Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

(PLVN) - Các ngành, địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sở Công thương Hà Nội cam kết đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu của hơn 10 triệu người tiêu dùng ở Thủ đô

Các Tổ Công tác đặc biệt tại 3 miền Bắc - Trung - Nam của Bộ Công Thương - hiện nay ngoài việc bám sát diễn biến thị trường, kết nối cung cầu và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố, còn triển khai việc phối hợp với các địa phương chuẩn bị hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các Tổ này đang thực hiện là từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Ngoài ra còn triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch - Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.

Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở này đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng giá trị hàng Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng hơn 10 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.

Nhóm các mặt hàng cần bảo đảm cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm: mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi); Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy...

Hoa tươi là mặt hàng được tiêu thụ mạnh dịp cuối năm

Hiện, kênh bán hàng trên địa bàn Thủ đô khá đa dạng, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng với đủ các hình thức từ trực tuyến đến truyền thống. Sở Công thương Hà Nội khẳng định, trong trường hợp cần thiết (khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn), có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…

Nhận định diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, trong dịp Tết 2022, hoạt động mua sắm hàng hoá tại các điểm kinh doanh sẽ thu hút đông người dân mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, vừa phải bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết vừa phải chuẩn bị phương án bảo đảm hàng hóa sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn theo các cấp độ diễn biến của dịch.

Tại TP Hồ Chí Minh, các chợ truyền thống cũng đang dần khôi phục trở lại trong điều kiện hậu giãn cách xã hội và "bình thường mới". Theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sự phục hồi dần của kênh phân phối truyền thống đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá các mặt hàng rau củ, trái cây. Hiện nay, lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm tập kết về điểm trung chuyển ở một số chợ đầu mối cũng đang tăng dần, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của người dân, đặc biệt vào giai đoạn Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Đọc thêm