Cuộc chiến chống chuyển giá: Gian lận cả chục ngàn tỷ, truy thu chưa được bao nhiêu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận: "Mới chỉ thanh tra, kiểm tra một số ít DN FDI mà đã tiến hành truy thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, nếu thanh tra, kiểm tra toàn bộ số DN FDI thì số tiền gian lận thuế bằng biện pháp chuyển giá sẽ lên đến cả chục ngàn tỷ đồng”.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, vấn đề quản lý thuế (QLT) đối với hoạt động chuyển giá không phải là mới, tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng thật ra cũng mới bắt đầu được chú trọng triển khai từ năm 2010, và thực tế, thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá mới chỉ được thực hiện trên phạm vi hẹp, chưa rộng khắp trên toàn quốc...

Biếm họa: DAD

"Chống" được bao nhiêu?

Theo báo cáo của ngành Thuế, trong năm 2011, ngành này đã thực hiện thanh tra tại 921 doanh nghiệp (DN) lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm trước), truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước). Đây là con số được ngành Thuế đánh giá là "kết quả bước đầu đáng khích lệ."

Tuy nhiên, theo một cán bộ của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho đến nay, chưa hề có dữ liệu chính xác về số thuế thu được, số lỗ xác định giảm được thực hiện thông qua việc đấu tranh chống chuyển giá theo quy tắc chuyển giá. Theo vị cán bộ này, trên thực tế, số lượng các DN bị thanh, kiểm tra về chuyển giá chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với số lượng DN bị thanh, kiểm tra thuế nói chung.

Tại hội nghị chuyên đề về chống thất thu, nợ đọng thuế, ngành thuế cũng thừa nhận đến nay, mới chỉ có một số ít Cục Thuế thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng (lồng ghép trong chương trình thanh tra toàn diện).

Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận: "Mới chỉ thanh tra, kiểm tra một số ít DN FDI mà đã tiến hành truy thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, nếu thanh tra, kiểm tra toàn bộ số DN FDI thì số tiền gian lận thuế bằng biện pháp chuyển giá sẽ lên đến cả chục ngàn tỷ đồng”.

Theo ông, xét trên phương diện quản lý thuế, cơ quan thuế (CQT) đang phải đối mặt với tình hình kê khai lỗ của DN FDI ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng.

Báo cáo về tình hình chuyển giá của các DN FDI tại VN của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, cho đến nay, việc đấu tranh chống chuyển giá theo đúng nghĩa ở VN mới được thực hiện ở một vài DN (Hà Nội chỉ có 4 DN, Đồng Nai 3, Bình Dương 7, cao nhất là Lâm Đồng, với 17 DN...).

Bộ này cũng cho rằng công tác chống chuyển giá thành công ở Lâm Đồng là do biện pháp hành chính (“dọa” sẽ thu hồi đất nếu không điều chỉnh giá) chứ không phải bằng biện pháp chống chuyển giá đích thực.

Cục phó Cục Thuế TP. HCM, ông Nguyễn Trọng Hạnh cũng thừa nhận, việc kiểm tra, thanh tra chuyển giá rất khó. Ông Hạnh cho biết, Cục Thuế TP.HCM chọn giải pháp đấu tranh trực diện với các DN này, yêu cầu giải trình vì sao DN lỗ liên tục trong khi doanh thu tăng cao theo từng năm. Cục Thuế cũng phải chuyển một số hồ sơ lỗ giả nhiều năm liền cho công an điều tra...

Đụng đâu cũng vướng

Theo nhận định của các chuyên gia, chuyển giá là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lĩnh vực thuế. Việc xác định các bên liên kết và giá thị trường là hai vấn đề cơ bản khi xem xét chuyển giá. Thế nhưng, trên thực tế, việc áp dụng các phương pháp này là không hề đơn giản.

Thực tế Cục Thuế Lâm Đồng đấu tranh được với các DN chè cũng một phần là do có giá để so sánh (giá chè xuất khẩu thấp hơn 18 lần so với gián bán nội địa). Tuy nhiên, do không có hệ thống dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý giá chuyển nhượng, rất nhiều trường hợp CQT không có gì để so sánh cũng như không có "mối" nào để xác định giao dịch liên kết.

Trong những trường hợp như thế này, đa số các nước trên thế giới đều có cơ chế thoả thuận trước về giá (APA) giữa CQT với người nộp thuế nhưng ở VN chưa có.

Để thanh tra giá chuyển nhượng đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian thu thập thông tin, phân tích, đối chiếu và kiểm tra số liệu, và đa số các nước trên thế giới thời gian để tiến hành 1 cuộc thanh tra giá chuyển nhượng kéo dài trên 1 năm nhưng ở VN, thời hạn cho 1 cuộc thanh tra giá chuyển nhượng lại rất ngắn do bị giới hạn bởi quy định tại Luật Thanh tra, chưa kể CQT theo quy định hiện hành chưa có quyền điều tra.

Xác định được DN chuyển giá đã khó, nhưng chế tài xử lý lại không đủ mạnh đảm bảo tính răn đe, chưa có chế tài xử lý đối với các DN có dấu hiệu không còn khả năng hoạt động (lỗ liên tục nhiều năm chiếm gần hết vốn, hoặc lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu...) nhằm tránh những hậu quả không tốt đối với nền kinh tế...

Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa, ông Nguyễn Xuân Sơn, cũng thừa nhận, bản thân ngành Thuế cũng lúng túng do năng lực quản lý, kinh nghiệm thực tiễn về quản lý giá chuyển nhượng còn hạn chế, mức độ hiểu biết của công chức thuế về giá chuyển nhượng mới dừng ở cấp độ cơ bản, kiến thức về kinh tế ngành còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong phân tích hồ sơ giá chuyển nhượng...

Bên cạnh đó, mãi gần đây (15/2/2012), Tổng cục Thuế mới thành lập Tổ QLT đối với hoạt động chuyển giá trực thuộc Tổng cục Thuế , còn trước đó hầu như không có đầu mối, việc QLT trong lĩnh vực này được thực hiện phân tán và lồng ghép với các chức năng QLT khác...

Theo chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng một chương trình hành động tổng thể cũng như hàng năm, bắt đầu từ năm 2012 nhằm kiểm soát hiệu quả hơn vấn đề chuyển giá trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại VN của các DN FDI.

Thanh Thanh

Đọc thêm