Chua xót chuyện “xơi quả đắng” của lao động phổ thông

(PLO) - Chị Hoa ngoài bốn mươi tuổi, dáng người thanh mảnh, sống độc thân. Bao mùa cải trổ bông thắp nắng vườn nhà, chị vẫn lủi thủi cặm cụi chăm ba sào ruộng, phụng dưỡng cha mẹ già. Phải năm vận hạn, rau màu sương muối hỏng cả. Nghe hàng xóm mách “giúp việc phố thị lương cao”. Thế nên, dù thiếu lộ phí nhưng chị vẫn hí hửng bán gà, bán thóc để giắt lưng làm lộ phí tìm đến “miền đất hứa”. Vậy nhưng, thân cô thế cô chốn Hà thành chị sớm vỡ mộng…
Lao động chờ việc trong Trung tâm Môi giới việc làm Nhân Ái
Lao động chờ việc trong
Trung tâm Môi giới việc làm Nhân Ái 
Bẽ bàng cảnh tìm việc 
trên báo 
Sáng hai tư, chị Hoa lục đục dậy từ mờ sương. Quần áo tươm tất, chị thoăn thoắt cột cao mái tóc dài, ăn vội gói xôi. Hơi thở mùa xuân tràn ngập khắp các con phố. Nhiều dãy phố bày bán la liệt quất cảnh, đào Nhật Tân, đào rừng, hoa lan, hoa cúc, hoa hồng trông vui mắt. Bến xe nhộn nhịp hành khách xếp hàng mua vé. Xe chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường đông đúc thì dừng tới phố Nguyễn Đức Cảnh. 
Chị Hoa reo lên: “Đây rồi, khu chung cư đẹp, khá sang trọng đúng như mô tả trên báo”. Lạ thay, Lan – người đăng tin tuyển dụng cho trung tâm môi giới mang tên Nhân Ái xuất hiện đón chúng tôi trong bộ dạng lếch thếch. Lan vận bộ quần áo ngủ cũ kỹ cùng đôi dép lê cáu bẩn.
Chị “mời” chúng tôi ghé căn phòng trọ chật chội, trước cửa chăng dây, phơi kín quần áo. Mùi khói thuốc, mùi rác, mùi khăm khẳm bay ra từ buồng vệ sinh cửa nhựa xập xệ, quện lẫn mùi hơi người tạo thành thứ mùi tạp uế, khó chịu. 
Người đàn bà trung tuổi áo quần phẳng phiu, nét mặt sắc sảo sau này tôi mới biết đó là Giám đốc Trung tâm Nhân Ái hỏi: “Hai em làm mười ngày hay làm lâu dài?”. Tôi nhanh trí đáp: “Mình cháu làm thôi. Chị ấy đưa cháu đến đây”.
Đưa mắt nhìn tôi từ đầu xuống chân như định giá một món hàng, bà ta bảo tôi nộp chứng minh thư. Viện cớ từ chối, tôi kéo chị ra ngoài. Sợ tôi “chạy mất dép”, Lan đuổi theo nói ngọt: “Em làm giúp việc thì vào nhà, bên chị đang có chỗ làm hợp với em lắm”. 
Thương kiếp tha hương đất khách, quê người
Mấy ngày dài đằng đẵng bám lấy cái trung tâm quái dị này tôi chỉ ăn cơm bụi. Đêm chờ việc buồn thê thiết, cả thảy tám phận người đợi việc, tám cô cháu ngồi quây quần quanh chiếc chiếu hoa sờn mốc. Điện tắt từ chập tối, chỉ còn thứ ánh sáng hiu hắt phát ra từ chiếc đèn điện thoại. 
Theo ghi nhận của tôi, những người lao động “trúng kế” sau khi nộp tiền và giấy tờ cho trung tâm môi giới đa phần đều có hoàn cảnh éo le. Bác Say (47 tuổi), quê Thái Bình tâm sự: “Chồng thương binh, con trai bị di chứng chất độc da cam, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng. Tôi vay hàng xóm mấy đồng mới có tiền lên đây...”. 
Cô Dậy (51 tuổi) quê Nam Định chồng mất sớm, con trai làm ăn thua lỗ bán sạch cả sản nghiệp. Bỗng chốc cô thành trắng tay, thất nghiệp. Chị Lý người miền Tây Nam Bộ, chồng cờ bạc phá gia chi tử. Gánh nặng gia đình gồm bốn cô con gái nheo nhóc chút xuống đôi vai gầy. 
Em Na (Phú Thọ) tốt nghiệp cao đẳng mầm non, gạt nước mắt chia sẻ: “Nhà em nghèo lắm. Số tiền mấy năm em ăn học đa phần vay mượn. Chưa có việc làm đúng chuyên môn, em đọc báo thấy tuyển người giúp việc. Em lên kế hoạch phụ cha mẹ trả nợ, ai dè người ta “treo đầu dê bán thịt chó...”.
Hỏi về hoạt động của trung tâm, bác Say người gần 20 ngày mòn mỏi chờ việc nói: "Căn phòng thiếu sáng, chưa đầy 20 mét vuông vừa là trụ sở của Trung tâm Nhân Ái vừa là nơi lao động chờ việc ăn ngủ, sinh hoạt. Bằng chiêu bài tuyển lao động lương hấp dẫn trên các kênh thông tin, mỗi ngày người lao động từ mọi vùng quê ùn ùn kéo đến trung tâm làm nhiều việc như tạp vụ, buồng phòng, công nhân...”.
Chị Lý kể thêm: “Cơm ở đây vừa cứng vừa khô. Thực đơn gồm rau luộc và đĩa thịt mỡ nhiều hơn, lạc rang như ướp muối ăn dè làm mấy bữa. Mỗi người chỉ được ăn cầm chừng. Có đêm bác Sinh đói tụt huyết áp phải đi cấp cứu”.
Bữa cơm đạm bạc của những lao động phổ thông sau khi vướng bẫy của trung tâm môi giới rởm
Bữa cơm đạm bạc của những lao động phổ thông
sau khi vướng bẫy của trung tâm môi giới rởm
Quản lý Tâm sinh năm 1984 là người trực tiếp quản lý lao động ở đây. Mỗi ngày Tâm thực hiện hàng loạt cuộc điện thoại tới những gia đình khá giả tìm kiếm hợp đồng. Mỗi cuộc đàm thoại thành công, người lao động ký một hợp đồng. Bốn gã to lớn, nói năng thô tục giữ hợp đồng, chứng minh thư, chở người lao động đi đi về về như trảy hội. Lương giúp việc ngày bèo hơn quảng cáo nhiều. 
Nhác trông cảnh tôi ngóng việc, một bác lớn tuổi lắc đầu than thở: “Bác còn chút tiền, năm lần bảy lượt xin lại chứng minh thư về quê nhưng trung tâm không chịu trả... Vài bữa hết tiền, mắc nợ trung tâm biết tính sao”. Nghe xong những lời ấy tôi thầm nghĩ phải chăng đây là “bí quyết” Trung tâm Nhân Ái giữ chân người lao động?
Thấy tôi mãi chưa nộp chứng minh thư, quản lý Tâm sốt ruột giục tôi ký hợp đồng. Tôi viện cớ chỉ mang chứng minh phô tô, chị ta cau mày, khó chịu. Sau hồi năn nỉ, Tâm chấp nhận để tôi ký hợp đồng. Hợp đồng ghi mười ngày tôi hưởng lương ba triệu đồng. Người sử dụng lao động phải trả phí năm trăm nghìn đồng. 
Chị ta bảo tôi: “Gặp chủ nhà phải nhiệt tình, chớ nói tìm việc qua báo...”. Đặc biệt, Tâm yêu cầu tôi phải khoe có kinh nghiệm, dù tôi chưa từng giúp việc gia đình ai ngày nào. Dặn dò xong, một gã cao lớn nhanh chóng chở tôi lên đường.
Rời trung tâm môi giới, nhiều ngày xuân phơi phới cũng đã trôi qua nhưng trong tôi vẫn bị ám ảnh bởi nét mặt khắc khổ, giọt nước mắt cay đắng và những tâm sự buồn thăm thẳm của những cô, những chị, em trên nẻo đường mưu sinh nhọc nhằn. Qua bài viết này, tôi mong sao người lao động phổ thông luôn sáng suốt khi tìm việc, tránh rơi vào cảnh dở khóc, dở cười ở những trung tâm lao động trá hình./.

Đọc thêm