Bước đường cùng… “sa cơ lỡ vận”?
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, năm học 2011 - 2012 cả nước có khoảng trên 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, khoảng trên 8% nữa vào bổ túc THPT. Trong khi đó chỉ có 1,8% tốt nghiệp THCS vào học Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2010 - 2011 và 2% năm 2011 - 2012, còn rất xa so với chỉ tiêu 30% mà Bộ Chính trị giao.
Điều này gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH, CĐ, trong khi đó các trường TCCN, trường nghề tuyển sinh vô cùng khó khăn; những nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp lại rất cần người có kỹ năng nghề nghiệp ở bậc nghề, TCCN. Bộ GD-ĐT cho hay, nếu cộng cả số HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số bỏ học và trượt tốt nghiệp, hàng năm vào khoảng 350.000 HS. Nếu những học sinh này vào học nghề từ sớm, rõ ràng hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở thành thị, đồng bằng. Một số tỉnh vùng núi phía Bắc cũng trong tình trạng tương tự. Không những thế, đại diện Sở GD-ĐT Hòa Bình cho hay năm học 2011 - 2012 chỉ 0,61% HS tốt nghiệp THCS đi học TCCN và trung cấp nghề. Từ năm 2006 đến nay, công tác tuyển sinh TCCN hệ THCS giảm dần, kết quả tuyển sinh chỉ đạt từ 15 - 20%, một số ngành không có HS đăng ký theo học.
Theo ông Bùi Hữu Thành Cát - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, phần lớn HS tốt nghiệp THPT thường dự thi ĐH, CĐ, không đỗ mới chuyển sang TCCN. Số còn lại có thể ở nhà ôn tập và chờ năm sau thi tiếp hoặc tìm kiếm việc làm khác.
Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh cũng cho biết nguyên nhân của tình trạng “tắc” phân luồng đó là do hàng năm tỉnh vẫn tuyển học sinh lớp 10 THPT các loại hình rất cao, trên 90%, nên không còn HS đi học TCCN. Hơn nữa, truyền thống của người dân vẫn là muốn con em đi học ĐH, vấn đề việc làm, thu nhập của HS sau khi tốt nghiệp TCCN và dạy nghề kém hấp dẫn. Do đó, HS có thể bỏ học để vào làm tại các làng nghề truyền thống có thu nhập khá hoặc đi làm tại các khu công nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận một cách thẳng thắn. Người đứng đầu ngành Giáo dục không khỏi trăn trở khi ngay chính bản thân mình cũng đặt câu hỏi với các đại biểu là con em mình có cho đi học TCCN, trung cấp nghề hay không? Ngay chính người “trong cuộc” còn thấy chưa ổn, chưa an toàn thì làm sao người dân yên tâm được. Chính vì vậy, Bộ trưởng khẳng định TCCN vẫn chỉ được lựa chọn khi bị “sa cơ lỡ vận” vào ĐH hoặc THPT.
“Chạy đua từ lớp 1, mà lớp 9 mới hướng nghiệp?”
“Không nên tăng mà giữ ổn định mạng lưới các trường THPT, chỉ điều chỉnh ở những nơi chưa hợp lý và có biến động cơ học về cơ cấu dân cư. Có như vậy mới có thể phân luồng được khoảng 30% học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào giáo dục nghề nghiệp” - ông Nguyễn Khánh Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT) đề xuất.
Đi tìm nguyên nhân “tại sao thất bại” trong công tác phân luồng, không ít ý kiến cho rằng sự mở rộng quá nhanh các trường THPT khiến HS sau khi tốt nghiệp THCS hầu như đều chọn con đường học tiếp vào THPT.
TS.Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục nêu thực trạng học sinh THPT thực sự “đói” thông tin và không được tư vấn đầy đủ. Ở nhiều nơi, hoạt động giáo dục hướng nghiệp “chết” ngay tại trường THPT. Đã vậy, giáo dục hướng nghiệp nếu có lại chủ yếu dẫn dắt con em đến các việc làm công ăn lương mà ít để ý đến tạo lập tinh thần kinh doanh/tự chủ.
“Theo tôi, giải pháp nhằm vực dậy công tác tổ chức hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo là giáo dục hướng nghiệp phải được triển khai ít nhất từ lớp 6, không có lý gì đến lớp 9 mới làm như hiện nay trong khi cuộc chạy đua cho tương lai con em được bắt đầu từ lớp 1. Để làm được việc này, nhất thiết phải có các công cụ được thiết kế khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam” - TS Phương bày tỏ.
Và một trong những sự kém hấp dẫn khiến thí sinh quay lưng đó là sự èo uột, không chuyên nghiệp của trường nghề. PGS.TS Phạm Xuân Sơn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo cung ứng nguồn lực cũng cho biết: Khảo sát cho thấy, hợp tác giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp hầu hết là tự phát, mức độ hợp tác còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc thực hiện chưa liên tục, chưa có cơ chế cụ thể để hai bên chủ động hợp tác, chưa có sự ràng buộc chặt chẽ đảm bảo tính hiệu quả bền vững.
Đặc biệt, vấn đề thực hành, thực tập của HS, sinh viên các trường chưa được chú trọng, thậm chí có trường hợp khoán trắng cho HS, sinh viên tự lo, chỉ yêu cầu có kết quả xác nhận mà không cần biết HS thực tế có thực tập hay không. Điều đó dẫn đến việc các em ra trường thiếu kiến thức, kỹ năng thực tế một cách trầm trọng.
Không thể học xong… thất nghiệp
Vụ Giáo dục chuyên nghiệp đang xem xét quy định tỷ lệ phân luồng HS sau THCS là 70/30. Nghĩa là 70% HS tốt nghiệp THCS vào THPT, 30% còn lại vào học các Trung tâm giáo dục thường xuyên, TCCN và học nghề. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, để làm được việc này, trước tiên phải giải quyết được việc làm cho người học. Cũng theo khảo sát của Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, có đến 85,4% ý kiến đồng ý với nhận xét thiếu việc làm là nguyên nhân ảnh hưởng đến phân luồng.
PGS.TS Lê Khánh Tuấn cho rằng: Để đạt được định hướng phân luồng như trên cần có sự chuyển đổi mang tính hệ thống như: xây dựng lại hệ thống cơ chế tuyển dụng và sử dụng lao động theo hướng tuyển dụng dựa vào năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, không dựa vào bằng cấp; thực hiện cơ chế tự đào thải trong sử dụng lao động khi nhân sự không đáp ứng được yêu cầu công việc; tập trung phát triển sản xuất đi đôi với giải quyết việc làm, gắn đào tạo với sử dụng để tạo động lực lựa chọn nghề nghiệp cho người học; thực hiện tốt công tác dự báo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nhân lực đủ số lượng và trình độ và đáp ứng cơ cấu ngành nghề - PGS.TS Lê Khánh Tuấn nhấn mạnh.
Ở góc độ quản lý, ông Phạm Vũ Luận ví việc phân luồng HS vào học nghề hiện nay như “con đường nho nhỏ ngoằn ngoèo khó đi” nên không hề dễ dàng. Ông Luận khẳng định một mình ngành GD-ĐT không thể làm nổi. Phân luồng muốn làm được thì phải mở đúng tuyến và phải có hàng loạt giải pháp hỗ trợ, từ việc tuyển sinh đầu vào đến việc sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp, chính sách ưu tiên về học phí so với ĐH, CĐ...
Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường, từ thực tiễn, đề xuất các giải pháp mang tầm vĩ mô để giải quyết bài toán này như Bộ cần phải làm gì, các Bộ, ban ngành khác liên quan cần phải làm gì? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng mong muốn các trường xây dựng được lộ trình cụ thể cho mình trong vòng một vài năm tới. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh đến cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học, nhà trường và các doanh nghiệp tham gia đào tạo, sử dụng lao động.