Công trình trăm tuổi ở TP HCM: Lưu giữ ký ức một thời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi ở TP Hồ Chí Minh là những di sản văn hóa đặc biệt, đồng thời là minh chứng cho sự phát triển trong dòng chảy lịch sử của thành phố. Giờ đây, những công trình ấy vẫn có một sức thu hút mạnh mẽ đối với người dân thành phố và du khách phương xa.
Công trình Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911. (Ảnh tư liệu)
Công trình Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911. (Ảnh tư liệu)

Công trình độc đáo in dấu chân Bác

Tính đến hết tháng 10/2022, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 185 công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích, 2 công trình được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, 56 Di tích quốc gia và 119 Di tích cấp thành phố.

Trong số đó, có 30 di tích kiến trúc nghệ thuật là những nơi có dấu ấn kiến trúc xây dựng nổi tiếng, như trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Thành phố, Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh (quận 1)... Mỗi một di tích lịch sử đến nay vẫn luôn được người dân thành phố và du khách phương xa quan tâm, yêu thích, không chỉ bởi vẻ đẹp của kiến trúc mà các công trình này lưu giữ những kí ức của thành phố hơn 300 tuổi.

Một công trình kiến trúc đặc biệt mà khi nhắc đến TP Hồ Chí Minh không thể không kể đến, đó chính là Bến Nhà Rồng - trụ sở thương cảng lớn của Sài Gòn, là công trình lâu đời nhất trong số các kiến trúc tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh. Bến Nhà Rồng được khởi công xây dựng từ năm 1863. Ban đầu, nơi đây là trụ sở Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales). Kiến trúc tòa nhà theo phong cách kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh, châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt”một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam.

Nơi đây ghi dấu một sự kiện có tính bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam: Chính tại bến cảng này, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử đã lý giải, năm xưa, Bác Hồ đã lựa chọn Cảng Nhà Rồng, Sài Gòn là nơi xuất phát của hành trình cách mạng là bởi thời ấy, Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ, một vùng đất có tư tưởng tự do, cởi mở hơn nhiều vùng đất khác. Nơi đây cũng có những công ty tàu biển lớn chạy tuyến Pháp - Đông Dương nên rất thuận lợi cho việc sang Pháp và có thể đi khắp thế giới.

Sau năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho tu bổ lại mái ngôi nhà tại bến cảng và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng khác với tư thế quay đầu ra. Từ đó, kiến trúc Nhà Rồng hầu như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Từ suốt khoảng thời gian 1955 cho đến năm 1975, Bến Nhà Rồng được chính quyền Việt Nam Cộng hòa sử dụng làm cảng đường thủy. Sau năm 1975, Bến Nhà Rồng thuộc quản lý của Cục Đường biển Việt Nam.

Giờ đây, Bến Nhà Rồng không còn giữ chức năng là một bến cảng giao thương nữa, Cảng Nhà Rồng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, trở thành di tích cấp thành phố, khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi có Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hơn 150 năm xây dựng, đến nay, Cảng Nhà Rồng vẫn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp kiến trúc, không những thế, khuôn viên chung quanh được gìn giữ rất tươm tất, xinh đẹp. Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Bến Nhà Rồng có 9 phòng trưng bày, trong đó có đến 6 phòng lưu trữ các hiện vật và tư liệu giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm, di tích lịch sử này đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước tham quan. Đọc những dòng chữ du khách để lại trong quyển sổ lưu niệm của Bảo tàng, có thể thấy được tình cảm lớn lao, sự ngưỡng vọng của Nhân dân, người dân quốc tế đối với hành trình cứu nước của Bác Hồ kính yêu.

Những chứng nhân lịch sử

Nhắc đến các công trình kiến trúc lâu đời, quan trọng tại TP Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến tòa nhà trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 18.000m2 với ba mặt tiền trên đường Lê Thánh Tôn, Pasteur và Đồng Khởi.

Công trình do kiến trúc sư Paul Gardès thiết kế, khởi công xây dựng từ năm 1898 đến năm 1909, ban đầu, đây là trụ sở của Hội đồng thành phố Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thời bấy giờ với tên gọi Hôtel de ville (tạm dịch: Tòa thị chính). Công trình được thiết kế mô phỏng từ tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Cấu trúc điển hình với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái đăng đối, bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau.

Công trình trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1898, từng là nơi làm việc và hội họp của chính quyền lúc bấy giờ. (Ảnh: Ivivu)
Công trình trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 1898, từng là nơi làm việc và hội họp của chính quyền lúc bấy giờ. (Ảnh: Ivivu)

Trước năm 1975, người dân thành phố quen gọi tòa nhà là Dinh Đốc lý hay Dinh Xã Tây vì người đứng đầu Hội đồng thành phố là vị Đốc lý người Pháp. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tòa nhà được Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định tiếp quản, sử dụng làm trụ sở làm việc. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định thành TP Hồ Chí Minh, tòa nhà vẫn được sử dụng làm trụ sở làm việc của chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tòa nhà là trụ sở làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh. Nơi đây là địa điểm thường xuyên diễn ra các cuộc họp quan trọng và hội nghị đặc biệt của lãnh đạo thành phố, là nơi tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm viếng và làm việc tại Việt Nam.

Dịp 30/4/2023, TP Hồ Chí Minh lần đầu tổ chức cho du khách tham quan, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc lịch sử quan trọng này và các du khách có cơ hội tham quan đều bày tỏ sự quan tâm, thích thú đặc biệt đối với di tích. Sau 3 đợt tổ chức, chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TP Hồ Chí Minh đã thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan, trong đó, số lượng khách đến từ các địa phương, khách quốc tế đăng ký tham quan ngày càng tăng cho đến nay.

TP Hồ Chí Minh còn nhiều công trình lịch sử trên trăm năm mang ý nghĩa quan trọng. Có thể kể đến Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh được xây dựng năm 1881, khánh thành năm 1885, do hai kiến trúc sư người Pháp là Jule Bourard thiết kế phần kiến trúc và Alfred Foulhoux thi công phần trang trí mỹ thuật. Thời Pháp tòa nhà mang tên Palais de Justice de Saigon - Tòa Đại hình Sài Gòn, sau năm 1954, nơi này đổi tên thành Tòa án Quốc gia. Sau năm 1975 công trình giữ chức năng là Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.

Còn có thể kể đến trụ sở Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn, trước đây là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty hỏa xa Đông Dương khánh thành năm 1914. Năm 1952, tòa nhà trở thành trụ sở Hỏa xa Việt Nam dưới sự quản lý của Bộ Công trình Công cộng và Vận tải. Từ sau năm 1975, tòa nhà thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Nơi đây chính là một trong những cột mốc ký ức quý hiếm còn lại của một khu vực thương mại - giao thông nhộn nhịp bậc nhất miền Nam.

Hay tòa nhà Bưu điện Trung tâm thành phố xây dựng năm 1886. Công trình này năm nay 134 tuổi mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Đến nay, đây vẫn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, chụp ảnh hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh.

Cũng không thể không kể đến chợ Bến Thành, công trình mang tính biểu tượng của TP Hồ Chí Minh. Ngôi chợ được xây dựng từ năm 1910 - 1920, mô phỏng kiểu chợ trung tâm Les Halles ở Paris. Chợ có 4 cửa chính và đặt tên theo các hướng Đông, Tây, Nam và Bắc. Bên trên cửa hướng Nam (biểu tượng chợ Bến Thành) có một tháp đồng hồ lớn ba mặt, là biểu tượng của chợ. Hơn 100 năm tồn tại, chợ Bến Thành đã đi vào ký ức nhiều thế hệ người dân thành phố.

Có thể nói, những công trình trăm năm ấy quan trọng, không phải bởi vẻ đẹp về mặt kiến trúc. Những công trình ấy do người Pháp thực hiện, phục vụ cho chính quyền thực dân đô hộ nước ta, giờ đây lại trở thành những công trình hữu ích, đang ngày ngày phục vụ các hoạt động của chính quyền, Nhân dân thành phố.

Đó là những di tích không hề “ngủ yên” trong dòng chảy lịch sử. Qua trăm năm, vật đổi sao dời, các công trình ấy chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của thành phố, ghi dấu sự chuyển tiếp của những giai đoạn lịch sử, của những thế hệ. Đó là những công trình của quá khứ mà cũng là hiện tại, là cả tương lai.