Ông Nguyễn Văn Minh (Nam Định) hỏi: Gia đình tôi có khai hoang được một thửa đất ở Nghĩa Hưng – Nam Định. Năm 1996, bố tôi có cho gia đình người em họ mượn đất để ở vì bão lũ chú không còn nhà cửa. Gia đình chú tôi có hẹn sau vài năm ổn định lại cuộc sống, tìm được nơi ở mới sẽ trả lại hoặc thống nhất mua lại.
Tuy nhiên, đến nay gia đình người chú họ vẫn không chuyển đi và cũng không muốn mua đất dù gia đình tôi đã nhiều lần có ý kiến. Gia đình chú tôi không đồng ý trả lại vì cho rằng họ đã sinh sống ổn định nhiều năm liền và ngày trước là do bố tôi đã nói tặng cho chú chứ không phải cho mượn. Xin hỏi, tôi có thể làm gì để đòi lại được đất đã cho gia đình nhà chú ở nhờ?
Giải đáp về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết: Thực tế đã có nhiều trường hợp cho người khác mượn đất để ở hoặc làm đường đi nhưng chỉ nói miệng, không có giấy tờ làm bằng chứng. Đến khi mối quan hệ bất hòa, chủ đất đổi ý không muốn cho hoặc người mượn đất không muốn trả, giữa hai bên rất dễ xảy ra tranh chấp.
“Theo đó, để đòi được thửa đất đó gia đình bạn phải chứng minh nguồn gốc sử dụng đất của gia đình là hợp pháp như: Nguồn gốc đất thế nào? Từ năm 1996 đến nay thì gia đình bạn có đóng thuế sử dụng đất hay không? Trong hồ sơ địa chính của chính quyền địa phương có tên của gia đình bạn không?” – Luật sư Tuấn nói.
Cũng theo Luật sư Tuấn, người cho mượn đất chỉ có thể đòi lại được phần đất đó nếu có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Ngược lại, nếu người dân không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 mà người mượn đất lại có một trong các loại giấy tờ đó thì sẽ không thể đòi lại được thửa đất. Cụ thể Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ….”.
Ngoài ra, Luật sư Tuấn cho biết, trong quá trình chứng minh nguồn gốc đất đang tranh chấp thuộc về mình, nếu việc cho mượn đất mà có lập thành văn bản, giấy tờ cho mượn có đầy đủ chữ ký của hai bên; hoặc có văn bản, đoạn ghi âm, ghi hình, trong đó người kia công nhận việc mượn đất; hoặc có những người làm chứng cho việc mượn đất có xảy ra,… thì các căn cứ trên có thể trở thành một chứng cứ thuyết phục giúp người dân có thể đòi lại tài sản của mình.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ cho mình những căn cứ như trên, người dân có thể tự bảo vệ mình bằng các biện pháp không vi phạm pháp luật hoặc nhờ Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 164, Bộ luật Dân sự năm 2015.
“Thông thường, việc tự mình bảo vệ vẫn có thể làm cho tranh chấp kéo dài, thậm chí nhiều trường hợp còn dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác, do đó việc nhờ Tòa án giải quyết là cần thiết” – Luật sư Tuấn nhận định.
Thủ tục đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất
Người dân gửi đơn đề nghị hòa giải tới UBND cấp xã nơi có thửa đất đó để được hòa giải theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai 2013.
Nếu cấp UBND hòa giải không thành thì gia đình bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân (nếu thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai) hoặc UBND cấp huyện để được giải quyết theo quy định của pháp luật.