|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chán như con gián !
Không ít người lấy tên hiệu hoặc lập trang mạng cá nhân có cụm từ “chán như con gián”. Thậm chí, có những hội chán đời lấy luôn ảnh bìa là một bầy gián bò lổn ngổn. Trên đó, đủ câu than: “Nói chung là chán, không biết làm gì, chán như con gián”; “Nghèo rớt mồng tơi, giờ không có cái điện thoại mà xài nữa, chán như con gián”...
Chán mà không có lý do rõ rệt là câu chuyện của một thành viên mang tên Sod từng chia sẻ trên một diễn đàn mở: “Hôm nay, có vài người than vãn với tôi rằng họ thấy chán nhưng không biết chán vì cái gì. Tôi hỏi họ là có đi ra ngoài uống nước với tôi không. Họ đồng ý. Câu chuyện giữa chúng tôi miên man từ trên trời xuống dưới nước, từ thời tiết đến những cô nàng đỏng đảnh. Cuối cùng thì chúng tôi về. Thứ đọng lại không có gì cả, chỉ là một cuộc trò chuyện. Kết luận là không phải họ, không phải bạn, cũng không phải tôi chán mà vì chúng ta không biết phải làm gì cả. Chúng ta quá thừa thời gian để than vãn nhưng lại thiếu thời gian để hoạt động. Vậy thôi”.
Nhìn bên ngoài, nhiều người lầm tưởng cô gái Thùy Linh (ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM) là người hướng ngoại, lạc quan. Bởi lẽ, từ trước tới nay, Linh hay có mặt trong những khóa học năng khiếu và kỹ năng. Tuy nhiên, như lời Thùy Linh nhìn nhận, cô thuộc tuýp người “cả thèm chóng chán”. Trừ buổi đầu mỗi khóa học còn tò mò hăm hở một chút, còn sau đó, cô trở thành cái bóng nhạt nhòa, thụ động trong lớp. Dù đã chuyển qua bao nhiêu lớp, từ học đàn, vẽ, nghệ thuật xếp giấy Origami đến võ thuật..., song rốt cục, Linh vẫn không nhận ra được cô thực sự yêu thích cái gì!
Khi bạn bè thắc mắc: “Đi học như vậy có khác chi một kiểu hành xác?”, Linh phân trần: “Ngưng học không được đâu. Từ hồi mình còn nhỏ, thường được ba mẹ gửi vào những nhà thiếu nhi. Ba mình nói, môi trường trong đó vừa an toàn, vừa có nhiều cái hay sẽ giúp mình không bổ ngang thì bổ dọc về kiến thức. Cái nếp sinh hoạt đó quen rồi, mình không dám làm ba mẹ buồn”.
Thiếu mục đích sống
Chia sẻ với chúng tôi, cô Thu Hương (giáo viên dạy văn, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tỏ ra băn khoăn: “Tôi được biết có hội chứng “cháy sạch” để chỉ những người bỗng nhiên trở nên mệt mỏi, chán chường sau một quá trình lao động hay hoạt động miệt mài. Những người này dường như đã cháy hết mình nên cạn kiệt năng lượng sống đã đành. Thế nhưng, có những bạn trẻ chưa từng “cháy” lần nào mà đã giống như “sạch túi” thì thật khó hiểu”.
Thạc sĩ - chuyên viên tư vấn Hà Trung Thành (Trường Cán bộ TP.HCM) nhìn nhận có hiện tượng khá nhiều bạn trẻ không tìm thấy niềm vui, không có hứng thú gì với cuộc sống. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, quan trọng nhất là các bạn đang thiếu mục đích sống, thiếu kỹ năng xác lập mục tiêu phấn đấu và cũng không có ai định hướng giúp các bạn. Một số bạn có xác lập mục tiêu nhưng theo phong trào, lúc thế này lúc thế khác nên không bền vững. Mặt khác, môi trường xung quanh thật giả lẫn lộn, các bạn không nhận biết được đâu là giá trị đích thực để theo đuổi. Những điều đó đã dẫn đến sự hoài nghi, gây chán chường”, thạc sĩ Thành nói.
Theo ông Thành, ngoài việc xác lập mục tiêu cuộc sống, mỗi người cần ý thức rằng giá trị bản thân, sự thành công hay thất bại là do chính mình tạo ra. Nếu cuộc sống có gặp khó khăn, thử thách thì hãy xem đó là chuyện bình thường và cố gắng vượt qua. Bởi lẽ, đó là những cơ hội, là những bước nhảy để chúng ta có thể vươn tới thành công. “Cái gì cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn rồi mới đi vào ổn định. Trước khi trở thành một sản phẩm hoàn hảo, sản phẩm đó từng không hoàn hảo, phải hoàn thiện dần qua thời gian”, ông Thành ví von.
Một số người từng rơi vào trạng thái chán nản, đã nêu kinh nghiệm đối phó: “Nếu mình đang chán một việc nào đó thì hãy tạm gác lại, tìm đến những cái khác không chán nản để thư giãn. Còn nếu thấy tự mình không thể vượt qua trở ngại đó, hãy nhờ trợ lực từ người thân, bạn bè. Và, thay vì ngồi một chỗ than thân trách phận, hãy đứng lên hành động”.