Chồng phó giám đốc bị vợ ép làm việc nhà hùng hục

(PLO) - Ở phương Tây, họ giải phóng phụ nữ khỏi bếp núc từ lâu lắm rồi! Không đấu lý lại được với vợ, anh Hưởng ngậm ngùi làm thân “con sen, thằng ở”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Được “tôn vinh” là “người chồng mẫu mực” song anh Hưởng vẫn khổ sở vì bị vợ hành hạ. Vợ anh luôn cho rằng anh chưa làm đúng và đủ bổn phận, trách nhiệm của một người đàn ông với gia đình.
Trước khi lấy vợ, anh Hưởng là một người đàn ông hãnh tiến, anh luôn phấn đấu để được thăng chức cao hơn. Bởi vậy, mới 30 tuổi, anh đã là phó giám đốc phụ trách marketing ở một công ty tiếng tăm. 
Thế nhưng từ ngày lấy vợ, anh đã chấp nhận điều tiết công việc để dành thời gian chăm lo cho gia đình, chia sẻ trách nhiệm với vợ, không chỉ bởi anh rất yêu thương vợ mình, mà còn bởi anh là một người đàn ông hiện đại. 
Mỗi ngày, anh Hưởng đều cố gắng về sớm để giúp vợ làm việc nhà. Nếu vợ nấu cơm thì anh rửa bát, nếu vợ giặt quần áo thì anh dọn dẹp nhà cửa. Nếu vợ cho con ăn thì anh sẽ lo dạy chúng học. Mọi công việc trong nhà, anh đều làm đỡ vợ một nửa, bởi vậy mà cuộc sống gia đình anh luôn êm đềm, hạnh phúc. Vợ anh cũng có thời gian dành cho những thú vui của riêng mình.
Tuy nhiên, kể từ khi chị vợ đi du học ngắn ngày một chuyến ở Pháp về thì mọi chuyện hoàn toàn đổi khác. Anh Hưởng vốn đã rất vất vả vì phải cáng đáng mọi việc trong nhà, từ những chuyện nội trợ nhỏ nhặt nhất cho tới trọng trách chăm sóc con cái trong thời gian vợ đi vắng, nay lại rơi vào tình cảnh éo le hơn. 
Vợ anh không biết đã học được gì ở trời Tây, chỉ biết rằng chị đã thay đổi thành một người khác hẳn, ích kỉ và độc đoán. Từ chỗ chia nửa việc nhà với chồng, chị đã cự tuyệt hẳn với việc nội trợ. Mọi gánh nặng đều dồn cả lên vai anh Hưởng. 
Vợ anh cho rằng xét về trình độ, chị chẳng thua kém gì chồng, về khả năng kiếm tiền, chị cũng giỏi chẳng kém gì anh, bởi vậy mà chị không thể để những việc nhà lặt vặt hàng ngày chiếm mất khoảng thời gian quý báu của mình.
Vợ lười là nỗi khổ tâm đau đớn của anh Hưởng (ảnh minh họa)
Vợ lười là nỗi khổ tâm đau đớn của anh Hưởng (ảnh minh họa)
Ở cơ quan, chị đã phải làm việc rất vất vả, về nhà vẫn còn phải làm việc nữa thì thật là bất công. Bởi vậy, một khi đã bước chân về đến nhà, chị chỉ muốn dành thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi và thỏa mãn những sở thích riêng của mình.
Cũng chính vì thế mà anh Hưởng phải gánh hết việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, chăm sóc con cái. Dù có thuê người giúp việc, anh cũng không thể giao phó hết cho cô ta, bởi nếu làm như vậy, sẽ chẳng còn gì là gia đình nữa. Có lẽ chính cái ý nghĩ đó đã làm khổ anh!
Thấy vợ lười nhác một cách thái quá, anh Hưởng đã nhiều lần nhắc nhở, từ nhẹ đến nặng. Có lần vợ chồng còn to tiếng, cãi vã, nhưng vợ anh vẫn không chịu thay đổi quan điểm. Chị đưa ra đủ các lý do, nào là nhân quyền, nữ quyền… để đàn áp “cuộc khởi nghĩa” của chồng. 
Chị cho rằng phụ nữ cũng có quyền được hưởng thụ cuộc sống, gia đình là cái chung, anh Hưởng lại là đàn ông, cần chịu nhiều trách nhiệm hơn. Ở phương Tây, họ đã giải phóng phụ nữ khỏi những bếp núc vụn vặt từ lâu lắm rồi! Không đấu lý lại được với vợ, anh Hưởng đành ngậm ngùi làm thân “con sen, thằng ở”, hầu hạ cả vợ lẫn con. 
Anh cũng muốn oán thán lắm, nhưng không biết phải nói sao cho hả được cơn tức và nhục của thằng đàn ông bị vợ “đè đầu cưỡi cổ”. Lúc trà dư tửu hậu bên bạn bè, anh chỉ biết ôm đầu oán than: “Không hiểu Tây học nó đào tạo vợ tôi thành thứ gì nữa”.