Cụ ông đặc biệt “trẻ mãi không già”
Ông cụ đặc biệt này tên Đào Văn Nội (84 tuổi, ngụ cụm 7, thôn Thúy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội). Cụ Nội cao chưa đầy 1 mét, nặng chỉ 16kg. Hiện cụ đang được gia đình người em trai là Đào Văn Chợ (73 tuổi) nuôi dưỡng.
Thật không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn ngắm cụ Nội trong bộ quần áo gụ bạc màu, mái tóc vẫn đen nhánh, tác phong nhanh nhẹn, thoăn thoắt như trẻ nhỏ học cấp 1. Nhìn từ xa, ông cụ không khác gì một đứa trẻ lên 7 tuổi, duy chỉ có khuôn mặt là của tuổi già với những nếp nhăn.
Theo lời kể của người em trai, gia đình ông có 3 anh em trai, ông Nội là anh cả trong gia đình. Khi mới sinh ra, ông cũng lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng không hiểu sao bắt đầu từ năm lên 7, ông lại không lớn được và từ đó mang dáng dấp nhỏ bé đến nay.
Ông Chợ cho biết: “Khi đó gia đình tôi nghèo túng thuộc loại gần như nhất làng, bố mẹ phải đi làm lụng vất vả để lo ăn từng bữa. Chính vì quá nghèo khổ nên khi thấy bác Nội đã 7 tuổi rồi mà vẫn không cao lớn gì, bố mẹ tôi cũng chẳng bận tâm lắm. Mọi người vẫn nghĩ có lẽ do gia đình nghèo đói quá, con cái không đủ ăn đủ mặc nên bác Nội mới bị còi xương không lớn được”.
Thời gian thấm thoắt trôi, bố mẹ đều mất, các em cũng đi xây dựng gia đình, ông Nội cứ thế sống vò võ một mình trong ngôi nhà cũ của bố mẹ với hình dáng nhỏ bé của một đứa trẻ. Nhìn người anh trai bất hạnh, ông Chợ không cầm được lòng nên bàn bạc với vợ đón người anh về chăm sóc.
Ngồi lặng lẽ nghe em trai kể chuyện về mình một hồi lâu, cụ Nội gạt đi sự e dè, mỉm cười hiền hậu rồi bắt đầu mở lời bộc bạch chia sẻ. Ngạc nhiên thay, giọng nói của ông vẫn nguyên vẹn giọng nói của một cậu bé 7 tuổi.
Ông cất lời: “Trước đây, bố mẹ tôi nghèo lắm nên các cụ không có tiền cho tôi đi khám bệnh. Bởi vậy, đến tuổi đi học tôi thường bị nhiều bạn bè trêu ghẹo. Có lần, những người bạn đó còn lấy sách vở của tôi bắt tôi phải chạy đuổi theo để mà lấy lại sách. Các bạn thì cao lớn, tôi thì nhỏ bé. Chạy được một quãng, tôi tủi thân quá liền chạy về nhà nấp trong buồng khóc một mình. Thế rồi từ đó, tôi bỏ học và xin bố mẹ ở nhà cho dệt khung cửi. Bé như vậy thôi chứ tôi khỏe mạnh, dệt vải giỏi lắm đấy”. Nói xong, ông cười rất hồn nhiên để lộ hàm răng móm mém.
Một điều hết sức đặc biệt: “Từ thưở bé đến giờ tôi không phải đụng một mũi tiêm hay một viên thuốc nào cả”, ông khẳng định. Theo người nhà và quan sát của chúng tôi, hiện nay sức khỏe ông cụ vẫn rất ổn định, trí tuệ minh mẫn, tác phong hoạt bát, tai vẫn rất thính.
|
Ông Nội cùng người em ruột |
“Có người anh đặc biệt trong nhà, cả gia đình và xóm giềng được vui lây. Chỉ nhìn bác ấy thôi là tôi thấy như mình trẻ ra rồi”, người em hớn hở khoe.
Thân hình nhỏ bé nhưng tình người lớn lao
Tâm sự về đời mình, ông Nội cho biết: “Tôi vẫn luôn tự hỏi tại sao mình lại có thân hình khác mọi người như vậy?. Nhưng đến giờ tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời. Nghĩ nhiều cũng chẳng ích gì nên tôi cứ vui vẻ sống. Có điều, bố mẹ mất, mình là anh cả trong nhà nhưng không giúp gì được cho các em nên tôi thấy xấu hổ lắm”.
Ông Chợ nhẹ nhàng vỗ về lên đôi vai bé nhỏ của người anh để an ủi. Nhìn cảnh tượng người em to lớn dang đôi tay rộng ôm trọn người anh vào lòng khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng đều xúc động.
Tuy mang thân hình bé nhỏ nhưng cụ Nội rất chăm chỉ, lúc nào cũng luôn chân luôn tay dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Kể về sự chăm chỉ của anh trai, ông Chợ nhớ lại: “Hai, ba năm trước, nhà tôi nuôi nhiều lợn. Thương vợ chồng tôi vất vả, bác ấy hay nấu cơm, nấu cám giúp đỡ gia đình. Không cho bác làm bác lại bảo không làm thấy buồn. Hơn nữa bác có sức khỏe, bác làm được nên chúng tôi không can ngăn, chỉ dặn dò phải cẩn thận”.
Ông Chợ cho biết, cũng may vợ ông đảm đang, thương người nên hai anh em ông mới được hạnh phúc như ngày hôm nay. “Bà luôn động viên, quan tâm nên anh mới quên đi được mặc cảm để sống vui vầy bên con cháu như bây giờ”, ông Chợ nói.
Không chỉ những người trong nhà thương yêu, ông Nội còn được khắp làng trên xóm dưới quý mến. Ngày ngày các em nhỏ trong xóm cũng kéo đến nhà ông rất đông, lúc nào cũng rôn rả tiếng nói cười. Bà con làng xóm thi thoảng qua chơi, chẳng ai còn bận tâm để ý đến hình dáng hay tuổi tác của ông.