Công ty phạt tiền người lao động là hoàn toàn trái luật

(PLO) - Mất vé xe: Phạt tiền; bị bảo vệ dân phố dừng xe: Phạt tiền; Đi làm muộn: Phạt tiền… Trường hợp nào thì phạt tiền là đúng luật, thẩm quyền phạt tiền ra sao? Mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam).
- Thưa ông, luật hiện hành quy định trường hợp nào bị phạt tiền?
Cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền trong các trường hợp sau:
- Có hành vi vi phạm hành chính và phạt tiền được coi là một hình thức xử phạt;
- Có hành vi vi phạm pháp luật hình sự và phạt tiền được coi là một hình phạt được áp dụng cho tội danh cụ thể quy định tại Bộ luật Hình sự;
- Có hành vi vi phạm hợp đồng dân sự và phạt tiền là một hình thức phạt vi phạm hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận.
- Lĩnh vực vi phạm hành chính rất rộng, chiếm tỷ lệ lớn nhất về hình thức xử phạt tiền. Ông có thể giúp bạn đọc nhận biết được khi nào bị xử phạt tiền vi phạm hành chính?
Trước tiên, phải hiểu thế nào là vi phạm hành chính. Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) định nghĩa: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Thứ hai, chỉ Chính phủ mới có quyền quy định các lỗi vi phạm hành chính và mức phạt tiền thông qua Nghị định. Ngoài ra, tất cả các văn bản khác quy định mức phạt tiền áp dụng cho các hành vi vi phạm hành chính đều bị coi là trái luật và không có giá trị thi hành. 
Thứ ba, người xử phạt tiền do lỗi vi phạm hành chính phải có thẩm quyền được quy định cụ thể tại Luật XLVPHC và các Nghị định trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể.
- Biện pháp phạt tiền khi vi phạm hợp đồng được thực hiện trong trường hợp nào? 
Phạt vi phạm được Điều 300 Luật Thương mại định nghĩa như sau: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận”.
Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp quy định tại Điều 294 Luật Thương mại như sau:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. 
- Người làm mất vé gửi xe có thuộc trường hợp áp dụng phạt vi phạm hợp đồng?
Việc gửi xe làm phát sinh hợp đồng trông giữ tài sản. Tuy nhiên, việc phạt tiền do làm mất vé xe không được áp dụng; trừ trường hợp người gửi xe được thông báo trước về mức phạt làm mất vé và đồng ý với thỏa thuận này.
- Còn trường hợp người lao động bị công ty phạt tiền nếu vi phạm quy định của công ty?
Cần khẳng định trong mọi trường hợp Công ty phạt tiền người lao động là hoàn toàn trái luật. Khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động ghi rõ “Cấm dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động”.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!