Chuyện về những ngôi làng nghệ thuật

(PLVN) - Trong cuộc sống lao động, sản xuất, người nông dân đã có nhiều sáng tạo để phát triển kinh tế. Hơn thế, họ cũng có những đam mê nghệ thuật, để làm giàu có tinh thần, làm đẹp cuộc sống, tạo thành những làng nghệ thuật. Mùa xuân, cùng với không khí rộn ràng của đất trời, họ cùng tham gia lễ hội, tấu lên những khúc nhạc ấm áp.
CLB Đàn Violon làng Then biểu diễn. (Ảnh: Lệ Thanh)

Mỗi làng một vẻ

Yêu violon, người nông dân làng Then, xã Thái Đào (Lạng Giang - Bắc Giang) trở thành ngôi làng độc đáo nhất. Họ được mệnh là những “nông dân đại gia”, vì dám chơi nhạc cụ dành cho quý tộc - violon. Mùa xuân về làng đẹp quá. Làng bây giờ không chỉ trồng rau, hoa màu mà còn trồng hoa, đào để phục vụ thị trường trong dịp Tết. Hơn thế, người dân nơi đây có một món “đặc sản” khiến cho ngôi làng này trở nên độc đáo đó chính là những bản nhạc violon mà rất nhiều người, kể cả trẻ con viết chơi. Từ nhạc truyền thống đến nhạc trẻ, từ nhạc không lời quốc tế đến những ca khúc bất tử, bản thân âm nhạc đã là một giá trị, nay quyện hòa và được chuyển tải bằng violon, càng trở nên tuyệt diệu. “Coi âm nhạc là đặc sản quê hương tôi cũng chẳng sai, bởi người làng biết chơi violong nhiều lắm. Bản thân tôi ngay từ năm 13 tuổi đã biết chơi rồi”, ông Nguyễn Hữu Hùng, tự hào tâm sự.

Người có công mang violon về làng là cụ Nguyễn Hữu Đưa. Vào năm 1935, làng đã có đội bát âm gồm 4 cụ già yêu thích âm nhạc. Ban đầu các cụ chỉ chơi để giải trí. Năm 1950 khi thực dân Pháp lập bốt ở xã Thái Đào cách làng Then chừng 300 mét thì 4 cụ và một số thanh niên đã lập thành một đội văn nghệ, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước. Đến năm 1955, đội văn nghệ của làng đã cử hai người trong đó có Nguyễn Hữu Đưa ra Hà Nội đặt mua một số nhạc cụ như măngđôlin, sáo trúc, ghi ta, violon… để luyện tập. Dần dần, đội văn nghệ của cụ đã lên đến 40 người. Trong đó, đàn violon là loại khó sử dụng. Đội phải lên Ty văn hóa mời thầy về dạy.

Ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết: “Cụ Đưa nhiệt tình, truyền đạt rất tốt, giúp cho thế hệ sau cũng giỏi đàn và dạy lại cho người khác”. Cũng theo ông Hùng, từ làng Then, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Hà Huy Bái, Trần Vinh, Bùi Đắc Sừ, Lê Văn Khách…”. Khi cụ Nguyễn Hữu Đưa tuổi cao sức yếu, trọng trách trưởng đội văn nghệ làng Then được trao cho ông Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1960. Ông là người tiếp nối công việc của cụ Đưa là làm cho đội văn nghệ làng ngày càng phát triển. Tháng 5/2007, một Quỹ của Thụy Điển đã đầu tư 70 triệu đồng để củng cố nhạc cụ, khôi phục cho sự phát triển của đội văn nghệ làng Then. Theo lời ông Khoa, đây là một dự án thành công tuyệt vời. Đội đã mua được 50 chiếc đàn mới phân phát cho các thành viên tập luyện, bảo quản.

Người lớn dạy trẻ em chơi violon ở làng Then, Bắc Giang. (Ảnh: Thái Sơn)

Ông Nguyễn Đăng Khoa thành lập Câu lạc bộ Đàn violon làng Then, với hơn 30 thành viên. Trong đó dàn nhạc chính gồm những người sung sức là 10 người. Tối chủ nhật, thứ 2 nào CLB cũng họp nhau lại để tập, chơi đàn, sinh hoạt, nói chuyện. Có bài mới thì tập, không thì tập lại bài cũ cho thuần thục. Những nông dân bao đời gắn bó với đồng ruộng nhưng khi cầm đàn violon trong tay - nhạc cụ thuộc về âm nhạc hàn lâm, thường sử dụng trong các dàn nhạc giao hưởng, họ lại trở thành nghệ sĩ đích thực. Hằng ngày, sau khi làm xong việc đồng áng, bà con lại sôi nổi nói về tiếng đàn, nhạc cụ, nhạc lý, cùng nhau chơi những bản nhạc. Đối với người làng Then, tiếng đàn violon thân quen, gần gũi như mảnh ruộng, vườn rau. Tiếng đàn ngân lên làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, giúp cho cuộc sống vui vẻ, lạc quan hơn. Cứ thế, người biết dạy cho người chưa biết, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, tiếng đàn lan tỏa khắp làng quê.

Hà Nội là đất ngàn năm văn hiến, có nhiều làng yêu nghệ thuật, yêu chèo, phải kể đến làng Hạ, xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) là một ngôi làng cổ. Làng không chỉ đẹp với những con đường thẳng tắp, xanh mướt, mà còn đẹp bởi tình yêu chèo của nhiều người dân. Từ hàng chục năm qua, câu lạc bộ Hát chèo làng Hạ đã ra đời. Bà Nguyễn Thị Thanh, thành viên nhiệt tình từ những ngày câu lạc bộ mới thành lập, “giọng hát vàng” của làng, tâm sự: “Lúc đầu, chỉ số người yêu ca hát hợp nhau. Sau đó thấy việc ca hát, phát triển đội văn nghệ để nâng cao đời sống tinh thần cho bà con là việc cần làm thì nhiều người đã tham gia nhiệt tình. Chính tiếng chèo ngoài sân đình đã khiến cho không khí đón xuân của làng tôi trở nên sôi nổi, vui tươi hơn”. Cũng là “say văn nghệ”, Trung Lập, xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên) khá nổi tiếng với CLB Hát chèo. Trung Lập nằm giữa cánh đồng xanh bát ngát. Mùa xuân, từ đầu làng đã nghe thấy tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng hát khoan thai dìu dặt. Trong cuộc sống hàng ngày, khi công việc nhà nông đã tạm bớt bận rộn, người nông dân của làng lại tụ tập nhau lại, học hát và cất lên những giai điệu ca ngợi cuộc sống ân nghĩ thủy chung, tình yêu quê hương đất nước.

Nước ta còn có nhiều làng yêu âm nhạc, người dân vừa làm ruộng, đi buôn vừa chơi nhạc và hát như làng kèn Tây Phạm Pháo, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Nhạc viện đồng quê Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; làng chèo Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; làng hát dậm Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; làng hát Trống quân Liêm Thuận, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam…

Nỗ lực truyền dạy

Ông Phạm Quyết Thắng, “giám đốc” Nhạc viện làng quê Ninh Mỹ (Ninh Bình), tâm sự: “Chính âm nhạc đã giúp cho đời sống tinh thần của người dân được nâng cao. Cũng từ đó, làm cho con người thân ái, gần gũi nhau hơn. Không chỉ nhận thấy giá trị của âm nhạc với đời sống, mà ông Phạm Quyết Thắng với tâm huyết của mình còn nỗ lực truyền dạy âm nhạc cho các thế hệ sau. Ông khẳng định, để làm được điều đó thì ngoài sự dấn thân ra, chính người nông dân phải… “chịu chơi”! Không chịu chơi sao ông Thắng đã dành toàn bộ khuôn viên gia đình của mình để lập nên Nhạc viện làng quê, và rồi chính ông là người đã dẫn dắt các em học sinh có năng khiếu trở thành những người có đam mê, khát vọng và từ đó vươn lên, trở thành những nghệ sĩ tài năng. “Tôi là kỹ sư lâm nghiệp. Trong thời gian công tác ở Thanh Hóa đã yêu âm nhạc rồi. Sau đó tôi sáng tác bài Ý cây luồng, cũng rất nổi tiếng ở thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Năm 1995 tôi về nghỉ hưu. Nỗi nhớ những năm công tác, nhớ thời gian học âm nhạc đã khiến tôi mua guitar, organ về chơi và dạy cho con. Con lại rủ thêm bạn đến học. Thế là tôi nghĩ phải dạy cho lớp trẻ cho làng, hướng dẫn các hội đoàn địa phương biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Các em nhỏ có nhu cầu mà. Âm nhạc cũng là công cụ giáo dục rất hiệu quả”.

Nghệ nhân Trịnh Thị Phẩm hướng dẫn học trò hát dậm (làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Hà Nam).

Còn ông Nguyễn Đình Lâu lại nổi tiếng là người cần mẫn gìn giữ điệu hát Trống quân độc đáo ở Liêm Thuận (Hà Nam), chia sẻ: “Năm 1985 sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, tôi trở về quê công tác. Lúc này tôi nhận thấy các làn điệu hát Trống quân đã bị mai một, không còn nhiều người biết đến. Trong tôi luôn suy nghĩ rằng nếu không có ai đứng lên sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ mai sau thì chẳng mấy chốc các làn điệu hát Trống quân do cha ông bao đời sáng tác và truyền lại sẽ bị mất và chẳng còn ai biết đến. Muốn để người dân mai sau biết đến thì trước tiên phải đi sưu tầm các bài hát cổ sau đó mới truyền dạy”.

Ông Lâu thu xếp việc nhà, bắt tay vào đi sưu tầm các bài hát cổ từ những nghệ nhân trong thôn, xã. Khi đã thu lượm được một số vốn khá lớn các bài hát Trống quân, ông mạnh dạn đề đạt với lãnh đạo thôn Sông, thôn Chảy, thôn Lau cho phép xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ và là người trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy các bài hát, cách làm và đánh trống cho người dân địa phương. Sau khi được chấp thuận ông đã trực tiếp đến từng nhà động viên các chị, các mẹ, các anh tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ và mọi người tham gia nhiệt tình. Từ làng quê hồn hậu, những buổi sinh hoạt, ngày xuân, ngày hội thôn làng, những điệu hát vang lên.

Người nông dân nơi những làng quê vẫn còn vất vả, lo toan cho cuộc sống, nuôi nấng con cái. Để có điều kiện dấn thân cho công việc, họ cũng phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Phía sau những người nông dân nơi làng quê là công việc chất chồng. Để có những phút giây thăng hoa bên các loại nhạc cụ, bên câu hát là điều chẳng phải ai cũng làm được. Chính họ - những con người là chủ thể, đã và đang làm nên sức sống của những ngôi làng giản dị và bình yên.

Đọc thêm