việc cả hai người này chưa thanh toán tiền mua nhà cho mình (ông Giỏi và bà Nhung đổ trách nhiệm cho nhau trong việc trả tiền). 
Nhưng khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm vụ kiện này, Tòa án đều đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nhung.
Trước những lời kêu cứu của ông Nở và sự lên tiếng của nhiều cơ quan chức năng, năm 2005 Chánh án TANDTC đã có Quyết định tái thẩm vụ kiện. Trên cơ sở trưng cầu giám định nội dung ghi âm do ông Nở cung cấp và nhận định về những mâu thuẫn trong lời khai của bà Nhung về việc trả tiền mua nhà, 
Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho rằng “chưa có đủ căn cứ để xác định bà Nhung đã trả tiền mua nhà cho ông Nở” nên đã hủy bản án giám đốc thẩm, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm từng xử ông Nở thua kiện, trả hồ sơ vụ án để xét xử sơ thẩm lại.
“Chạy” theo tòa trong cảnh trắng tay
6 năm tiếp theo, hồ sơ vụ án đã đi “lòng vòng” hết TAND TP HCM rồi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM để vào tháng 7/2011 thì hồ sơ vụ án lại được quay trở lại TAND TP HCM để Tòa này tiến hành xét xử sơ thẩm lần thứ 4. 
Sau hơn 2 năm “ngâm” vụ kiện thì ngày 25/9/2013 vừa qua, Thẩm phán Đỗ Thị Thu Hương đã ký Quyết định “tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án” với lý do “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Giỏi đang cư trú tại Cộng hòa Pháp nên Tòa án phải tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp”. 
Ngày 5/12/2013, đại diện của ông Nở là ông Hoàng Hữu Hiệp nhận được Quyết định này và đã thực hiện ngay việc kháng cáo.
Điều đáng nói ở chỗ, Điều 194 Bộ luật TTDS quy định: “Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự...”.  
Thế nhưng không hiểu sao, TAND TP HCM lại  “ngâm” Quyết định này trong hơn 2 tháng rồi mới giao cho ông Hiệp. Cũng cần nhắc lại rằng, TAND TP HCM đã thụ lý lại vụ kiện vào tháng 7/2011 và như vậy thì thời hạn chuẩn bị xét xử cũng đã bị Tòa này kéo dài gấp 4-5 lần so với quy định.
Tính đến nay, vụ kiện đã kéo dài tới 18 năm. Lúc đầu, bà Nhung là bên “đòi nhà”, không phải là người chiếm giữ nhà. Nhưng từ năm 1998, bà Nhung đã chiếm giữ được tài sản tranh chấp do được Tòa sơ thẩm, phúc thẩm (lần 1) tuyên thắng kiện và được thi hành bản án. 
Và khi đã chiếm giữ được nhà trong tay, vợ chồng bà Nhung đã nhanh chóng bán ngôi nhà cho người khác với giá hơn trăm lượng vàng rồi chuyển đi nơi khác sinh sống. Vậy là sau này, tuy bản án này có bị hủy, nhà chưa thuộc về bà Nhung nhưng ông Nở là người  “trắng tay”, phải “chạy” theo bà Nhung khi bà này đã ung dung cầm tiền, vàng “cao chạy xa bay”, Tòa triệu tập nhiều lần đều không được. 
Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, ông Nở và các Luật sư của mình đã liên tục đề nghị Tòa án chuyển hồ sơ đến cơ quan công an để xác minh, điều tra việc bà Nhung có hành vi gian dối, mang dấu hiệu lừa đảo chiếm nhà, đất của ông Nở. Tòa đều không chấp nhận đề nghị này khiến ông Hiệp phải yêu cầu thay đổi Thẩm phán Hương vì cho rằng Thẩm phán này có dấu hiệu “lợi dụng quyền hạn, chức vụ; bao che tội phạm...”. 
Trong khi cơ quan công an không vào cuộc, còn Tòa thì “ngâm” án như hiện nay thì rõ ràng trong cảnh đã bị cưỡng chế lấy nhà, ông Nở đã và đang phải chịu vô số những thiệt thòi do vụ án bị kéo dài đằng đẵng như trên.
“Ngâm” quyết định, “ngâm” vụ án, TAND TP HCM còn “ngâm” luôn cả việc giải quyết yêu cầu thay đổi Thẩm phán. Và rồi, khi chưa có văn bản giải quyết yêu cầu thay đổi Thẩm phán thì Thẩm phán Hương đã ký xong Quyết định “tạm đình chỉ giải quyết vụ án”. Cho đến ngày 6/11/2013 (tức là sau 41 ngày kể từ khi Thẩm phán Hương ký Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án) thì Phó Chánh án TAND TP HCM Hà Thúy Yến mới có Quyết định “giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng” (có nội dung không chấp nhận yêu cầu của phía bị đơn).
Việc giải quyết theo kiểu “vuốt đuôi” như trên là do lãnh đạo TAND TP HCM tắc trách, không biết vụ án đã bị Thẩm phán Hương “tạm đình chỉ” hay vì lý do nào khác? Khi Thẩm phán Hương đã ra Quyết định “tạm đình chỉ giải quyết vụ án” rồi thì việc thay đổi hay không thay đổi Thẩm phán cũng chỉ là việc làm “cho có”, đứng trước “sự đã rồi” mà thôi?
Mới đây nhất, ngày 7/1/2014, sau khi nghe ông Hiệp trình bày vụ việc, ĐBQH Huỳnh Thành Lập - Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM đã kết luận, giao cho các ĐBQH: Phan Văn Gòn - Viện trưởng VKSND TP HCM, Huỳnh Ngọc Ánh - Phó Chánh án TAND TP HCM, Đỗ Văn Đương- Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức giám sát vụ án này, tạo điều kiện cho ông Hoàng Hữu Hiệp đối thoại với các cơ quan liên quan.
Hy vọng với sự vào cuộc của Thường trực Đoàn ĐBQH TP HCM và các cơ quan hữu quan, đặc biệt là sự chỉ đạo của ĐBQH Lê Thanh Hải- Bí thư Thành ủy TP HCM, vụ việc sẽ được giải quyết theo đúng bản chất của nó. 
Theo đơn kháng cáo của ông Nở thì việc TAND TP HCM ra “Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án” để thực hiện “thủ tục ủy thác tư pháp” là không cần thiết bởi nội dung cần xác minh từ phía ông Giỏi đã được làm rõ qua nhiều chứng cứ tại hồ sơ như: Giấy xác nhận của ông Giỏi năm 1986 gửi Tòa thể hiện việc không mua căn nhà 128B Nguyễn Đình Chính; nội dung băng ghi âm thể hiện ông Giỏi không giao tiền mua nhà cho vợ chồng ông Nở...
Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án trước đây, Tòa án đã xác định rõ ông Nở không có văn bản trả lời Tòa án về việc mua bán căn nhà và ông Giỏi không có mặt tại phiên tòa mặc dù đã thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp 4 lần.

Đọc thêm