Đợi Mỹ thả pháo sáng soi đường là nổ máy
Giai đoạn đầu, số lượng xe trong mỗi đoàn thường từ 50-70 chiếc. Tuy nhiên, sau đó có chủ trương tách đoàn xe ra thành từng nhóm nhỏ. Mỗi nhóm được định sẵn thời gian rời và đến chốt kiểm soát trong binh trạm. Để tận dụng tối đa đêm tối, xe thường di chuyển trong khoảng thời gian từ 6h chiều đến 6h sáng. Vào lúc 6h sáng mỗi ngày, hoạt động vận tải tạm thời ngưng.
Người ta đã thiết kế loại đèn đặc biệt cho hoạt động vận tải ban đêm. Đèn cung cấp ánh sáng tối thiểu – chỉ trong phạm vi vài thước – khiến cho máy bay khó phát hiện. Nhưng điều đó cũng có nghĩa tốc độ của xe sẽ rất chậm.
Một cựu binh cho biết trong một đêm êm ái, mỗi đoàn xe chỉ có thể đi được 40-50km; còn những đêm xấu trời, chặng đường đi được chỉ chừng 3-4km. Tình huống sau xảy ra khi máy bay ném bom cấp tập khiến đường sá hư hỏng, cần phải sửa chữa.
Cựu binh này nói về nguyên tắc chạy xe: “Chỉ có hai tình huống xe có thể chạy ban ngày – đó là lúc thời tiết xấu, máy bay trinh sát Mỹ không hoạt động được; hoặc tại những binh trạm có hỏa lực phòng không mạnh”. (Trường hợp đầu cũng được Tư lệnh Đường mòn, Tướng Đồng Sĩ Nguyên, đề cập: “Mỗi khi dự báo thời tiết cho thấy sắp có gió mùa đông bắc, mây nhiều và mưa bụi, chúng tôi sẽ điều xe chạy ban ngày – và chạy ban đêm khi có trăng sáng. Các đoàn xe lúc đó có thể lên tới hàng ngàn chiếc”).
Ngoài hai trường hợp trên, việc cho xe chạy giữa ban ngày ở giai đoạn đầu của cuộc chiến là hành động tự sát – giống như chạy qua dưới lưỡi hái của tử thần.
Vào lúc cao điểm của chiến cuộc, Đường mòn về đêm nhộn nhịp như một xa lộ. Mỗi đêm có tới ba trăm xe tải chạy qua một binh trạm. Đến lúc trời hửng sáng, lệnh giới nghiêm có hiệu lực, tất cả hoạt động vận tải bằng xe cộ đều tạm ngưng, biến Đường mòn thành một xa lộ bỏ hoang – chỉ còn công binh sửa chữa đường lao vào làm việc.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên chỉ rõ: “Đôi khi cơ hội lại đến từ phía kẻ thù. Chẳng hạn như pháo sáng vào ban đêm. Đêm nào cũng có pháo sáng, rải mỗi giờ, chiếu sáng một khu vực rộng tới 30km2 trong suốt 30 phút. Nguyên tắc được đề ra là các đoàn xe đợi đến 6h chiều thì khởi hành. Khi ánh pháo chiếu sáng trên trời, chúng tôi nổ máy.
Phương pháp này cùng với việc dùng ánh sáng để đánh lừa đã khiến kẻ địch bối rối. Cách này rất hiệu nghiệm, đặc biệt là vào năm 1972, khi hoạt động thả pháo sáng gia tăng, tăng tới mức chúng tôi không cần tắt đèn xe. Tôi đã nói đùa với cán bộ của mình rằng nên gửi lời cảm ơn tới quân Mỹ”.
Đường mòn ở phần lớn binh trạm cho phép xe chạy hai chiều, nhưng ở một vài đoạn, do đường quá hẹp nên chỉ có thể lưu thông một lượt xe. Trong hoàn cảnh đó, những xe chạy ra Bắc, thường là xe chở thương binh và tù binh, được ưu tiên hơn so với xe chở quân và hàng tiếp tế chạy vào Nam. Xe của sĩ quan cấp cao cũng được ưu tiên; nhưng ngay cả khi được ưu tiên thì cũng phải mất hai tháng trời mới hoàn tất hành trình.
Một đoàn xe vượt đường mòn đưa hàng hóa vào chiến trường miền Nam |
Có nhiều loại hàng hóa được vận chuyển dọc Đường mòn. Phần lớn là vũ khí loại nhỏ, đạn dược, thuốc men và quân lính, về sau, hàng cồng kềnh cũng được vận chuyển. Khi chiến tranh trở nên ác liệt hơn, người ta bắt đầu chở xe tăng và trọng pháo, với cách thức vận chuyển tùy theo tính cấp bách của chiến trường. Ban đầu xe pháo được tháo rời ra và sau khi tới đích ở miền Nam sẽ được ráp trở lại. Nhưng trong trường hợp chiến dịch sắp diễn ra, người ta vận chuyển nguyên chiếc.
Hệ thống phòng không phối hợp hiệu quả
Khi công tác sửa chữa và dọn dẹp đường sá kết thúc vào chập tối, các nhóm binh sĩ khác lại lao vào làm nhiệm vụ. Họ là bộ đội phòng không – những người vận hành súng, pháo cao xạ và SA-2 (tên lửa đất đối không). Luôn cảnh giác cao độ, pháo thủ hướng mũi súng lên bầu trời, sẵn sàng bảo vệ xe cộ trên Đường mòn trước sự đe dọa từ trên không.
Các đoàn xe chịu tổn thất khá nhiều trong giai đoạn đầu của lịch sử Đường mòn do thiếu một hệ thống phòng không phối hợp. Đó là bài học đắt giá mà vị tư lệnh Đường mòn Hồ Chí Minh, Tướng Đồng Sĩ Nguyên, đã rút ra. Ông kể về những thay đổi trong công tác này: “Chúng tôi phải vận dụng tất cả hiểu biết về chiến thuật, nghệ thuật quân sự đê phục vụ cho Đường mòn Hồ Chí Minh. Khái niệm “nghệ thuật quân sự” ở đây có nghĩa là chiến thuật tấn công.
Giai đoạn 1964-1966, khi chúng tôi chưa mạnh, đường sá bị cắt đứt thường xuyên. Hỏa lực phòng không lúc bấy giờ rất yếu và kém hiệu quả; việc xây dựng và sửa chữa đường phải làm ban đêm chứ không thể làm ban ngày; và đường thì chủ yếu có một làn.
Trước khi đảm nhiệm cương vị chỉ huy Đường mòn, tôi nhận thấy chiến thuật đã và đang áp dụng chỉ đơn thuần là “lẩn tránh”. Phải mất vài năm tôi mới nhận ra chúng tôi cần phải làm khác đi. Suốt thời gian đó, tôi đã chứng kiến người chết, xe bị phá hủy và hàng tiếp vận không về đến đích.
Cuối cùng, vào năm 1966, chúng tôi thay đổi tư duy và bắt đầu nhận ra rằng cần phải sử dụng lực lượng hỗn hợp để chiến đấu với kẻ thù trên Đường Trường Sơn. Từ đó, chúng tôi kết hợp bộ đội phòng không, bộ binh và công binh lại – với số lượng lớn. Chúng tôi không còn phải trốn tránh nữa, mà luôn tìm kiếm kẻ thù trên bầu trời. Về sau, chúng tôi không chỉ có súng, pháo phòng không mà còn có cả tên lửa để bảo vệ Đường mòn.
Trước nay, tất cả mọi người đều bắn máy bay địch bằng bất cứ cách nào. Giờ đây, mọi người được lệnh chiến đấu theo những đơn vị lưu động, đóng tại nhiều vị trí chiến lược dọc đường và tại các cầu. Kết quả là hệ thống đường hậu cần được bảo vệ tốt hơn.
Trước đây, chúng tôi sợ máy bay Mỹ. Bộ đội phòng không thường nổ súng khi máy bay địch còn rất xa. Chúng tôi cũng sử dụng các cá nhân hoặc đơn vị nhỏ để bảo vệ Đường mòn và thu được kết quả khiêm tốn. Nhưng với việc điều động nhiều pháo cao xạ, chúng tôi đã tự tin hơn và có thể huy động các đơn vị lớn đánh địch vào ban đêm. Bộ đội phòng không lớn mạnh rất nhanh, từ tiểu đoàn tới trung đoàn, và đạt tới cấp sư đoàn vào năm 1972.
Máy bay AC130 của quân Mỹ |
Khi hệ thống phòng không được cải thiện mỗi ngày thì máy bay Mỹ buộc phải bắn ném từ xa, vì vậy rất thiếu chính xác. Nói chung, chiến dịch ném bom Đường mòn của không quân Mỹ tỏ ra hiệu quả - nhưng dần dần hệ thống phòng không của chúng tôi trở nên hiệu quả hơn”.
Những người phụ trách phòng không trên Đường mòn nhanh chóng nhận ra một sự nghịch đảo giữa họ và phi công Mỹ. Một cựu binh diễn giải: “Tình hình đã thay đổi, chúng tôi không còn sợ hãi nữa trong khi nỗi sợ của kẻ địch lại gia tăng. Có lúc, chúng tôi có thể bắt được sóng của kẻ thù, nghe thấy phi công báo cáo với thượng cấp rằng mình vừa thả bom xuống Đường mòn, trong khi thực tế thì họ đổ ào bom xuống chỗ nào đó vì sợ bị bắn”.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên nói thêm: “Chúng tôi dựa trên hai hệ thống phòng không – một hệ thống là súng và pháo; hệ thống còn lại là tên lửa. Chúng tôi còn có mạng lưới đường sá được ngụy trang kết nối với hệ thống trận địa giả”.
“Ván cờ” khó giải
Cuộc chiến giữa hai bên cứ như một ván cờ. Mỗi khi Mỹ tung ra nước đi khó bằng cách áp dụng công nghệ mới vào chiến trường, Quân Giải phóng lại sử dụng sự khéo léo để đáp trả. Tướng Nguyên đánh giá: “Đó là cuộc chiến giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn. Một bên là người Mỹ, một bên là chúng tôi: phía bên kia luôn tìm cách chặn đứng luồng chi viện cho miền Nam, còn phía bên này tìm cách duy trì dòng chảy đó. Hai phía đều thường xuyên thay đổi chiến thuật, và tất nhiên, đều chịu nhiều tổn thất”.
Cuộc cờ đã tiến triển lên một tầm cao mới vào cuối những năm 1960, khi Mỹ giới thiệu một hệ thống vũ khí không quân tối tân. Hệ thống này hiệu quả tới mức khiến những lái xe đã chai lỳ sau bao lần vượt qua mưa bom bão đạn giờ đây cũng cảm thấy ớn lạnh.
Khi chiến tranh leo thang, người Mỹ nhận thấy rằng hầu hết xe cộ đều hoàn tất được nhiệm vụ vận tải dọc Đường mòn. Điều này xuất phát từ hai biện pháp mà Tướng Nguyên áp dụng: cải thiện mạnh hệ thống phòng không và tận dụng bóng tối để qua mắt máy bay trinh sát.
Trong trận cờ dọc Đường mòn mà hai phía đang chơi, miền Bắc đã đi nước đi của mình, bằng cách thay đổi hệ thống phòng không; giờ đây, đến lượt người Mỹ đưa ra đối sách. Đối sách đó phải nhằm ngay vào việc phát triển phương tiện xua tan bóng tối vốn đang che chở cho các đoàn xe.
Một đêm khuya năm 1967, một đoàn cả chục xe tải đang trong hành trình tới chốt kiểm soát trên Đường mòn. Vài giờ sau, các binh sĩ ở chốt nghe thấy tiếng gầm của động cơ. Khi đoàn xe đến nơi, người ta thấy có vẻ như điều gì đó bất ổn vừa xẩy ra bởi chỉ còn lại hai chiếc xe tới được chốt kiểm soát – toàn bộ số xe còn lại đã bị phá hủy trong một cuộc không kích dữ dội.
Khi mới nghe tin, các chỉ huy cho rằng có lẽ rất nhiều máy bay đã tham gia trận không kích. Họ không thấy được lý do nào khác khiến nhiều chiếc xe bị phá hủy cùng lúc đến vậy. Tuy nhiên, những người sống sót lại kể rằng chỉ có một thủ phạm duy nhất – đó là một chiếc máy bay chưa từng được biết đến, với độ chính xác chết chóc.
Tên lửa vác vai SA7 |
Đây không phải là lần đầu tiên Tướng Nguyên nhận được tin báo về kiểu không kích chết chóc như thế. Câu chuyện luôn giống nhau – đoàn xe đang chạy dọc Đường mòn trong đêm, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tắt đèn, đột nhiên một chiếc máy bay nhào xuống trên đầu. Đoàn xe lập tức bị lưới lửa bủa vây, không kịp phản ứng gì. Có vẻ như chiếc máy bay này có khả năng xua tan bóng tối để nhìn rõ từng chiếc xe bên dưới.
Tướng Nguyên tuyên bố sẽ đi theo một đoàn xe khởi hành vào đêm hôm sau. Đêm ấy có rất nhiều xe. Khi đoàn xe đang xuôi dọc Đường mòn về phương Nam thì bị máy bay địch phát hiện. Vụ tấn công diễn ra theo đúng cách của các đợt không kích thành công trước đây.
Bộ đội biết rằng đó là cùng một kiểu tấn công bởi khi máy bay bắt đầu bắn và khi đạn bay trúng mục tiêu thì có một âm thanh rất dễ phân biệt phát ra – âm thanh đó nghe như tiếng nổ lớn. Khi máy bay xả súng, một lưới lửa kinh khủng gieo rắc chết chóc lên đoàn xe. Tướng Nguyên đã không rời xe bất chấp hỏa lực địch rất mạnh và chiếc xe bị trúng đạn nhiều lần.
Trở về trụ sở chỉ huy, ông thừa nhận mình đã sai. Ông nói với các binh sĩ: “Người Mỹ đã đưa người vào vũ trụ nên lẽ ra tôi không được nghi ngờ việc họ có khả năng sáng chế ra những thứ như thế”. Nhưng ông nói thêm: “Chúng ta có thể diệt được nó”.
Loại máy bay khó bắn rơi
Loại máy bay trên là chiếc AC-130A Spectre. Đây là một mẫu cải tiến đơn giản từ máy bay vận tải C-130. Các cải tiến bao gồm biến loại máy bay luôn thụ động trong vai trò vận tải thành một máy bay tấn công chủ động. Nó có thể định vị mục tiêu trong điều kiện tối hoàn toàn, sau đó khóa mục tiêu và xả súng. Máy bay có thiết bị quan sát ban đêm mang tên Starlight Scope, bộ phận cảm ứng FLIR, một máy truy xuất mục tiêu và một đèn pha.
Chiếc máy bay độc bản đã thực hiện cuộc không kích đầu tiên trên Đường mòn vào ngày 9/11/1967. Sau đó Không lực Mỹ đã khởi động chương trình cải biến hàng loạt chiếc C-130 thành AC-130A. Các phiên bản về sau được bổ sung nhiều thiết bị tối tân, bao gồm một máy tính điều khiển hỏa lực và rađa truy tìm mục tiêu di động.
Những thiết bị này cho phép máy bay kiểm tra mặt đất bên dưới để tìm kiếm nguồn phát nhiệt. Động cơ xe tải thường sử dụng bộ phận đánh lửa, và thiết bị của máy bay có thể phát hiện được nhiệt của động cơ còn nóng sau khi đã tắt máy.
Phát hiện mục tiêu, thông tin sẽ được truyền tới máy tính trên máy bay trong khi rađa vẫn tiếp tục theo dõi hành trình của xe. Thiết bị này được nối với bốn khẩu Gatling 20mm (sau này được thay bằng súng Bofors 40mm), từ đó kích hoạt súng nhả đạn về phía mục tiêu. AC-130A và các phiên bản cải tiến sau đó thực sự đã xua tan bóng đêm che phủ quanh những đoàn xe, cho phép phi công nhìn rõ từng chiếc một.
Một lính Mỹ, cựu thành viên đội bay AC-130A đã mô tả lưới lửa mà chiếc máy bay này bủa ra cho thấy độ chính xác và tính hiệu quả đáng kinh ngạc: “Chỉ cần chiếc AC-130 bay một lượt qua sân vận động và xả súng xuống, toàn bộ sân sẽ bị trùm trong lưới lửa – mưa đầu đạn 20mm sẽ cắm đều xuống sân với cự ly giữa các lỗ đạn là hai inch”.
Tướng Nguyên ngay lập tức xúc tiến việc xây dựng chiến lược đối phó với công nghệ mới của kẻ thù. Hai kế hoạch được thực hiện – một chiến thuật, một chiến lược.
Với kế hoạch chiến thuật, tướng Nguyên và đồng sự nóng lòng muốn biết chính xác cách thức vận hành của loại máy bay này. Làm sao nó có thể định vị được đoàn xe trong đêm tối như mực, sau đó bủa xuống một màn lưới lửa với độ chính xác cao? Không có cơ hội trực tiếp kiểm tra một chiếc AC-130 nguyên vẹn để tìm câu trả lời, tướng Nguyên buộc phải chọn cách tốt nhất có thể - kiểm tra xác một chiếc bị bắn rơi.
Tất cả các đơn vị có súng máy đều được lệnh nhằm thẳng máy bay mà bắn – kể cả bộ đội công binh. Thế nhưng bắn loại máy bay này lại rất khó, dù bay rất thấp, có khi chỉ 100 tới 200 mét, có thân hình to lớn và bay chậm.
Một trung đội bộ binh với vũ khí đặc biệt được giao nhiệm vụ. Đó là SA-7, một loại tên lửa đất đối không vác vai. Loại vũ khí này có tầm bắn cao tối đa 1.500 mét, sử dụng công nghệ tầm nhiệt hồng ngoại tương tự như chiếc AC-130. Loại công nghệ mới này, với độ chính xác cao ở tầm thấp, trở thành sát thủ lý tưởng đối với AC-130.
Trung đội mai phục trên một gò cao dọc Đường mòn gần địa phận Huế, nằm ngay dưới tuyến đường tiếp cận của AC-130 mỗi khi loại máy bay này “đi săn đêm”.
Bắt “sát thủ” đền tội
Một lính Mỹ có mặt trên chiếc máy bay và sống sót sau khi nó bị bắn trúng đã kể lại: “Chúng tôi đang bay trên vùng trời phía Tây Nam Huế, tin rằng đang ở độ cao an toàn, tên lửa không với tới được. Trung sĩ William B. Patterson đảm trách nhiệm vụ cảnh giới của chiếc máy bay mang mật danh “Spectre II”. Patterson áp người lên khung cửa kho hàng phía sau, gần như nhoài hẳn ra bên ngoài để có thể phát hiện ánh lửa khi tên lửa được phóng lên từ dưới đất.
Thi thể một phi công Mỹ phải đền tội |
Khi quả tên lửa phóng lên, động cơ của nó phát ra tia lửa trắng xanh kỳ quái, nhằm thẳng vào chiếc máy bay chứ không bay ngoằn ngoèo như thông thường. Phi công liền bắn ra một quả pháo đánh lừa (Pháo sáng được bắn để thu hút tên lửa tầm nhiệt SA-7, khiến nó không còn nhằm vào nhiệt phát ra từ động cơ chiếc Spectre) rồi cho máy bay lượn xa để tránh, nhưng quả tên lửa vẫn lao thẳng tới chiếc “Spectre II”, va vào động cơ số ba.
Một tiếng nổ lớn làm chấn động máy bay. Chiếc AC-130 gồng lên, cố tìm cách bay khỏi vùng nguy hiểm trong khi động cơ gần thân máy bay phía bên phải rời ra khỏi cánh. Các thành viên đội bay hét lên loạn xạ trong máy liên lạc, báo cáo rằng chiếc AC-130 đang lao xuống và bắt đầu vỡ ra.
Trung sĩ Patterson leo vào trong máy bay, tháo móc dây an toàn buộcanh vào máy bay, rồi lần tay lên chiếc dù cài trên ngực. Ngay lúc đó cánh bên phải đứt lìa ra và chiếc máy bay bắt đầu xoay vòng. Trong cơn bấn loạn, Patterson chỉ kịp móc một phía của chiếc dù vào bộ áo bay trên người thì những tiếng nổ lớn đẩy bay ra khoảng không tối đen bên ngoài”.
Ngay lập tức, Quân Giải phóng chạy tới nơi máy bay rơi. Mảnh vỡ rải tung trên một khu vực rộng. Cuộc lục soát đã tìm thấy điều mong muốn – tài liệu mô tả hoạt động bên trong máy bay. Tài liệu này được gửi gấp ra Hà Nội để mổ xẻ thêm. Bí quyết thành công của chiếc AC-130 đã bị lộ.
Trung sĩ Petterson đã gặp may. Vài ngày sau khi phải nhảy ra khỏi chiếc máy bay đang rơi, anh ta được lực lượng cứu hộ không quân tìm thấy, trở thành một trong ba người thoát chết trong vụ rơi máy bay.
Song song với kế hoạch chiến thuật nhằm tìm hiểu chiếc AC-130, tướng Nguyên đã khởi động kế hoạch chiến lược để đối phó với tính hiệu quả của loại máy bay này.
Vận dụng nguyên tắc vàng: “Tương kế tựu kế”, vị tướng này đã quyết định đối phó với người Mỹ bằng chính cách mà người Mỹ đối phó với ông – không cho người Mỹ lợi dụng ban đêm nữa. Ông Nguyên suy nghĩ rằng, chiếc AC-130 hoạt động rất hiệu quả vào ban đêm, vậy tại sao ông không thể tước bỏ lợi thế này của nó? Giải pháp thật đơn giản: không cho xe chạy ban đêm!
Có nghĩa là xe phải chạy ban ngày. Vào đầu cuộc chiến, việc làm này đã mang đến thảm họa. Nhưng giờ đây đã có một khác biệt lớn, Tướng Nguyên muốn những đoàn xe chạy ban ngày của ông được an toàn!
Để đối phó với sự xuất hiện của chiếc AC-130, Tướng Nguyên triển khai hệ thống đường “K” (ký hiệu đầu tiên trong từ “kín”).
(còn tiếp)